Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của tổ chức Human Rights Watch, gọi cuộc họp khoảng 45 phút với ông Biden là “một cuộc trao đổi thẳng thắn và hữu ích.”
Tòa Bạch Ốc loan báo cuộc họp hôm thứ tư với ông Roth và 3 nhà hoạt động khác trong một thông cáo công bố hôm qua. Thông cáo nói ông Biden đã thảo luận “Sự sa sút của tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc, các triển vọng cải cách và những đề nghị về chính sách của Hoa Kỳ.”
Ngoài ông Roth, nhóm này còn gồm ông Lý Hiểu Dung thuộc tổ chức Nhân quyền ở Trung Quốc, ông Benjamin Liebman, một chuyên gia về hệ thống pháp lý của trường đại học Columbia và bà Tra Kiếm Anh, một chuyên gia về truyền thông và văn hóa đại chúng.
Ông Roth cho biết ông đã yêu cầu ông Biden bảo đảm rằng nhân quyền sẽ được dành cho một “chỗ trung tâm và công khai” trong các cuộc đối thoại với phó chủ tịch Trung Quốc, một điều mà ông nói rằng ông Biden đã tỏ ý quyết tâm sẽ thực hiện. Ông Roth cho biết:
“Ông đã thực sự đồng ý rằng ông cảm thấy bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phải dựa trên sự thực, và sự thực là nhân quyền, là các giá trị phổ cập, chứ không phải chỉ là các giá trị Tây phương, nhân quyền thực ra sẽ là điểm chính yếu đối với thành công của Trung Quốc trong tương lai.”
Tóm lược của ông Roth phù hợp với báo cáo chính thức của Tòa Bạch Ốc về cuộc họp, nói rằng ông Biden đã thảo luận về cách thức mà “sự cởi mở hơn và bảo vệ các quyền phổ cấp là phương sách tốt nhất để thúc đẩy canh tân, thịnh vượng và ổn định ở tất cả các quốc gia, kể cả Trung Quốc.”
Ông Roth nói nhóm của ông đã không đạt được sự cam kết của Tòa Bạch Ốc về một yêu cầu mà tổ chức Human Rights Watch đã đưa ra trong một bức thư gửi cho Tổng thống Barack Obama hồi tháng trước, đề nghị ông mời các cựu tù nhân chính trị và giới chỉ trích chính phủ Trung Quốc đến Tòa Bạch Ốc.
Giới chức của tổ chức Human Rights Watch cho hay cuộc thảo luận với ông Biden đã không đi vào các tình huống cụ thể của tù nhân chính trị ở Trung Quốc, và nêu ra rằng Tòa Bạch Ốc biết rất rõ về những trường hợp này.
Ông Roth lưu ý đến một mục tiêu rộng lớn hơn là tập trung vào những vụ vi phạm nhân quyền “có hệ thống” ở Trung Quốc. Ông nói:
“Trong khi rõ ràng tất cả chúng ta đều muốn thấy các tù nhân chính trị nào đó được phóng thích, không ai hài lòng về cố gắng theo kiểu làm cho có lệ này. Có các vấn đề mang tính cách hệ thống ở Trung Quốc ngày nay về thành tích nhân quyền của họ. Và đó là những điểm chủ chốt phải giải quyết. Tôi cho rằng chúng ta không nên tạo ra cái cảm tưởng là Trung Quốc có thể mua chuộc để gạt qua một bên những lời chỉ trích bằng cách phóng thích một tù nhân ở chỗ này hay ở chỗ kia để cuối cùng lại đi đến chỗ bắt một người nào khác.”
Trong một cuộc thảo luận ở Washington hôm qua dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược, các chuyên gia cũng biểu đồng tình với ông Roth, và nói rằng họ không trông đợi các trường hợp nhân quyền sẽ được đưa ra trong các cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình ở Tòa Bạch Ốc.
Ông Michael Green, người từng giữ chức vụ Giám đốc về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói rằng vẫn còn phải chờ xem ông Tập Cận Bình có phản ứng như thế nào trước áp lực về nhân quyền trong các cuộc họp vào tuần tới. Ông nói:
“Sẽ là điều rất đáng chú ý để tìm hiểu xem, nếu có thể được, liệu trong các cuộc họp với Tổng thống và Phó Tổng thống, ông Tập có thực sự chống đối vấn đề này và nói rằng “Ồ, quý ngài cũng có các vấn đề về nhân quyền”. Tôi có thể tiên đoán là ông sẽ bác bỏ một cách kín đáo hơn, hay thậm chí một cách công khai, bởi vì ông đã từng làm như thế rồi.”
Ông Kenneth Roth của tổ chức Human Rights Watch nói ông và các nhà hoạt động khác đã hối thúc Phó tổng thóng Biden cố gắng bảo đảm rằng Hoa Kỳ theo một đường lối “toàn diện của chính phủ” đối với vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Ông Roth nói họ đã nhấn mạnh rằng cử tọa theo dõi một đường lối mạnh công khai và riêng tư không phải chỉ có Phó chủ tịch Tập Cận Bình, mà còn là nhân dân Trung Quốc, bao gồm các nhà cải cách, là những người sẽ cảm thấy bị bỏ rơi nếu không diễn ra một cuộc thảo luận về vấn đề đó.
Nhà hoạt động nhân quyền tường thuật cuộc họp về Trung Quốc tại Tòa Bạch Ốc
- Dan Robinson
Người đứng đầu một tổ chức nhân quyền nổi tiếng đã nói về một cuộc họp mà ông cùng 3 nhà hoạt động khác đã dự với Phó Tổng thống Joe Biden, hối thúc Tòa Bạch Ốc tập trung vào vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm sắp tới của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.