Ngày 21/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Việt Nam cho biết kết quả phân tích mẫu nước biển ở vệt nước màu đỏ tại Vũng Áng cho thấy hàm lượng amoni tăng cao. Tổ công tác của Bộ TN&MT cũng đã lấy mẫu nước và tảo tại đây để gửi đi phân tích, nhưng Bộ này trích thông tin từ “một số người dân” cho rằng hiện tượng này thường xuất hiện vào dịp tháng chạp và tháng Giêng hằng năm.
Trước đó trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một cống xả nước thải màu đỏ ra biển. Dư luận cho đây là cống xả thải từ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, thủ phạm gây ra vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung hồi năm ngoái.
Trong cùng thời điểm, vào ngày 18/2, xuất hiện những vệt nước lớn màu đỏ ở khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, nơi có nhà máy của công ty Formosa.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, xác nhận vùng nước màu đỏ cũng xuất hiện tại vị trí nuôi cá lồng bè của một số hộ dân trong khu vực vào ngày 19/1. Giới chức của Bộ TN&MT cho biết tổ công tác của Bộ TN&MT đã lấy mẫu tảo và mẫu nước trong khu vực để gửi đi phân tích. Giới chức này cũng dẫn lời người dân nói hiện tượng vệt nước đỏ thường xuất hiện tại bờ biển Vũng Áng vào dịp tháng chạp và tháng Giêng.
Vẫn theo ông Hoàng Văn Thức, tổ công tác giám sát Formosa nhận định vệt nước màu đỏ có dấu hiệu nguồn nước bị “ô nhiễm hữu cơ”.
GS-TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, giải thích với VOA về điều này.
“Ô nhiễm hữu cơ là ô nhiễm từ chất thải có nguồn gốc từ sinh hoạt, ví dụ như các chất bẩn từ rau, thực phẩm, chất thải sinh hoạt liên quan đến đời sống của ngư dân vùng ven biển”.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói đây cũng chỉ là một dự báo, không phải là kết luận phân tích khoa học. GS. Võ cho rằng cần phải đợi kết luận cuối cùng của Bộ.
Năm ngoái, vào thời điểm xảy ra vụ ô nhiễm môi trường khiến hàng loạt hải sản chết trôi vào bờ biển miền Trung, cũng có những vệt nước đỏ xuất hiện trong khu vực biển này. Bộ TN&MT sau đó đưa ra giải thích về hiện tượng hải sản chết có thể là do hiện tượng thủy triều đỏ. Tuy nhiên, giải thích này của cơ quan chức năng ngay sau đó đã bị lật ngược hoàn toàn khi có những bằng chứng về ống xả thải gây ô nhiễm môi trường của công ty Formosa đang xả ra biển.
Đối với vệt nước đỏ mới xuất hiện, tuy lãnh đạo Bộ TN&MT nói rằng sau khi có kết quả phân tích mới khẳng định được lần này có phải là hiện tượng thủy triều đỏ hay không, nhưng nhiều người dân đã bày tỏ nghi ngờ về tính khả tín của công tác điều tra của Bộ TN&MT.
TS. Đặng Hùng Võ thừa nhận người dân hiện đang rất “thiếu tin tưởng” và “hoài nghi” bất cứ thông tin chính thức gì có liên quan đến các vụ ô nhiễm môi trường. Ông nói:
“Riêng sự cố đó đã làm cho người dân thiếu tin tưởng. Bởi vì đây là vụ xả thải trực tiếp, mang tính vụng trộm, không đúng quy trình, không đúng pháp luật và gây ra thảm họa rất lớn. 500 triệu đôla bồi thường cũng không lại được với những tổn thất, đặc biệt là tổn thất về lòng tin. Hiện nay khi có một sự cố gì bất thường có liên quan đến môi trường thì người dân đều hoài nghi và không biết được có thể tin cậy được những thông tin chính thức ở mức độ nào”.
Theo GS-TS. Đặng Hùng Võ, để cứu vãn lòng tin trong dân chúng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TN&MT cần phải ăng cường năng lực về kỹ thuật để có thể giám sát tốt về môi trường, bên cạnh việc động viên người dân trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát để không “lọt lưới” những sự cố môi trường và dự báo được những nguy cơ về môi trường trong tương lai.
Ông nói thêm:
“Tất nhiên để tăng cường giải pháp công nghệ trong giám sát, cũng như tăng cường vai trò của người dân thực hiện quyền giám sát, tôi cho rằng cũng từng bước, phải có thời gian. Đặc biệt, cơ quan nhà nước phải thực sự trung thực, thực sự quyết tâm, thực sự bày tỏ mong muốn không thể để xảy ra ô nhiễm môi trường nữa. Thì lúc đó tôi cho rằng tình hình sẽ ổn dần và tiến tới chỗ Việt Nam có thể hoàn toàn khống chế được những thảm họa môi trường có thể xảy ra”.
Trong khi giám sát nhà nước không được người dân tin tưởng, một số cá nhân và tổ chức độc lập đã nỗ lực thực hiện các phân tích, nghiên cứu riêng trong những đợt hải sản bị chết hàng loạt ở miền Trung hồi năm ngoái. Trả lời chuyện tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng Việt Nam luôn khuyến khích các nghiên cứu độc lập trong dân chúng, đặc biệt trong vòng 3 năm gần đây, giới hữu trách ở trung ương đã có cải thiện và “tiếp cận rất tốt” với xã hội dân sự. Ông nói:
“Trước đây có thể cũng có những ý kiến này khác, nhưng cho đến thời điểm trong vòng 3 năm gần đây, tôi cho rằng Việt Nam đã có cách tiếp cận rất tốt với xã hội dân sự, mong muốn xã hội dân sự có những đóng góp thực sự tốt, có những đóng góp mang tính nghiên cứu, có căn cứ, kết luận đầy đủ về mặt lý luận. Tất cả những cái đó đều được xem xét và được tiếp thu. Tất nhiên cũng phải nói ở các địa phương, cũng có những địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa tốt”.
Ngoài thông báo về việc tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước, Bộ TN&MT hôm 21/2 cũng khẳng định đoạn video xả nước thải màu đỏ là “sai sự thật”. Bộ này nói trong quá trình kiểm tra đã không phát hiện ra cống xả thải nào của Formosa giống như trong đoạn video. Bộ TN&MT cho biết trong số 53 lỗi mà Formosa đã mắc phải, công ty này đã khắc phục 52 lỗi cơ bản, chỉ còn lại việc chuyển đổi từ công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô mà thôi.