Tổng giám đốc BP, ông Tony Hayward nói cá nhân ông rất đau buồn khi nghe tin 11 người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn và nổ giếng dầu Deepwater Horizon trong vùng Vịnh Mexico do công ty của ông thuê bao.
Ông Tony Hayward nói: “Tôi hiểu mức độ nghiêm trọng của tình hình. Đây là một thảm kịch. Tôi muốn nói thẳng với những người đang sống và làm việc trong vùng Vịnh Mexico. Tôi biết rằng sự cố này đã tác động sâu xa đến cuộc sống của quý vị và gây ra một sự đảo lộn lớn, và tôi hết sức hối tiếc về việc ấy. Tôi cũng hết sức hối tiếc về tác động mà vụ tràn dầu đã gây ra cho môi trường.
Khi ông Hayward bắt đầu ra điều trần, một phụ nữ biểu tình đã cắt đứt cuộc điều trần và đã bị khống chế và bị một số cảnh sát viên của Quốc hội đưa ra khỏi phòng họp. Bà này đã hướng về phía ông Hayward và gào to lên rằng, “Ông cần phải bị truy tố về tội hình, ông cần phải vào tù.”
Các nhà lập pháp đã không đi đến mức đó trong lời chỉ trích cay đắng, mặc dù một số vị có gợi ý rằng ông Hayward nên từ chức. Dân biểu Dân chủ John Dingell đại diện tiểu bang Michigan nêu ra rằng ông Hayward đã được tăng lương 41 phần trăm trong năm ngoái, trong khi mức lời của BP sụt giảm, và nêu thắc mắc rằng ông sẽ được tăng lương ra sao sau tai họa tràn dầu ở vùng Vịnh năm nay. Dân biểu Bruce Braley của đảng Dân chủ đại diện bang Iowa nhấn mạnh rằng từ “tràn” chưa mô tả đủ hiện tượng dầu đổ vào biển hiện nay.
Dân biểu Braley nói: “Và tôi dùng từ thảm họa một cách cụ thể, bởi vì tôi không nghĩa rằng chữ “tràn” mô tả đủ mức độ của hiện tượng đang diễn ra.”
Một số nhà lập pháp đả kích BP về điều mà họ gọi là thành tích về an toàn tệ hại trong nhiều năm qua. Dân biểu Bart Stupak của đảng Dân chủ nói rằng trong 5 năm vừa qua, đã có 26 người thiệt mạng và 700 người bị thương trong các tai nạn của BP, kể cả vụ tràn dầu trong vùng Vịnh kỳ này, một vụ tràn dầu từ đường ống ở Alaska và một vụ nổ nhà máy lọc dầu ở Texas. Dân biểu Mike Ross của đảng Dân chủ, đại diện bang Arkansas, tóm lược ý kiến của nhiều nhà lập pháp rằng tai họa hiện thời nằm trong một khuôn thức.
Ông Ross nói: “Tin tức vừa phổ biến cho thấy rằng trong những ngày và những tuần lễ trước khi xảy ra vụ nổ, BP đã cố tình thực hiện một số quyết định làm gia tăng nguy cơ xảy ra một vụ nổ và tràn dầu. Dườngnhư BP đã đặt lợi nhuận lên trước sự an toàn. Nhiều người đã chết, hàng triệu thùng dầu tiếp tục đổ vào vùng Vịnh.”
Tổng giám đốc Hayward nói ưu tiên hàng đầu của công ty ông là ngăn chặn dầu đổ vào Vịnh Mexico.
Ông Hayward cho biết: “Trước tiên chúng tôi đang làm mọi việc có thể được để bảo vệ giếng, và đồng thời ngăn chặn luồng dầu tràn. Chúng tôi hiện đang đào hai giếng khẩn cấp, chúng tôi tin rằng hai giếng này là giải pháp quyết định. Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn tất vào tháng 8.”
Nhưng ông Hayward từ chối không trả lời các câu hỏi về thiết kế của giếng và liệu BP có các dấu hiệu cảnh báo trước khi vụ nổ xảy ra rằng giếng có nhiều vấn đề hay không. Sự kiện này đã châm ngòi cho lời trao đổi gay gắt với dân biểu Henry Waxman của đảng Dân chủ đại diện bang California.
Tổng giám đốc Hayward chối là không tránh né hợp tác mà nói rằng ông chỉ không tham gia vào tiến trình thực thi quyết định. Ông nói là ông đã đọc các văn kiện và chờ các cuộc điều tra hoàn tất. Dân biểu Waxman nhất quyết đòi ông Hayward đưa ra một kết luận và cáo buộc ông Hayward là không thiếu trách nhiệm và có thái độ tránh né.
Trước đó trong ngày, dân biểu Joe Barton của đảng Cộng hòa đại diện bang Texas đã làm nhiều người chấn động khi ông xin lỗi tổng giám đốc Hayward về điều mà ông mô tả là áp lực chính trị của Tổng thống Obama hôm thứ tư đòi BP phải lập một quỹ 20 tỷ đôla để bồi thường cho những người bị thiệt hại vì tai họa dầu tràn.
Hầu hết các nhà lập pháp thuộc ủy ban Hạ viện đều cực lực phản đối ông Barton và ca ngợi Tổng thống Obama và ông Hayward đã làm điều đúng đắn khi lập ngân quỹ vừa kể. Dân biểu Edward Markey của đảng Dân chủ nói ông không đồng ý với ông Barton bằng những lời lẽ gay gắt nhất và phủ nhận rằng việc thành lập ngân quỹ đó là một vụ “thúc ép.”
Tòa Bạch Ốc mau chóng công bố một thông cáo để đáp lại và nói rằng thực là một điều hổ thẹn khi ông Joe Barton dường như quan tâm đến các đại công ty đã gây ra tai họa hơn là đến các ngư dân, những người chủ cơ sở kinh doanh nhỏ và các cộng đồng mà cuộc sống đã bị tan tành. Tòa Bạch Ốc kêu gọi các thành viên của cả hai đảng bác bỏ các nhận định của ông Barton.
Hôm thứ năm, Tổng giám đốc BP, ông Tony Hayward đã đối diện với những lời chỉ trích gay gắt từ phía các thành viên của một ủy ban quốc hội Mỹ nói rằng công ty của ông có thành tích là liều lĩnh, cắt giảm chi phí và đặt lợi nhuận lên trên vấn đề an toàn mà có phần chắc đã góp phần gây ra vụ nổ giếng dầu Deepwater Horizon trong vùng Vịnh Mexico. Ông Hayward nói ông rất lấy làm hối tiếc về tai họa này, nhưng rằng hãy còn quá sớmđể rút ra những kết luận về nguyên do đã gây ra vụ nổ ngày 20 tháng 4.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1