Các nhà lãnh đạo khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa họp thượng đỉnh ở thủ đô Mỹ từ ngày 9-11/7, kỷ niệm 75 năm từ khi thành lập và bàn các chiến lược tương lai. Tổng thống nước chủ nhà, ông Joe Biden, ca ngợi đây là khối liên minh vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, trong khi giới lãnh đạo ở các nước đồng minh châu Âu tính đến việc phải tự lo liệu vì chưa rõ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ ra sao.
Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Tổng thống Biden phát biểu hôm 9/7 tại hội nghị thượng đỉnh rằng từ khi ra đời năm 1949 với 12 thành viên, giờ đây NATO hùng mạnh hơn bao giờ hết với 32 thành viên, trong đó có 2 nước Thụy Điển và Phần Lan mới gia nhập trong nhiệm kỳ của ông.
Ông Biden nêu bật việc có tới 23 thành viên đáp ứng nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng từ 2% GDP trở lên, con số này nhiều hơn gấp đôi số nước làm như vậy năm 2021. Ông Biden cho rằng điều này là sự tiến bộ, là bằng chứng về cam kết của khối về việc bảo đảm sẵn sàng và nhất quyết bảo vệ từng centimet lãnh thổ của khối.
Khối đã đứng vững qua Chiến tranh Lạnh và giờ đây càng lớn mạnh, cùng có chung cam kết bảo đảm an ninh tập thể, bảo vệ hòa bình và các nền dân chủ khi phải đối mặt với mối đe dọa sau khi Nga xâm lược Ukraine đầu năm 2022, Tổng thống Biden nói.
Trong số những kết quả cụ thể từ hội nghị thượng đỉnh lần này, theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, là việc các lãnh đạo NATO nhất trí trợ giúp Ukraine về an ninh ít nhất là 43 tỷ đô la trong năm 2025, bao gồm trang bị vũ khí, huấn luyện, phát triển lực lượng cho Ukraine.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng ở Pháp bình luận với VOA hôm 11/7: “Nước Mỹ vẫn giữ vai trò chủ chốt qua vấn đề viện trợ cho Ukraine. Người Mỹ đóng vai trò không thể thay thế được. Nếu người Mỹ rút quân, giảm viện trợ, đây là một thảm họa không riêng gì với Ukraine mà cả Âu châu nữa”.
Theo tìm hiểu của VOA, tính đến đầu năm 2022, Mỹ có khoảng 100.000 binh sĩ đồn trú trên lãnh thổ các đồng minh ở châu Âu.
Lầu Năm Góc cho hay tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nước thành viên NATO cũng nhất trí sẽ tăng cường sản xuất hàng quốc phòng ở mỗi nước để đối phó với Nga, bên cạnh đó, khối sẽ tiến hành các bước để thúc đẩy áp dụng cơ cấu chỉ huy được hiện đại hóa và phát triển các kế hoạch phòng thủ mới.
NATO nhất trí rằng việc kết nạp Ukraine chỉ là vấn đề thời gian thay vì có kết nạp hay không, vẫn theo trang web của Lầu Năm Góc.
Nhiều trang tin Mỹ, trong đó có Politico và New York Times, tường thuật rằng trong khi giới lãnh đạo, ngoại giao châu Âu tán thưởng, ủng hộ các phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, họ cũng lo ngại về tương lai chính trị của ông Biden sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 vì ông đang đối mặt với những bất lợi sau màn tranh luận yếu ớt với đối thủ là ông Trump bên đảng Cộng hòa hôm 27/6.
Từ Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhận định với VOA rằng các lãnh đạo châu Âu rất nghiêm túc tính đến khả năng ông Biden không tiếp tục là tổng thống Mỹ sau tháng 11:
“Xác suất ông Trump đắc cử khá cao. Các lãnh đạo Âu châu đã dự trù về việc này. Họ đã chuẩn bị cho thời kỳ hậu Biden, là ai thì chưa biết. Dù tổng thống Mỹ sẽ là ai, Âu châu đã thay đổi suy nghĩ của họ rồi. Dù ông Trump lên, Âu châu đã chuẩn bị là họ phải sống trong trường hợp Mỹ cắt giảm viện trợ cho Ukraine và quan hệ của Mỹ với NATO bị rạn nứt”.
Như VOA đã đưa tin, khi còn nắm quyền tổng thống, ông Trump từng chỉ trích việc Mỹ phải gánh vác phần lớn chi phí của NATO và đe dọa các đồng minh trong khối rằng Mỹ sẽ không bảo vệ họ, không áp dụng Điều 5 trong hiệp ước của khối về phòng thủ tập thể, nếu như các đồng minh này không đáp ứng các nghĩa vụ về chi tiêu quốc phòng.
Giáo sư Hoàng nói thêm rằng việc đa số các nước NATO thực hiện đúng quy định về chi tiêu quốc phòng, như Tổng thống Biden đã chỉ ra, không chỉ là vì họ lo ngại về lời đe dọa của ông Trump mà cũng thể hiện tư tưởng của châu Âu là phải tự lo liệu vì không thể trông chờ mãi vào một siêu cường. Ông nói cụ thể hơn:
“Các nhà lãnh đạo Âu châu nghĩ rằng việc bảo vệ Âu châu nói chung, bảo vệ Ukraine nói riêng, đầu tiên phải là việc của Âu châu. Mỹ là nước hỗ trợ không thể thiếu được, nhưng nếu Âu châu không đóng góp như người Mỹ đòi hỏi, người Mỹ không thể đóng góp tài chính một cách lâu dài được. Âu châu ý thức được rằng họ phải tự lực cánh sinh”.
Ông Hoàng chia sẻ rằng người dân Pháp nói riêng và nhiều nước châu Âu nói chung đã có cách nhìn khác từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, họ cũng đã được vận động, chuẩn bị tinh thần, vì vậy, ông dự đoán rằng họ sẽ sẵn sàng đối phó hoặc chấp nhận nếu phải có thêm những khó khăn, những sự hy sinh trong thời gian tới khi mà cuộc chiến Nga-Ukraine chưa dừng lại, tiếp tục ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế nhất là ở châu Âu.
Diễn đàn