Đường dẫn truy cập

Bộ Ngoại giao Việt Nam: ‘Mỹ khẳng định không dung túng’ người liên quan vụ tấn công ở Đắk Lắk


Các bị cáo trong phiên tòa lưu động xét xử vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 17/1.
Các bị cáo trong phiên tòa lưu động xét xử vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 17/1.

Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 25/1 nói rằng các cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên trao đổi với phía Mỹ về vụ tấn công ở Đắk Lắk mà Bộ Công an xem là hành động khủng bố, đồng thời cho biết Hoa Kỳ “khẳng định không dung túng” cho những ai liên quan đến vụ bạo động này.

Vụ tấn công xảy ra ngày 11/6/2023 ở tỉnh thuộc Tây Nguyên, trong đó truyền thông nhà nước Việt Nam mô tả là do một nhóm người bịt mặt mang theo các loại vũ khí gồm súng và bom xăng vào hai trụ sở chính quyền tỉnh, ở huyện Cư Kuin, gây ra. Theo báo cáo, 9 người đã thiệt mạng, trong đó có 4 viên chức công an và 2 cán bộ xã.

Một phiên tòa sơ thẩm tại Đắk Lắk đã đưa 100 người bị quy kết có liên quan đến vụ án này, trong đó có một công dân Mỹ, ra xét xử trong tháng này. Trong số đó, 10 người bị tuyên án tù chung thân về tội “Khủng bố.” Tòa đưa ra 5 bản án 20 năm tù trong khi các bị cáo còn lại bị tuyên các hình phạt từ 9 tháng đến 19 năm tù về các tội danh, bao gồm cả “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân,” “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” và “Che dấu tội phạm.”

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, khi đề nghị mức án tử hình trước phiên tòa, đã gọi một nhóm ủng hộ người Thượng Tây Nguyên ở Mỹ là “khủng bố”. Các công tố viên, tại phiên tòa lưu động 5 ngày xét xử vụ án, cáo buộc họ “kích động” người dân ở Việt Nam thực hiện các hành động khủng bố nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi.

Bị cáo duy nhất là công dân Mỹ, Y Sol Nie, có mặt tại phiên tòa bị kết án chung thân. Theo truyền thông trong nước, người đàn ông 45 tuổi này cư trú ở North Carolina và bị cáo buộc đóng vai trò chủ chốt, chỉ huy trong vụ tấn công. Một công dân Mỹ khác, Y Mut Mlo, bị tòa tuyên vắng mặt 11 năm tù giam.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/1 tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ đã và đang thường xuyên trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của phát luật hai nước cũng như luật pháp quốc tế, theo ghi nhận của cáo báo trong nước, trong đó có VietNamNetDân Trí.

Trước đó vào tháng 7 năm ngoái, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói rằng chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để điều tra vụ tấn công tại Đắk Lắk. Ông Knapper lúc đó được VnExpress trích lời khẳng định rằng “Mỹ không chấp nhận những gì xảy ra tại Đắk Lắk, cũng như phản đối bạo lực dưới mọi hình thức.”

Cục trưởng Cục An ninh Nội địa của Việt Nam, Phạm Ngọc Việt, nói tại một hội nghị về chống khủng bố, do Liên Hợp Quốc tổ chức ở New York hồi tháng 6 năm ngoái, rằng đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ đã nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công.

Bà Hằng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về sự phối hợp giữa Việt Nam và Mỹ để điều tra vụ án, nói rằng Mỹ khẳng định với Bộ Công an Việt Nam rằng họ “không dung túng bất cứ tổ chức hay cá nhân nào liên quan đến vụ việc, và cam kết hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước,” theo VietNamNet và Dân Trí.

Bà Hằng khẳng định việc điều tra vụ án ở Đắk Lắk được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam về những gì bà Hằng nói cũng như các bản án mà tòa ở Đắk Lắk tuyên cho các bị cáo, gồm một án chung thân cho công dân Mỹ.

Cũng tại buổi họp báo, bà Hằng “bác bỏ hoàn toàn” rằng có sự kỳ thị sắc tộc trong vụ án này khi được phóng viên hỏi về phản ứng của Việt Nam trước những thông tin như vậy.

“Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng như nhau, Chính phủ Việt Nam luôn dành những ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân,” bà Hằng được VietNamNet và Dân Trí trích lời nói.

Cũng đưa tin về cuộc họp báo hôm 25/1, VnExpress cho biết bà Hằng đã báo bỏ thông tin về tình hình nhân quyền của Việt Nam, cụ thể là trong báo cáo gần đây của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW).

Theo Báo cáo tổng kết toàn cầu 2024 của HRW công bố trong tháng này, chính phủ Việt Nam bị cáo buộc đã đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt khắc nghiệt những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản.

“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vì những nội dung bịa đặt, sai sự thật,” bà Hằng nói khi được phóng viên đề nghị bình luận về thông cáo báo chí của tổ chức có trụ sở ở New York của Mỹ, trong đó nói tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2023 đầy “u ám.”

Theo bà Hằng, Việt Nam hôm 11/1 đã đệ trình cam kết quốc tế, thể hiện nỗ lực không ngừng trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 hồi tháng 10/2022. Bất chấp sự phản đối của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế về việc Việt Nam được bầu vào hội đồng này dù có hồ sơ nhân quyền yếu kém, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ tin tưởng, khi thăm Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái, rằng quốc gia này sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG