Đường dẫn truy cập

Biên giới Việt-Trung: Trung Quốc phát động chiến dịch thu phục nhân tâm mới?


Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì hoạt động kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Biên giới. (Screenshot Thế giới & Việt Nam).
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì hoạt động kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Biên giới. (Screenshot Thế giới & Việt Nam).

Có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phát động một chiến dịch “thu phục nhân tâm” mới, hối thúc Hà Nội tiếp tục đối thoại để đạt giải pháp cùng có lợi ở Biển Đông, xây dựng và củng cố hơn nữa các quan hệ song phương trên nền tảng của hiệp ước biên giới mà hai nước đánh dấu kỷ niệm 20 năm hôm Chủ nhật vừa rồi.

Ủy viên Quốc Vụ viện/Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ Tướng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm Chủ nhật 23/8 tại cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc), nơi hai nhà lãnh đạo chủ trì các hoạt động “kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc”.

Phát biểu tại sự kiện này, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nói:

“Hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong công tác quản lý biên giới, phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, giải quyết các sự việc phát sinh trên biên giới và nâng cao hiệu quả quản lý.”

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh không quên nhắc lại rằng “nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị, và sẵn sàng cùng Trung Quốc đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đi vào chiều sâu”.

Hai nước anh em xã hội chủ nghĩa vẫn hết lòng ca ngợi quan hệ láng giềng hữu nghị, nhưng đàng sau những ngôn từ ngoại giao, phía Việt Nam cũng nhắc nhở đồng chí Trung Quốc nên “giải quyết công bằng hợp lý các vấn đề biên giới, và quan tâm đến các lợi ích của nhau”.

Phó Thủ Tướng Việt Nam nói:

“Chủ quyền, biên giới, lãnh thổ quốc gia luôn là vấn đề thiêng liêng, quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy, kết quả giải quyết công bằng hợp lý vấn đề biên giới trên đất liền cho thấy, hai bên đã kiên trì nguyên tắc mang tính chất nền tảng, phương châm công bằng hợp lý, tôn trọng lẫn nhau, quan tâm hợp lý đến lợi ích của nhau trên căn cứ pháp lý đã thoả thuận, luật pháp quốc tế.”

Và cách đây chỉ vài ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo sự hiện diện của máy bay ném bom Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 21/8 nói:

“Sự kiện các bên liên hệ triển khai vũ khí và máy bay ném bom đến quần đảo Trường Sa không những xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn đe dọa hòa bình khu vực.”

Hồi đầu tháng 8, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công khai tuyên bố các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, và bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc là vô giá trị, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc mời đại sứ các nước ASEAN họp và khuyến cáo họ về nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông, do “những nước ngoài khu vực” gây ra, đồng thời tỏ ý muốn hợp tác với ASEAN để đàm phán và sớm hoàn tất một bộ Quy tắc Ứng xử trong Biển Đông (COC), điều mà Bắc Kinh vẫn tránh né để chỉ nhấn mạnh vào các quan hệ kinh tế.

Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 24/8 trích dẫn các nhà ngoại giao ASEAN nói rằng Trung Quốc muốn lôi kéo các nước láng giềng ngả về phía Bắc Kinh, đặt nặng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, và đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực.

“Rốt cuộc đối với Việt Nam, các vấn đề an ninh vẫn quan trọng hơn”.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại ISEAS ở Singapore


Báo SCMP dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Yusof Ishak ở Singapore – ISEAS, nói Trung Quốc đang phát động một “chiến dịch lấy lòng” để thuyết phục các đối tác khu vực trở về với Bắc Kinh, hoặc ít ra “đừng nghe hay về phe Mỹ chống lại Trung Quốc”.

Tiến sĩ Hiệp nói rằng Việt Nam là một đối tượng quan trọng trong nỗ lực “lấy lòng” của Trung Quốc, xét vị trí chiến lược của Việt Nam. Nhà nghiên cứu nói nhắc nhở Việt Nam về các quan hệ hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi là một “lập luận có tính thuyết phục” đối với Việt Nam, xét Trung Quốc là nước đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Nhưng vẫn theo nhà nghiên cứu của ISEAS, “Rốt cuộc đối với Việt Nam, các vấn đề an ninh vẫn quan trọng hơn”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG