Đường dẫn truy cập

Bức tranh Úc: Xã hội


Đặc điểm nổi bật đầu tiên của xã hội Úc là tính chất đa dạng.

Trước hết là đa dạng về phương diện nguồn gốc. Theo cuộc điều tra dân số năm 2011, một phần tư (24.6%) dân Úc sinh ở nước ngoài, và 43.1%, tức gần một nửa, có ít nhất bố hoặc mẹ sinh ở nước ngoài. Tỉ lệ công dân sinh ở nước ngoài ở Úc, như vậy, cao hơn hẳn ở các nước khác (ví dụ, ở Anh: 20.8%; New Zealand: 9.1%; Trung Quốc: 6.0%; Ấn Độ: 5.6%). (Ở Mỹ, theo cuộc điều tra dân số năm 2010, chỉ có 13%, tức khoảng 40 triệu người sinh ở nước ngoài.)

Trong số trên 300 quốc gia gốc khác nhau, 10 quốc gia gốc có người định cư cao nhất tại Úc là:

Quốc gia gốc Người Tuổi trung bình Tỉ lệ nam
/100 nữ
'000 Năm
Vương quốc Anh 1 101.1 54 101.7
New Zealand 483.4 40 102.8
Trung Quốc 319.0 35 79.8
Ấn Độ 295.4 31 125.2
Ý 185.4 68 104.7
Việt Nam 185.0 43 84.6
Philippines 171.2 39 60.6
Nam Phi 145.7 39 96.9
Mã Lai 116.2 39 83.5
Đức 108.0 62 90.6
Những nơi khác 2 183.8 44 95.6
Tổng số người sinh ở nước ngoài 5 294.2 45 96.1

Nhìn vào bảng trên, chúng ta thấy, nhiều nhất vẫn là những người sinh ở vương quốc Anh, bao gồm Anh, Bắc Ái Nhĩ Lan, Scotland (Tô Cách Lan) và Wales (21%). Thứ hai là người New Zealand (9.1%). Điều này cũng dễ hiểu. Từ năm 1973, hai chính phủ Úc và New Zealand đã thỏa thuận với nhau để công dân hai nước, nếu muốn, có thể sang xứ kia sống và làm việc một cách dễ dàng; hơn nữa, còn được hưởng tất cả các quyền lợi mà công dân nước ấy được hưởng (ví dụ: chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và giáo dục).

Đứng ngay sau hai nước nói tiếng Anh vốn có nguồn gốc chung với Úc ấy là hai nước Á châu: Trung Quốc (6.0%) và Ấn Độ (5.6%). Riêng người Việt thì đứng hàng thứ sáu với 185.000 người. So với cuộc điều tra dân số năm 2006, số người gốc Việt tại Úc tăng lên 26.000 người. Tốc độ tăng trưởng của người gốc Việt từ năm 2006 đến 2011, như vậy, nhanh hơn thời gian giữa hai cuộc điều tra dân số trước đó: từ năm 2001 đến 2006, chỉ tăng có 5.000 người. Số người mới tới Úc này chủ yếu nằm trong hai trường hợp: một là do bảo lãnh (con cái bảo lãnh cho bố mẹ hoặc vợ chồng bảo lãnh cho nhau) và hai là các du học sinh, sau khi tốt nghiệp, xin ở lại Úc.

Từ góc độ di dân, xu hướng nổi bật nhất là sự gia tăng của người Á châu. Trước năm 2007, đứng đầu danh sách người di dân đến Úc là từ Anh (khoảng một phần tư), sau đó là các nước thuộc Âu châu (nhiều nhất là Ý, Hy Lạp và Ba Lan). Nhưng từ đó về sau, tuy Anh vẫn là nước đứng đầu, các nước có số di dân sang Úc đông nhất lại thuộc châu Á. Đứng đầu là người Ấn Độ (từ 2001 đến 2011 tăng trên 200.000 người); sau đó là người Trung Quốc. Người Trung Quốc (không kể người Đài Loan) ở Úc, vào năm 2001, chỉ có 142.780; đến năm 2006, tăng vọt lên 206.591 và bây giờ là 319.000: trong vòng 10 năm, tăng 174.000 người. Số di dân gốc Bangladesh tăng 11.9%; gốc Pakistan tăng 10.2%.

Nhìn chung, từ năm 2001 đến nay, số người gốc Âu châu tại Úc giảm từ 51% xuống 40%. Cùng thời gian ấy, số người gốc Á châu lại tăng từ 24% lên đến 33%.

Ngoài sự đa dạng về nguồn gốc, Úc còn đa dạng về ngôn ngữ. Có tổng cộng trên 300 ngôn ngữ khác nhau hiện đang được sử dụng tại Úc, với những phạm vi và mức độ khác nhau. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh. Vào năm 2011, 81% trẻ em từ 5 tuổi trở lên chỉ nói tiếng Anh trong nhà. Tuy nhiên cũng có 2% hoàn toàn không nói tiếng Anh.
Mười ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong các gia đình Úc (không kể trẻ em dưới 5 tuổi) là:

Ngôn ngữ nói ở nhà Người Tỉ lệ so với dân số Tỉ lệ nói tiếng Anh giỏi Tỉ lệ sinh ở Úc
'000 % % %
Chỉ nói tiếng Anh 15 394.7 80.7 .. 83.8
Tiếng Quan Thoại 319.5 1.7 37.5 9.0
Tiếng Ý 295.0 1.5 62.1 43.2
Tiếng Ả Rập 264.4 1.4 61.9 38.5
Tiếng Quảng Đông 254.7 1.3 46.4 19.9
Tiếng Hy Lạp 243.3 1.3 65.0 54.1
Tiếng Việt 219.8 1.2 39.5 27.9
Tiếng Tây Ban Nha 111.4 0.6 62.1 21.9
Tiếng Hindi 104.9 0.5 80.2 9.8
Tiếng Tagalog 79.0 0.4 66.9 5.9

Ở trên, chúng ta thấy số người Việt sinh ở Việt Nam hiện đang sống tại Úc là 185.000; ở đây, chúng ta lại thấy có đến 219.800 người nói tiếng Việt ở nhà. Con số chênh lệch gần 35.000 người ấy chính là các trẻ em sinh trưởng tại Úc. Đây là một điều đáng mừng: Các thống kê về ngôn ngữ xã hội học tại Úc cho thấy phần lớn người Việt thuộc thế hệ thứ hai tại Úc vẫn còn nói tiếng Việt trong gia đình. Bởi vậy, người Việt được đánh giá rất cao trong việc bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, số người Việt tự nhận nói tiếng Anh giỏi tương đối ít, chỉ có 39.5%, cao hơn người Tàu nói tiếng Quan Thoại, nhưng thấp hơn hẳn các sắc dân khác.

Ngoài sắc tộc và ngôn ngữ, xã hội Úc còn khá đa dạng về tôn giáo. Trước, Thiên Chúa giáo (bao gồm nhiều nhánh khác nhau, từ Công giáo đến Anh giáo, Chính thống giáo và Tin Lành) chiếm địa vị thống trị tại Úc. Năm 1911, Thiên Chúa giáo chiếm 96% dân số. Một trăm năm sau, vào năm 2011, tỉ lệ này giảm xuống còn 61%. Thì vẫn còn ưu thế. Nhưng không còn độc tôn nữa. Thế vào đó là sự phát triển của các tôn giáo khác, từ Phật giáo đến Hồi giáo và Ấn Độ giáo, và những người tự nhận là không có đạo gì cả.

Dân số Tỉ lệ người sinh ở nước ngoài()
Tôn giáo '000 % %
Christian 13 150.6 61.1 22.9
Catholic 5 439.2 25.3 24.0
Anglican 3 680.0 17.1 17.5
Uniting Church 1 065.8 5.0 11.4
Presbyterian and Reformed 599.5 2.8 26.3
Eastern Orthodox 563.1 2.6 43.6
Baptist 352.5 1.6 28.8
Lutheran 251.9 1.2 24.5
Pentecostal 238.0 1.1 32.6
Other Christian 960.7 4.5 31.0
Non-Christian 1 546.3 7.2 67.0
Phật giáo 529.0 2.5 69.4
Hồi giáo 476.3 2.2 61.5
Ấn Độ giáo 275.5 1.3 84.3
Do Thái giáo 97.3 0.5 48.9
Các nhánh khác thuộc Thiên Chúa giáo 168.2 0.8 57.2
Không tôn giáo 4 796.8 22.3 22.5
Tổng cộng 21 507.7 100.0 26.1

Từ năm 2001 đến 2011, trong vòng 10 năm, số tín đồ không phải Thiên Chúa giáo tăng từ 0.9 triệu lên 1.7 triệu, tức từ 4.9 lên 7.2% dân số Úc. Trong các tôn giáo ngoài Thiên Chúa giáo ấy, nổi bật nhất là Phật giáo (2.5% dân số), Hồi giáo (2.2%) và Ấn Độ giáo (1.3%). Trong ba tôn giáo ấy, hiện nay Phật giáo vẫn lớn nhất, nhưng tốc độ phát triển của Phật giáo trong mười năm qua chỉ tăng 48%, thấp hơn hẳn Ấn Độ giáo (189%) và Hồi giáo (69%). Nhìn vào bảng ở trên, chúng ta có thể thấy ngay hầu hết các tín đồ của ba tôn giáo này đều sinh ở nước ngoài (69.4% đối với Phật giáo; 61.5% đối với Hồi giáo và 84.3% đối với Ấn Độ giáo). Nói cách khác, đó chủ yếu là tôn giáo của di dân.
Nói đến tôn giáo, chúng ta cần ghi nhận sự kiện này: Một số học giả Úc cho một trong những đóng góp lớn nhất của cộng đồng người Việt Nam vào xã hội Úc chính là trong lãnh vực tôn giáo. Giáo sư Desmond Cahill thuộc đại học RMIT nhận định: “Không ở đâu sự hiện diện của người Việt Nam lại đáng kể như trong việc làm thay đổi diện mạo tôn giáo tại Úc.”

Trước hết, đối với Công giáo, trong số 3000 linh mục tại Úc, có 120 là người gốc Việt. Đây là số liệu từ năm 2005. Từ đó đến nay hẳn số linh mục gốc Việt còn tăng hơn nữa. Giáo sư Cahill tiên đoán trong tương lai vị thế người gốc Việt trong hàng ngũ linh mục tại Úc sẽ càng nổi trội hơn nữa.

Đối với Phật giáo, vai trò của người Việt cũng rất quan trọng. Số liệu về tôn giáo của từng sắc tộc từ cuộc điều tra dân số năm 2011 chưa được công bố. Tôi chỉ có số liệu từ cuộc điều tra dân số năm 1991: Lúc ấy, cộng đồng người Việt có 46.674 người khai là theo đạo Phật, chiếm 32.72% tổng số Phật tử tại Úc. Trong cuộc điều tra dân số năm 2001, riêng tại tiểu bang Victoria, có 33.145 người Việt theo đạo Phật, chiếm 29.7% tổng số Phật tử trong tiểu bang.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG