Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng nguyên do làm cho thủ phủ của tỉnh Anbar của Iraq bị rơi vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo hồi tuần trước là do các lực lượng Iraq thiếu tinh thần chiến đấu. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, Bộ trưởng Ashton Carter nhận định như vậy sau khi Tổng thống Barack Obama nói rằng cuộc chiến để làm sút giảm khá năng và tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo phải mất nhiều năm mới đạt mục tiêu.
Phát biểu trên đài truyền hình CNN hôm chủ nhật, ông Carter nói rằng quân đội Iraq không bị địch quân áp đảo về quân số, mà trên thực tế quân số của họ đông hơn rất nhiều so với số quân của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Người đứng đầu Ngũ giác đài bày tỏ hy vọng sau này lính Iraq sẽ có ý chí chiến đấu sau khi nhận được sự huấn luyện, trang bị và hỗ trợ thoả đáng.
Một vị đại biểu quốc hội Iraq, ông Hakim al-Zamili, mô tả nhận định của ông Carter là “không thực tế và vô căn cứ.” Ông cho rằng Ramadi thất thủ vì thiếu thiết bị tốt, vũ khí và yểm trợ không lực.
Tuy nhiên, ông Nabeel Khoury, một chuyên gia Trung Đông của Đại học Northwestern, nói rằng chính phủ Mỹ lẽ ra phải biết tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất của quân đội Iraq.
"Sự tham nhũng của lực lượng vũ trang có nghĩa là một số rất lớn tiền bạc trong ngân sách quốc phòng của Iraq không thật sự tới tay quân đội mà đi vào túi của những người trong chính quyền và các tướng lãnh trong quân đội."
Giáo sư Khoury cho rằng chẳng những sức mạnh của quân đội bị thổi phồng mà Baghdad còn không động viên dân chúng một cách thoả đáng để họ chiến đấu tại những phần đất do Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng. Ông Khoury cho biết ông tin là Ramadi, giống như Tikrit, rốt cuộc sẽ được chiếm lại, nhưng việc sử dụng các lực lượng bán quân sự cho thấy năng lực của quân đội Iraq rất yếu kém.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí The Atlantic hồi tuần trước, Tổng thống Barack Obama thừa nhận Ramadi thất thủ là “một thất bại chiến thuật”, và cần có thêm sự huấn luyện và cam kết tại những phần đất của người Hồi giáo Sunni. Ông cho biết lâu nay ông vẫn nghĩ rằng chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo là một chiến dịch nhiều năm.
Hôm thứ sáu vừa qua, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nhắc lại quan điểm đó.
"Chúng tôi dự kiến Nhà nước Hồi giáo sẽ tiếp tục bị sút giảm khả năng từ nay cho tới vài năm nữa. Và điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục áp dụng chiến lược này và tìm kiếm những nơi chúng ta có thể tăng cường công tác huấn luyện và trợ giúp, tiếp tục những vụ oanh kích có mục tiêu rõ rệt, và các đối tác của chúng ta tiếp tục những nỗ lực hiện nay. Điều đó đòi hỏi một cam kết lâu dài."
Bộ trưởng Quốc phòng Carter nói rằng tuy những cuộc không kích do Hoa Kỳ dẫn đầu là có hiệu quả, nhưng không có điều Hoa Kỳ có thể làm để thay thế cho tinh thần chiến đấu của các lực lượng Iraq.
Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, cho rằng chính quyền Obama không có chiến lược để đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ông phát biểu như sau trên chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS hôm chủ nhật.
"Chúng ta cần có một chiến lược mạnh mẽ. Chúng ta cần có thêm binh sĩ trên bộ. Chúng ta cần có thêm nhân viên kiểm soát không lưu tiền tuyến. Quí vị có biết là 75% các phi vụ tác chiến đó trở về căn cứ mà không hề oanh kích hay không? Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không có người ở thực địa để xác định một mục tiêu đang di chuyển. Chúng ta cần có một chiến lược. Hiện giờ không hề có một chiến lược."
Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Hạ viện, Dân biểu William Mac' Thornberry, cho biết như sau trên đài truyền hình ABC khi được hỏi phải chăng Nhà nước Hồi giáo đang thắng.
"Họ có được rất nhiều đà tiến. Như quí vị thấy, chẳng những Nhà nước Hồi giáo đang chiếm thêm đất đai ở Iraq và Syria – tôi nghĩ rằng bản đồ này cho mọi người thấy rõ là lãnh thổ của họ đang nới rộng, những điều mà bản đồ này không cho thấy là ý thức hệ Nhà nước Hồi giáo đang tiếp tục bành trướng. Do đó, chúng ta thấy những phần tử thánh chiến từ Mali, Somalia, Libya cho tới Afghanistan, Pakistan đã tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo."
Ông Thornberry cũng cho rằng trận chiến Ramadi có lẽ đã không có kết cục bi đát như vậy nếu các cố vấn Mỹ có mặt tại chỗ để giúp cho những vụ không kích được hữu hiệu.