Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm vào ngày 27/2 để xét xử ông Trương Huy San, tức blogger Huy Đức, về tội danh “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”. Cùng lúc, các tổ chức nhân quyền như Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức.
Hôm 21/2, Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin rằng ông San sẽ ra hầu tòa vào ngày 27/2, cho biết thêm rằng “bị can nhận thức được” nội dung 13 bài viết của ông “có gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân, nhưng không có ý đồ chống Đảng, chống Nhà nước”.
Truyền thông nhà nước dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết rằng trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2024, ông San đã thu thập thông tin, tài liệu, soạn thảo và đăng tải nhiều bài viết trên trang Facebook cá nhân của mình, trong số các bài viết này, có 13 bài viết “xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tuy nhiên, các trang báo của nhà nước không cho biết các “tổ chức”, “cá nhân” đó là ai.
Mặc dù vậy, truyền thông do nhà nước quản lý nhấn mạnh rằng các bài viết này thu hút lượng tương tác, bình luận, chia sẻ đáng kể, “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật”.
Ông San chính thức bị truy tố theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2-7 năm tù, theo trang An Ninh Nhân Dân.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 18/2 kêu gọi chính quyền Việt Nam “hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà báo nổi tiếng Trương Huy San đang bị giam giữ vì các bài đăng trên Facebook cá nhân và ngừng sử dụng các biện pháp đe dọa pháp lý để đe dọa các phương tiện truyền thông độc lập”.
“Nhà báo Việt Nam Trương Huy San đã thực hiện, chứ không phải lợi dụng, các quyền tự do dân chủ của mình trong việc đưa tin độc lập về nền chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam thống trị, và ông không đáng bị trừng phạt vì đã làm như vậy”, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á bày tỏ quan điểm. “Những cáo buộc hình sự sai trái này cần phải bị hủy bỏ và ông San đáng được trả tự do vô điều kiện ngay bây giờ”.
Trước đó, hôm 12/2, Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tác giả Trương Huy San và kêu gọi Hà Nội tuân thủ nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền.
“Khi một tác giả và nhà báo như Trương Huy San bị bịt miệng, không chỉ tiếng nói của ông bị bóp nghẹt, mà cả quyền của toàn bộ xã hội trong việc tìm kiếm sự thật và trách nhiệm giải trình cũng bị bóp nghẹt”, bà Anh-Thu Vo, giám đốc nghiên cứu và vận động của Văn bút Hoa Kỳ, nói trong một thông cáo.
“Chỉ trích không phải là hành vi phạm tội. Việt Nam phải ngừng sử dụng luật pháp của mình làm vũ khí chống lại những người dám nói lên sự thật”, bà Vo nhấn mạnh.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về các tuyên bố trên của CPJ và Văn bút Hoa Kỳ, nhưng chưa được trả lời.
“Điều 331 của Bộ luật Hình sự là hoàn toàn vi hiến, nó ngược với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ những năm đầu của thập niên 1980”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội, một nhà phản biện và hoạt động cho tự do biểu đạt và xã hội dân sự độc lập, nhận định với VOA. Ông nói thêm rằng điều luật này cần phải xóa bỏ.
“Các luật và các quan tòa cần phải nghiêm túc một chút để hỏi những người bị hại, các ‘tổ chức’, ‘cá nhân’ bị hại công khai xem họ bị ‘tổn hại’ ra sao và chứng minh một cách đường hoàng”, ông Quang A nói, đề nghị cần làm rõ 13 bài viết của ông Huy Đức đã “làm tổn hại” ra sao và ở mức nào.
Trang Tuổi Trẻ Online hôm 21/2 dẫn thông cáo của Tòa án Hà Nội cho biết phiên tòa xử ông San do một hội đồng xét xử có 3 người: một thẩm phán chủ tọa phiên tòa và hai hội thẩm nhân dân.
Bên công tố có một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội trong khi ông San được một luật sư đăng ký bào chữa trước tòa, vẫn theo trang Tuổi Trẻ Online.
Ông Trương Huy San, tức blogger Huy Đức, 64 tuổi, một nhà bình luận chính trị và tác giả nổi tiếng, bị công an bắt giữ vào ngày 7/6/2024, tại thủ đô Hà Nội, khi đang trên đường đến một sự kiện mà ông dự kiến sẽ phát biểu.
Bộ Công an Việt Nam, cơ quan quản lý các nhà tù của quốc gia và cho phép công an thực hiện các vụ bắt giữ chính trị, không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận qua email của CPJ.
Chính quyền Việt Nam lâu nay bác bỏ các cáo buộc nói rằng họ vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền căn bản của người dân, trong đó có quyền tự do báo chí và tự do bày tỏ, luôn được tôn trọng.
Việt Nam ngang hàng với Iran và Eritrea trong bảng xếp hạng quốc gia giam giữ nhà báo tồi tệ thứ 7 trên toàn thế giới, với ít nhất 16 phóng viên bị cầm tù tính đến ngày 1/12/2024, theo cuộc điều tra toàn cầu mới nhất của CPJ về nhà tù.
Diễn đàn