Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng gợi ý về hầm ngầm chống ngập ở Hà Nội, giáo sư nói ‘không khả thi’


Cộng đồng mạng xã hội châm biếm về trận ngập lụt hôm 29/5 ở Hà Nội.
Cộng đồng mạng xã hội châm biếm về trận ngập lụt hôm 29/5 ở Hà Nội.

Sau khi Hà Nội bị ngập nặng hôm 29/5 và nhiều người dân tỏ ra bất mãn về tình trạng thoát nước kém cỏi ở thủ đô mỗi khi có mưa to, vị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng đã đến lúc Hà Nội tính đến các công trình ngầm để chống ngập.

Tuy nhiên, một giáo sư đúng chuyên ngành nói với VOA rằng đề xuất của bộ trưởng là “quá tốn kém, không khả thi”.

Báo chí và mạng xã hội trong những ngày vừa qua tràn ngập các hình ảnh về trận ngập lụt ở Hà Nội do một cơn mưa kéo dài trong 2 tiếng với lượng mưa lên đến 181 milimet.

Các trang mạng xã hội có đông thành viên như Beatvn, Chuyện của Hà Nội châm biếm về vụ này bằng cách gọi thủ đô của Việt Nam là “thành phố biển Hà Nội”, kèm theo là ảnh về các điểm ngập nặng với lời chú thích khôi hài rằng đó là “Vịnh Triều Khúc”, “Huyện đảo Cầu Giấy”, “Cảng nước sâu Mỹ Đình”, “Cầu vượt biển dài nhất thế giới Vành đai 2”, “Sông Thái Thịnh”, “Đầm Tràng Tiền” v.v…, thu hút hàng chục nghìn người bày tỏ phản ứng và đưa ra bình luận.

Một đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội nói với báo giới rằng lượng mưa hôm 29/5 lớn gấp đôi năng lực của hạ tầng thoát nước trong thành phố.

Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu với các phóng viên trong nước hôm 30/5 rằng khi xảy ra mưa lớn dồn dập tập trung vào một thời điểm thì không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được, kể cả ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu, nói gì đến Việt Nam.

Khi được hỏi cần có giải pháp gì cho tình trạng cứ mưa lớn là ngập ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, vốn gây ra nhiều bất bình trong người dân bấy lâu nay, Bộ trưởng Hà đáp lại rằng “Trong trường hợp thời tiết cực đoan, phải tính toán hệ thống để trữ nước” và ông nêu một ví dụ là “Nhật Bản có khu vực người ta bố trí những đường ngầm ở dưới, gọi là hầm chứa lớn ở dưới … là nơi chứa nước”.

Vẫn vị Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường của Việt Nam nói thêm: “Hoặc bố trí trường học, sân vận động, cánh đồng lúa trong trường hợp thấy rằng có thể ngập vào những nơi xung yếu thì điều chỉnh cái van trong hệ thống đó để người ta đưa những nơi đó thành nơi chứa nước”.

“Đó là giải pháp mà các nước làm, tất nhiên là đắt đỏ, nhưng quan trọng là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng và nó phải đồng bộ”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Nhận xét về điều mà Bộ trưởng Hà nhắm đến, giáo sư Đặng Hùng Võ, người từng là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam, nói với VOA:

“Tôi cho rằng đấy là giải pháp mang tính đọc sách tạo ra thôi chứ rất khó khả thi ở Việt Nam hiện nay”.

Giáo sư Võ đánh giá rằng sẽ có hai trở ngại chính đối với ý tưởng xây các công trình ngầm để chống ngập cho các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, đó là tiền và sự quan liêu. Ông phân tích chi tiết hơn:

“Chúng ta đi vào ngay một giải pháp cần rất nhiều tiền thì chắc chắn không phù hợp với Việt Nam vì chi ngân sách của Việt Nam và tiền vay của đất nước đã quá lớn. Nếu chúng ta vay để làm giống như Nhật, đấy là phương án tôi cho rằng quá tốn kém, hiệu quả kinh tế không cao. Chúng ta sử dụng ngay những giải pháp hiện đại thì chưa chắc phù hợp với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay”.

Lưu ý rằng việc quản lý các hầm chứa nước ngầm hiện đại đòi hỏi trình độ cao, trong khi ngay hiện tại, cách thức điều hành, quản lý của Việt Nam với các công trình bề mặt vẫn còn những yếu kém, giáo sư Võ cảnh báo rằng nếu Việt Nam xây hầm chứa nước, rất có thể không bao lâu sau các hầm đó sẽ bị tắc nghẽn, không chứa được nước nữa, hoặc bị ô nhiễm.

Với hiểu biết chuyên môn của mình, vị giáo sư cũng là cựu thứ trưởng tài nguyên-môi trường cho rằng giải pháp “thực tế hơn và rẻ hơn” cho Hà Nội là phải làm sống lại các con sông đô thị đã chết, cố gắng tạo ra hệ thống sông đô thị trong xanh kết nối với nhau, sao cho thoát nước ra sông Hồng. Ông Võ nói thêm:

“Chúng ta phải vận hành hệ thống sông đô thị trước đã rồi hãy nói đến các giải pháp như ở Nhật hay một nước nào tiên tiến”.

Vị giáo sư khẳng định rằng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội thực chất là hậu quả mà thành phố phải gánh chịu do nhà chức trách thực thi quy hoạch một cách vô nguyên tắc, đã để cho nhiều ao, hồ, sông tự nhiên bị “chết gần hết và ô nhiễm”. Ông Võ cũng cảnh báo rằng không ít thành phố khác ở Việt Nam đang đi vào vết xe đổ của Hà Nội và điều tương tự rất có thể sẽ xảy ra ở những nơi đó.

VOA Express

XS
SM
MD
LG