Đường dẫn truy cập

Joe Biden phải tập nghề tổng thống


Ông Joe Biden không có “nghề” đóng vai tổng thống. Nghề chính trị của ông được đào luyện trong Thượng viện suốt 36 năm, 1972 - 2008.
Ông Joe Biden không có “nghề” đóng vai tổng thống. Nghề chính trị của ông được đào luyện trong Thượng viện suốt 36 năm, 1972 - 2008.

Tháng 6 năm 1987, ông Joe Biden 45 tuổi, công bố ý định tranh cử tổng thống, sau khi đã làm nghị sĩ 15 năm. Đến tháng 9 thì ông rút lui. Từ đó, cứ 4 năm ông lại ra tranh cử lần nữa nhưng đảng Dân Chủ không chấp nhận. Năm 2012 ông đang làm phó tổng thống ông nên không tranh cử, bốn năm sau ông phải nhường cho bà Hillary Clinton.

Năm 2016 ông Biden may mắn. Đảng Dân chủ đưa ông ra vì biết nếu chọn Nghị sĩ Bernie Sanders thì sẽ thất bại. Dân Mỹ dồn cho ông 81 triệu trong tổng số 158 triệu lá phiếu, những con số cao nhất trong lịch sử, chỉ vì nhiều người không muốn ông Donald Trump làm tổng thống nữa.

Nói về thành tích thì trong một năm đầu ông Joe Biden đã thực hiện được nhiều điều hơn các vị tổng thống trước. Ông Obama chỉ để lại một đạo luật cải tổ y tế. Ông Trump chỉ ký được đạo luật cắt giảm thuế cho người lợi tức cao. Ông Biden đã ký đạo luật gần $2 ngàn tỷ đô la cứu trợ bệnh dịch Covid-19. Ông ban hành đạo luật $1.2 ngàn tỷ xây dựng hạ tầng cơ sở, mà ba đời tổng thống trước vẫn hô hào nhưng không ai làm được. Cả hai đều là những công trình lập pháp lớn, ảnh hưởng lâu dài, đến tất cả mọi người. Nhưng dân chúng Mỹ không quan tâm đến các đạo luật đó bằng những vấn đề trước mắt họ: lạm phát lên cao, bệnh dịch vẫn chưa hết, chính phủ bắt mọi người phải chích ngừa, mà Tối cao pháp viện cũng không đồng ý hoàn toàn, vân vân.

Sau một năm, số dân Mỹ ủng hộ ông Biden xuống thấp, chỉ còn 42%, kém ông Trump (44%) vào tháng Giêng năm 2018.

Tại sao ông Biden thất bại?

Hiểu được điều này thì chúng ta cũng hiểu tại sao ông Biden lận đận suốt 28 năm mới có cơ hội được đưa ra ứng cử tổng thống. Vì ông thiếu tay nghề!

Ông Joe Biden không có “nghề” đóng vai tổng thống. Nghề chính trị của ông được đào luyện trong Thượng viện suốt 36 năm, 1972 - 2008. Nghề đại biểu quốc hội cần những khả năng, phong cách, ngôn ngữ, thái độ khác hẳn nghề làm tổng thống. Càng ngồi lâu trong quốc hội thì những thói quen đó nhiễm càng sâu, rất khó thay đổi.

Các nhà chính trị đều phải là các diễn viên, luôn luôn lên sân khấu chinh phục khán giả. Trong số các chính trị gia, những người làm thống đốc được chuẩn bị để thích hợp với nghề tổng thống hơn. Vì họ cùng đóng cùng một vai trò, chỉ khác trên sân khấu lớn hay nhỏ. Các nghị sĩ không có dịp đóng vai trò tương tự; lại còn tập các thói quen trái ngược hẳn.

Các đại biểu quốc hội phải chinh phục cử tri trong đơn vị hay trong tiểu bang của mình, con số tương đối nhỏ. Công việc chính của họ là giao dịch với các đại biểu quốc hội khác. Ở Thượng viện, con số không lớn, thường chỉ cần vận động năm, bảy người then chốt. Họ phải biết ve vuốt, thuyết phục, tìm ra các nhược điểm của từng cá nhân đồng viện, đạt được những thỏa hiệp trong hậu trường, rồi biểu quyết thông qua các đạo luật. Lâu lâu gặp gỡ cử tri một lần họ chỉ cần kể ra thành tích đã làm được gì có lợi cụ thể cho dân địa phương.

Làm tổng thống thì khác. Lúc nào cũng phải đóng vai một nhà lãnh đạo trước mắt 160 triệu cử tri cả nước Mỹ. Đối với công chúng, điều quan trọng nhất là ông tổng thống mang hình ảnh một nhà lãnh đạo. Ông tổng thống cần thỏa mãn những tình tự yêu ghét của cử tri, hơn là thuyết phục họ bằng lý trí. Ông tổng thống phải biết cách thuyết phục hàng triệu người một lúc, đủ các loại người, chứ không phải như ông nghị sĩ chỉ cần nói chuyện thủ thỉ với năm bảy người cùng một trình độ và cách sống giống như mình.

Trong một năm, ông Biden chưa tập được các thói quen mới. Ông ít họp báo, không hay ra công chúng, tham dự các cuộc biểu tình của những người ủng hộ mình. Ông dành rất nhiều thời giờ gặp các dân biểu, nghị sĩ, tại Tòa Bạch Ốc hay sang trụ sở quốc hội. Cả những nghị sĩ mà ông biết trước họ sẽ không bỏ phiếu cho chương trình của mình, ông vẫn mời họp, nhiều lần chứ không phải một lần.

Một ông tổng thống cần cho người ta thấy mình cương quyết, mạnh bạo, gây được hình ảnh một nhà lãnh đạo biết mình phải làm gì và quả quyết rằng kết quả sẽ hoàn toàn tốt đẹp như mình muốn. Ông Biden không tạo được hình ảnh đó. Trong cuộc họp báo đánh dấu một năm cầm quyền, ông công nhận những sơ sót của mình; thí dụ, không thúc đẩy việc thử nghiệm (test) Covid sớm hơn. Ông còn xin lỗi khi tự nhận mình nói dài quá, hay nói ra ngoài câu hỏi.

Ngược lại, ông Donald Trump không bao giờ nói trước công chúng về các lầm lẫn của mình. Chưa thấy ông xin lỗi ai bao giờ mặc dù ông luôn luôn nói rất dài, nói ngoài đề và nêu ra các sự kiện không có thật. Đầu năm 2000, ông đã báo trước bệnh dịch Covid sẽ biến mất trong mấy tháng – như một phép lạ, ông quả quyết. Có lúc ông khuyên dân chúng chích hoặc uống thuốc sát trùng để trị loài vi khuẩn. Sau đó, ông không bao giờ nhắc lại và cũng không xin lỗi với ai rằng mình đã nói lầm. Cuối cùng, ông Trump vẫn củng cố được địa vị lãnh đạo của mình bên trong đảng Cộng Hòa. Ông biết rằng đảng Cộng Hòa không thể bỏ ông, khi ông vẫn được các cử tri nòng cốt ủng hộ. Ông chỉ cần chăm sóc thành phần cơ bản này là đủ.

Trong khi đó, địa vị của ông Joe Biden đang lu mờ, nếu không nói là vô hiệu lực, ngay trong đảng Dân Chủ. Hai dự án mà ông đang theo đuổi, tăng cường hệ thống an sinh xã hội và cải tổ luật bầu cử, đang bị tắc nghẽn chỉ vì hai nghị sĩ Dân chủ chống lại. Ông giống như một người đàn ông, có hai bà vợ mà không thể chiều ý cả hai. Trong đảng Cộng Hòa cũng có cảnh tượng đó, nhưng ông Trump biết cách, chỉ chiều ý một bà, bắt buộc bà kia phải theo mình.

Ông Donald Trump được đào tạo trong môi trường kinh doanh. Trong nghề địa ốc, ông biết cách chinh phục các ngân hàng để họ cho mình vay. Ông xây dựng một tòa nhà tráng lệ, từ cánh cửa đến thang máy cũng dát vàng. Ai thấy cũng choáng ngợp; các ngân hàng sẵn sàng cho ông vay, xây dựng các sòng bài, mấy năm sau ông tuyên bố phá sản. Ông đã thâu lại đủ cả vốn nhà, rất nhỏ, với tiền lương quản trị và cho thuê dùng nhãn hiệu Trump của ông. Các ngân hàng đành chịu, cố vớt lại đồng nào hay đồng đó.

Nhãn hiệu Trump bây giờ càng lên giá. Ông tiếp tục thâu tiền ủng hộ vào các quỹ tranh cử tương lai, lập công ty truyền thông cổ động cho các chủ trương của mình để nuôi quỹ tranh cử. Khi ông còn chưa nói dứt khoát năm 2024 sẽ tranh cử hay không, tiền còn tiếp tục đổ vào. Và đảng Cộng Hòa không thể bỏ được nhãn hiệu này.

Ông Joe Biden khó thay đổi những thói quen sau gần 40 năm làm nghị sĩ. Trong 8 năm làm phó tổng thống, vai trò chính của ông cũng là thay mặt ông Obama liên lạc với các nghị sĩ khác. Ông tương đối thành công khi vận động các đồng viện. Nhưng các kinh nghiệm trong nghề nghị sĩ không chuẩn bị cho ông làm nghề tổng thống!

Không biết rằng ở tuổi gần 80 ông Biden còn khả năng “đổi nghề” hay không, nhưng chắc chắn ông phải thay đổi. Làm tổng thống cần nhất là biết hô các khẩu hiệu ròn rã làm nức lòng người. Người dân bình thường không thích nghe những lý luận dài dòng, không suy nghĩ về các vấn đề trừu tượng, không nhớ được các con số. Dân cũng chỉ lo các vấn đề trước mắt, không nhìn trước các kết quả lâu dài quá xa. Chỉ một số ít người muốn biết và quan tâm đến những gì diễn ra trong hậu trường. Nếu ông Biden còn may mắn, như ông đã may mắn đắc cử năm 2020, thì bệnh dịch Covid sẽ tàn dần, kinh tế phục hồi và lạm phát thuyên giảm trong năm nay hoặc năm tới!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG