Lầu Năm Góc cho biết rằng Hoa Kỳ “đã nắm được các tin tức về việc Việt Nam đã triển khai các hệ thống tên lửa tầm ngắn trên một số tiền đồn ở Trường Sa”.
Reuters hôm 10/8 dẫn lời các nguồn tin nói rằng Hà Nội đã, theo lời hãng này, “bí mật” đưa các giàn rocket di động mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”.
Cùng ngày, trả lời VOA Việt Ngữ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi “tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tránh các hành động gây căng thẳng, tiến hành các bước đi thiết thực nhằm xây dựng lòng tin và gia tăng nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình, ngoại giao để [giải quyết] các tranh chấp”.
Trong khi đó, tất cả các báo lớn của Việt Nam đều không đề cập tới bản tin độc quyền của Reuters, và dường như, chỉ duy nhất có tờ Giáo dục Việt Nam viết về điều tờ báo này nói là “quyền phòng thủ chính đáng của Việt Nam ở Trường Sa”.
Tờ báo thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam viết thêm rằng “nếu thiếu những tiếng nói giải thích cho rõ có thể dẫn đến những băn khoăn, lo lắng trong dư luận Việt Nam về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.
Trong bản tin của mình, Reuters trích tuyên bố ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng thông tin mà hãng này thu thập được “không chính xác”, trong khi trả lời VOA Việt Ngữ, một quan chức Bộ Quốc phòng Việt Nam nói rằng “không có chuyện đấy”.
Tính tới tối 11/8, giờ Hà Nội, cả trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đều không đăng tải bất kỳ tuyên bố nào về tin tức được cho là “gây căng thẳng” cho quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh.
Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một nhà nghiên cứu về biển Đông, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng dù Việt Nam bác bỏ tin triển khai giàn phóng tên lửa, đó cũng là lời “cảnh báo” cho Trung Quốc.
Cựu quan chức của Liên Hiệp Quốc này nói thêm:
“Họ làm như vậy để cho Trung Quốc biết rằng họ sẵn sàng đề phòng. Nếu mà Trung Quốc muốn chiếm thêm chỗ này, chỗ kia, thì sẽ bị phản ứng. Việt Nam bây giờ ở thế bắt buộc phải chứng tỏ mình phòng bị, chứ không phải mình ở cái thế có thể tấn công được. Nếu tấn công, Trung Quốc sẽ lạm dụng cái đó để nó làm tới nữa. Việt Nam chỉ có phản ứng khi nào cần thiết thôi”.
Ông Việt nhận xét tiếp rằng, sau phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc giờ “mất thế chính nghĩa”, và tình hình ở biển Đông sẽ còn “căng thẳng” trong thời gian tới.
Trong bài báo độc quyền, Reuters trích dẫn tuyên bố mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc fax tới hãng này hôm 11/8, tái khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Trường Sa và các vùng biển kế cận.
Bắc Kinh còn được trích lời lên tiếng phản đối việc “chiếm đóng trái phép các đảo và bãi đá của Trung Quốc” và “triển khai quân sự trái phép” tới đó.