Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 30/8 hào hứng nói về mong muốn của các công ty Mỹ được làm ăn ở Trung Quốc và bà hy vọng sẽ tương tác nhiều hơn nữa với các quan chức Trung Quốc về việc tiếp cận thị trường, sau khi bà đã phát biểu trước đó rằng Trung Quốc đang trở thành nơi ‘không thể đầu tư được nữa’.
Trong một cuộc họp báo ở Thượng Hải, Raimondo cho hay bà không mong đợi có đột phá về các vấn đề ảnh hưởng đến các công ty Mỹ như Intel, Micron, Boeing, Visa và Mastercard trong các cuộc họp đầu tiên với các quan chức Trung Quốc, nhưng hy vọng sẽ ‘có một số kết quả’ trong vài tháng tới nhờ vào chuyến công du kéo dài 4 ngày của bà tới Bắc Kinh và Thượng Hải.
Raimondo nói rằng các doanh nghiệp Mỹ có mong muốn mạnh mẽ là làm cho mối quan hệ giữa hai nước vận động hiệu quả, và rằng mặc dù một số hành động của chính phủ Trung Quốc là tích cực, tình hình trên thực địa cần phải đi đôi với lời nói.
“Có việc chúng ta có thể làm và việc cần phải làm”, bà nói. “Các doanh nghiệp Mỹ muốn làm ăn ở đây nhưng họ cần một môi trường quản lý có thể đoán định”.
Bà Raimondo quả quyết rằng Mỹ không muốn cắt đứt với Trung Quốc.
Nhưng hôm 29/8, bà nói với các phóng viên trên chuyến tàu cao tốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải rằng các công ty Mỹ đã phàn nàn với bà rằng Trung Quốc đã trở nên ‘không thể đầu tư được nữa’ và dẫn ra các vấn đề như tiền phạt, các vụ đột kích và các hành động khác khiến việc kinh doanh của họ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên rủi ro.
“Cốt lõi của mối quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ là cùng có lợi”, ông Uông Văn Bân, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, dẫn lời của Thủ tướng Lý Cường nói trong cuộc gặp với bà Raimondo hôm hôm 29/8.
“Chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước, mà còn gây tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp và người dân hai nước”, ông Uông nói thêm.
Các công ty đã ở trong tâm điểm của cuộc tranh giành uy quyền giữa hai nước trong nhiều năm. Trung Quốc lâu nay chỉ trích những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Raimondo nói rằng đối thoại về kiểm soát xuất khẩu là để giảm hiểu lầm.
“Chúng tôi đã có thể nói rõ tại buổi họp đầu tiên rằng chúng tôi không nhằm vào Trung Quốc”, bà nói. “Chúng tôi đang nhắm vào các hành động và hành vi làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ”.
Bà Raimondo cho biết các công ty Mỹ đang đối mặt với những thách thức mới, trong đó có ‘tiền phạt cao ngất mà không có lời giải thích, những điều khoản sửa đổi trong luật chống gián điệp, vốn không rõ ràng và gây chấn động trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ; các cuộc đột kích vào các doanh nghiệp – cấp độ thách thức hoàn toàn mới và chúng tôi cần những vấn đề này phải được giải quyết’.
Bà Raimondo, trong phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Ninh vào sáng ngày 30/8, đã thể hiện giọng điệu tích cực, nói rằng bà muốn thảo luận về ‘những cách cụ thể mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau để hoàn thành các mục tiêu cho môi trường kinh doanh và đem lại một môi trường kinh doanh dễ đoán định hơn, môi trường pháp lý có thể dự đoán và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ’.
Diễn đàn