Biến đổi khí hậu, mậu dịch và khủng bố, ngày 19/6 nằm cao trên lịch trình thảo luận tại Bắc Kinh giữa giới chức ngoại giao các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, gọi chung là BRICS.
Năm nước này đang tìm cách đưa ra quan điểm chung về những vấn đề quan trọng vào lúc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi những hiệp ước đa phương như hiệp ước khí hậu Paris và thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói trong những năm tới Trung Quốc sẽ tìm cách “mở rộng phạm vi hợp tác hơn nữa trong những lãnh vực như mậu dịch, thương mại và đầu tư.”
Cộng lại, các nước BRICS chiếm khoảng 40% dân số thế giới và 20% kinh tế toàn cầu. Tất cả 5 nước này đều là thành viên của Khối 20 nước công nghiệp và thị trường mới nổi, dù viễn ảnh kinh tế của các nước này đã suy giảm giữa những khủng hoảng tại Brazil và Nam Phi và ảnh hưởng những chế tài Nga từ phương Tây.
Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane nói biến đổi khí hậu là mối lo ngại chính.
Bà nói: “Chúng ta chung bầu khí hậu và vì những thế hệ tương lai, chúng ta phải sử dụng tất cả những nỗ lực trong tầm tay của chúng ta để đảo ngược hậu quả của biến đổi khí hậu.”
Bà Nkoana-Mashabane cũng nhấn mạnh cần có nỗ lực chung để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Quan điểm này được ông Vijay Kumar Singh, một giới chức trong Bộ Ngoại giao Ấn chia sẻ.
Các giới chức sau đó có buổi họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại sảnh đường Nhân dân ở trung tâm Bắc Kinh. Ông Tập cho biết 6 giờ thảo luận giữa các nước đã mang lại nhiều đồng thuận cũng như một tài liệu chung quyết nhưng chưa được công bố.
“Hiện nay, tình hình quốc tế có nhiều phức tạp, cũng có những yếu tố bất ổn, và đã đến lúc BRICS lên tiếng, một điều rất đáng làm,” ông Tập nói.
Theo dự kiến, lãnh đạo 5 nước này sẽ gặp nhau tại thành phố Hạ Môn, đông nam Trung Quốc vào tháng 9.
Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov tán dương sự lãnh đạo của Trung Quốc đối với BRICS trong năm qua. Ông nói tổ chức thành hình cách đây hơn 10 năm hiện đang trỗi dậy.