Đường dẫn truy cập

Bộ Giao thông lại thất hứa, không khai thác tuyến Cát Linh-Hà Đông trước Đại hội Đảng


Một đoàn tàu của tuyến Cát Linh-Hà Đông trong giai đoạn thử nghiệm (ảnh chụp năm 2019)
Một đoàn tàu của tuyến Cát Linh-Hà Đông trong giai đoạn thử nghiệm (ảnh chụp năm 2019)

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội không được đưa vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng Cộng sản sẽ diễn ra trong những ngày còn lại của tháng 1/2021, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) Việt Nam nói hôm 20/1, theo các bản tin của VOV, An Ninh Thủ Đô và Soha.

Cách đây gần 3 tháng, hôm 28/10/2020, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cam kết trong một cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng bộ của ông sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án Cát Linh-Hà Đông vận hành thương mại trước Đại hội Đảng.

Thứ trưởng GT-VT Nguyễn Ngọc Đông nói vào chiều 20/1/2021 với báo giới rằng do các bên liên quan chưa hoàn tất thủ tục nên dự án Cát Linh-Hà Đông chưa thể bàn giao, khai thác trước đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra.

Cung cấp thêm chi tiết, Thứ trưởng Đông cho hay: "Hiện chưa có báo cáo đánh giá về kết quả vận hành thử nghiệm dự án. Ban Quản lý dự án, Bộ GT-VT vẫn đang làm việc với tổng thầu Trung Quốc và tư vấn Pháp về cung cấp tài liệu, hoàn tất đánh giá", theo tường thuật của VOV, An Ninh Thủ Đô và Soha.

Vẫn các báo trong nước dẫn lại thông tin từ Bộ GT-VT cho hay thủ tướng Việt Nam mới đây đã ra văn bản chấp thuận cho bộ điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Cát Linh-Hà Đông cho đến ngày 31/3/2021.

Dự án đường sắt đô thị nêu trên được khởi công hồi tháng 10/2011, cách nay hơn 10 năm. Tuy nhiên, đến nay, với 3 bộ trưởng GT-VT khác nhau nắm quyền, dự án vẫn chưa thể chính thức đưa vào khai thác thương mại, phục vụ công chúng, gây nhiều thất vọng, bất bình trong dư luận, theo quan sát của VOA.

Bên cạnh đó, như VOA đã đưa tin, người dân Việt Nam cũng phẫn nộ về tình trạng dự án bị đối vốn khủng khiếp, khi mà dự kiến tổng mức đầu tư ban đầu là 8.770 tỷ đồng (553 triệu đô la Mỹ) đã tăng vọt lên thành 18.000 tỷ đồng (868 triệu đô la) vào năm 2019, theo thông tin từ Kiểm toán Việt Nam. Số tiền tăng thêm là 9.231 tỷ đồng, tương đương mức tăng trên 205%, cơ quan kiểm toán cho biết.

Trong tổng số tiền kể trên, Việt Nam phải vay Trung Quốc tới 13.867 tỉ đồng (gần 669 triệu đô la).

cảnh rác rưởi, nứt vỡ tại các ga của tuyến Cát linh-Hà đông, tháng 3/2019
cảnh rác rưởi, nứt vỡ tại các ga của tuyến Cát linh-Hà đông, tháng 3/2019

Một phóng sự của trang Dân Việt đăng trong tháng 12/2020 thống kê rằng Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể đã 8 lần lỗi hẹn về việc đưa tuyến Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, và với việc tuyến này không thể khai thác trước Đại hội Đảng, đó là lần thứ 9 ông Thể lỗi hẹn.

Bình luận về việc Bộ GT-VT lại một lần nữa thất hứa, ông Hoàng Dũng, một người được biết tiếng rộng rãi trên mạng về những bài viết phản biện xã hội, đưa ra bình luận trên trang Facebook cá nhân rằng tuyến Cát Linh-Hà Đông “đã trở thành nỗi ô nhục của đảng cộng sản, một vết sẹo trên khuôn mặt thủ đô Hà Nội”.

Các báo trong nước cho biết đến nay các bên liên quan đến dự án đã kết thúc thời gian vận hành thử nghiệm, với 5.700 lượt tàu chạy hơn 70.000km trên tuyến đường.

Các bài báo đăng hôm 20/1 dẫn lời ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án, cho biết rằng dự án bị chậm lại do tổng thầu, tư vấn giám sát và tư vấn đánh giá an toàn hệ thống không thể đưa người sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại trong thời gian 6 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng.

Ông Tùng cho biết thêm là một số vướng mắc còn tồn tại liên quan đến thực hiện hợp đồng trọn gói và kết luận của Kiếm toán Nhà nước cũng làm cho tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài, song ông không cung cấp thêm chi tiết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG