Công an tỉnh Quảng Nam, miền trung Việt Nam, khẳng định hôm 20/7 rằng một nhóm 21 người Trung Quốc đang lưu trú ở tỉnh là những người nhập cảnh bất hợp pháp. Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích lực lượng biên phòng vì đã để lọt nhóm người đó trong bối cảnh vẫn chưa hết dịch Covid-19.
Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Zing và một số tờ báo Việt Nam, nhà chức tránh địa phương được người dân ở thị xã Điện Bàn báo về sự hiện diện của một nhóm người Trung Quốc hôm 18/7. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, nhóm người này bỏ chạy tán loạn nhưng không thoát.
Sau đó, trong cùng ngày 18/7, nhóm 21 người Trung Quốc được đưa đi cách ly tại một đơn vị quân đội Việt Nam ở thành phố Tam Kỳ, các báo Việt Nam cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, được dẫn lời nói rằng số người Trung Quốc này có kết quả âm tính lần 1 với Covid-19 và có sức khỏe bình thường, không ai bị sốt, vẫn theo tin của báo chí trong nước.
Tin cho hay, đến ngày 20/7, nhà chức trách Quảng Nam chưa thể xác định được 21 người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bằng cách nào. Công an tỉnh đưa ra thông tin ban đầu là những người này không có hộ chiếu, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, bắt xe đi từ bắc vào nam rồi thuê khu lưu trú tại Quảng Nam để ở.
Tuổi Trẻ dẫn lời một lãnh đạo Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh Quảng Nam, nhưng không nêu danh tính, cho hay: "Qua làm việc, được biết những người này nhập cảnh trái phép, sai quy định chứ nếu đi bằng con đường bình thường như du lịch, vào Việt Nam lao động thì phải có cơ quan bảo lãnh, được tổ chức cách ly bài bản. Còn nhập cảnh bằng đường nào thì công an sẽ điều tra, làm rõ".
Cũng ngày 20/7, theo Thượng tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an Quảng Nam, công an tỉnh vẫn đang tiếp tục điều tra và sẽ báo cáo lên Bộ Công an.
Tỉnh Quảng Nam là quê hương của ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ lo ngại và chỉ trích các lực lượng kiểm soát cửa khẩu về vụ việc này.
Nhà báo độc lập Lê Văn Dũng có nhiều người theo dõi trên Facebook nói với VOA rằng đã có lỗi của biên phòng, hải quan và chính quyền địa phương, vì chỉ đến khi người dân báo tin nhà chức trách mới biết về hoạt động lưu trú của nhóm 21 người Trung Quốc.
“Điều này cho thấy các cơ quan chức năng rất lỏng lẻo và vụ việc có tính chất rất nguy hiểm, không chỉ về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh mà cả về an ninh, quốc phòng. Nếu đây là một nhóm biệt kích có mục đích đánh phá nguồn nước, hệ thống điện… thì sao? Vụ này rất đáng báo động. Cần phải quy trách nhiệm cho các lực lượng kiểm soát cửa khẩu”, ông Dũng nói với VOA.