Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đưa ra yêu cầu rằng những đảng viên sinh con thứ ba trở lên sẽ không bị kỷ luật trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở quốc gia Đông Nam Á giảm xuống mức thấp kỷ lục và nhà nước đang nỗ lực nâng cao tỷ suất sinh.
Truyền thông trong nước đưa tin rằng Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng sửa hướng dẫn năm 2022 theo hướng không kỷ luật trường hợp sinh con thứ ba trở lên.
Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi chính sách hai con để khuyến khích sinh nhiều con hơn. Chính sách này có hiệu lực vào năm 1988 nhằm mục đích giảm tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng và cải thiện sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, các giới hạn về quy mô gia đình đã được dỡ bỏ vào năm 2021.
Quy định kỷ luật khi sinh con thứ 3 không áp dụng với người dân nhưng áp dụng cho các thành viên của Đảng Cộng sản.
Theo VnExpress, Văn phòng Trung ương Đảng hôm 17/2 đã thông báo chỉ đạo của cơ quan quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc sửa đổi quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số.
Bộ Y tế Việt Nam trước đó đã trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ chương bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số mà họ cho là không còn phù hợp, trước mắt là bãi bỏ xử lý vi phạm với quy định về số con.
Theo Bộ Y tế, được Báo Chính phủ trích dẫn, có một số nguyên nhân dẫn đến mức sinh có xu hướng xuống thấp trong những năm gần đây, gồm điều kiện sống được cải thiện, học vấn ngày càng nâng cao, nhu cầu phát triển sự nghiệp bản thân – nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chất lượng cuộc sống tốt hơn, muộn kết hôn và nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng.
Thống kê của Cục Dân số thuộc Bộ Y tế đưa ra cuối năm ngoái cho thấy tỷ lệ sinh của Việt Nam giảm xuống mức thấp kỷ lục là 1,91 con/phụ nữ và mức này đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp tỷ lệ sinh của quốc gia Đông Nam Á xuống dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ). Theo Bộ Y tế, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong vài năm tới.
Mức sinh giảm thấp, theo Bộ Y tế, sẽ gây ra nhiều hệ lụy, bao gồm thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, cũng như gia tăng các dòng di cư.
Vào tháng 10 năm ngoái, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan đã đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 nhằm thay đổi quan điểm về chính sách dân số và nâng cao tỷ suất sinh, theo VnExpress. Vị đại biểu này cho rằng chủ trương kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba có thể đúng ở giai đoạn trước, còn hiện nay tỷ suất sinh của Việt Nam xuống thấp thì cần thay đổi.
Vẫn theo VnExpress, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cũng từng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba để “phù hợp với tình hình mới”.
“Trong khi tỷ suất sinh của Việt Nam đang giảm nhanh, cấp có thẩm quyền sớm sửa quy định, để tháo gỡ rào cản, xóa bỏ tâm lý cho cán bộ, đảng viên không dám sinh con thứ ba,” GS Nhân được VnExpress trích lời nói.
Nghị quyết Trung ương năm 2017 về chính sách dân số trong tình hình mới đã yêu cầu đảng viên thực hiện chủ trương, chính sách về dân số, nhất là sinh đủ hai con. Theo đó, đảng viên sinh con thứ ba bị xem là vi phạm chính sách dân số và có thể bị xem xét kỷ luật khiển trách, trừ một vài trường hợp cụ thể.
Các dự báo cho thấy dân số Việt Nam có thể giảm 0,04% từ năm 2054 đến 2059 và 0,18% từ năm 2064 đến 2069, tương đương với mức giảm trung bình 200.000 người mỗi năm. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và châu Á vốn đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm, Việt Nam ngày càng lo ngại về tác động lâu dài của tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi.
Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ ba ở Đông Nam Á và đông thứ 15 trên thế giới khi dân số vượt mức 100 triệu vào năm 2023. Quốc gia này đã bước vào thời kỳ dân số vàng vào năm 2007 sau khi chính thức đạt mức sinh thay thế vào năm 2006.
Tuy nhiên GS Nhân, từng là ủy viên Bộ Chính trị, đã cảnh báo hồi tháng 10 năm ngoái rằng dân số Việt Nam có thể giảm hơn 1 nửa xuống còn 46 triệu người vào năm 2200 nếu tỷ lệ sinh thấp như hiện nay tiếp tục được duy trì.
Diễn đàn