Nhà tài phiệt truyền thông Rupert Murdoch đã rút kế hoạch đấu thầu để giành quyền kiểm soát hãng BskyB trong bối cảnh tranh cãi về vụ tai tiếng đọc lén tin nhắn điện thoại cũng như có cáo buộc đối với nhà báo làm việc cho công ty của ông này ở Anh.
Quốc hội Anh hôm nay chuẩn bị bỏ phiếu với thế đa số, thông qua một nghị quyết không có tính cưỡng hành, kêu gọi ông Murdoch ngưng cuộc chạy đua trị giá tới 12 tỷ đôla để giành thêm 61% cổ phần của công ty truyền hình vệ tinh.
Nhưng trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông Chase Carey, người phó của ông Murdoch, tức Chủ tịch tập đoàn News Corp, nói rằng ‘rõ ràng là rất khó khăn’ để công ty tìm cách thâu tóm công ty vừa kể trong ‘tình thế hiện thời’.
Việc rút lui trên là một cú đánh mạnh vào nỗ lực củng cố và mở rộng hoạt động truyền thông ở Anh của ông Murdoch.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các giới chức Anh và dân chúng tiếp tục đưa ra các cáo buộc đối với phóng viên tại tờ báo lá cải News of the World mới đóng cửa cuối tuần trước, cũng như đối với các nhà báo tại các ấn bản khác của ông Murdoch.
Các cáo buộc cho rằng các nhà báo của những ấn bản đó đã xâm nhập trái phép vào điện thoại của thường dân cũng như trả tiền cho cảnh sát để lấy thông tin về những tin tức họ thực hiện.
Nhà báo của tờ News of the World bị coi là đã nghe và đọc lén tin nhắn điện thoại của nữ sinh bị sát hại Milly Dowler và thân nhân của các binh sĩ Anh hy sinh trên chiến trường.
Phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Anh David Cameron nói ông sẽ xem xét liệu các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố 2001 ở Mỹ có bị nhắm mục tiêu trong vụ tai tiếng nghe lén điện thoại hay không.
Ông Cameron nói rằng một cuộc điều tra mới của cảnh sát sẽ có thể xác định xem liệu các phóng viên tại các tờ báo của ông Murdoch có tìm cách tiếp cận thông tin của nạn nhân vụ 11/9 hay không.
Một tờ báo không thuộc đế chế của ông Murdoch là The Daily Mirror cho rằng một số phóng viên đã tiếp cận một công tố viên độc lập ở Hoa Kỳ để lấy dữ liệu điện thoại của một số nạn nhân vụ 11/9.
Ông Cameron nói trước các nhà lập pháp rằng vụ tai tiếng nghe lén điện thoại và hối lộ cảnh sát là ‘cơn bão lửa’, nuốt chửng một phần truyền thông và cảnh sát, cũng như khả năng đối phó của hệ thống chính trị.
Nhưng ông Cameron nói rằng trọng tâm hiện giờ là các nạn nhân và ‘đảm bảo rằng những ai phạm tội sẽ bị truy tố’.
Cũng giống các chính trị gia khác, ông Cameron thường xuyên tìm sự ủng hộ của bản thân ông Murdoch và các ấn phẩm của ông này ở Anh, trong đó có tờ News of the World.
Nhưng vụ tai tiếng trên đã khiến ông tránh xa ông Murdoch, và nói với các nhà lập pháp rằng một cuộc điều tra trên diện rộng phải được tiến hành ‘một cách mạnh mẽ nhất có thể’.
Ông Cameron nói rằng cần phải điều tra quan hệ giữa truyền thông và cảnh sát, đồng thời đặt câu hỏi là tại sao các cảnh báo trước đó về hành động sai trái của báo chí ‘không được chú ý”.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1