Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng ở Mỹ hôm thứ Năm 28/10 đề xuất sửa đổi dự luật về chính sách quốc phòng hàng năm để có điều khoản tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông ở Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh bị cáo buộc xâm hại nhân quyền. Chưa đầy 100 ngày nữa Thế vận hội Mùa đông sẽ diễn ra.
Việc sửa đổi dự luật do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney đứng đầu. Sẽ có điều khoản mới với ngôn từ tương tự như một phần nội dung một luật khác liên quan đến Trung Quốc mà Thượng viện đã thông qua hồi tháng 6, theo đó sẽ cấm ngoại trưởng Mỹ chi ngân quỹ liên bang để "hỗ trợ hoặc tạo điều kiện" cho các nhân viên chính phủ Mỹ tham dự Thế vận hội.
Nhưng với thực tế là Thế vận hội sẽ khai mạc vào tháng 2/2022, số phận của luật đó đang bị bỏ lửng. Với việc Quốc hội bận tâm đến chương trình đối nội của Tổng thống Joe Biden, dự luật đã được Thượng viện thông qua cho đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển gì ở Hạ viện.
Nếu việc sửa đổi được thông qua, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2022 sẽ có thêm điều khoản về tẩy chay ngoại giao. NDAA là một dự luật quốc phòng mà quốc hội Mỹ thông qua hàng năm kể từ năm 1961.
Điều khoản sửa đổi kêu gọi "chấm dứt hành động xâm hại nhân quyền đang diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ", nhưng vẫn cho phép Mỹ cấp tiền cho các vận động viên, cũng như cho Ủy ban Olympic và Paralympic của Mỹ, cùng với các nhân viên và nhà thầu của ủy ban này.
Một cuộc tẩy chay như vậy "sẽ làm tổn thương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải là để trừng phạt các vận động viên Mỹ của chúng tôi", ông Romney nói với Reuters trong một tuyên bố.
Bên cạnh ông Rommney, đồng bảo trợ cho điều khoản sửa đổi còn có các đảng viên Dân chủ Tim Kaine và Ed Markey, và đảng viên đảng Cộng hòa Todd Young. Cả bốn thượng nghị sĩ đều là ủy viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người của đảng Dân chủ, cũng đã kêu gọi tẩy chay ngoại giao.
Các nghị sĩ trong quốc hội Mỹ thời gian qua mạnh miệng yêu cầu tẩy chay sự kiện Olympic hoặc thay đổi địa điểm, và đả kích các tập đoàn.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng đã xảy ra hành động diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc.
Các nghị sĩ Mỹ cho rằng việc các tập đoàn im lặng về điều đó là tiếp tay cho chính phủ Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc cực lực phủ nhận cáo buộc của Mỹ.