Ngoại trưởng Hillary Clinton gặp các nhà lãnh đạo của chính phủ được quân đội ủng hộ, gồm có Quốc hội và Tổng thống Thein Sein.
Phát biểu sau cuộc họp tại thủ đô Naypidaw, bà Clinton nói Tổng thống Miến Điện hứa xây dựng đất nước dựa trên những nỗ lực cải cách mới đây mà bà gọi đây là những bước đầu đối với sự cởi mở được chờ đợi lâu này.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Tôi nói rõ là Tổng thống Thein Sein và những người ủng hộ viễn kiến mà ông đưa ra, cả bên trong lẫn bên ngoài chính phủ, sẽ được sự hỗ trợ của chúng ta khi họ tiếp tục đạt được tiến bộ, và Hoa Kỳ sẵn sàng đáp ứng hành động bằng hành động.”
Kể từ khi nhậm chức vào tháng Ba năm nay, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã nới lỏng kiểm soát truyền thông, thông qua những đạo luật cho phép thành lập công đoàn và quyền được biểu tình, trả tự do cho 200 tù nhân chính trị và đối thoại trực tiếp với lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên những tổ chức nhân quyền nói hàng trăm người vẫn còn trong tù vì chỉ trích chính phủ và tham gia những cuộc biểu tình dân chủ. Nhiều người lo ngại những động thái này có thể không tiến xa hơn nữa hay có thể là chiến thuật thương thảo của chính phủ được quân đội hỗ trợ để những trừng phạt kinh tế được gỡ bỏ.
Washington và Liên hiệp châu Âu áp đặt những biện pháp hạn chế mậu dịch đối với Miến Điện vì tình trạng vi phạm nhân quyền của nước này và đàn áp những phong trào đòi dân chủ.
Các giới chức Miến Điện cho rằng những biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế từng một thời sống động và muốn những biện pháp này được gỡ bỏ. Tuy nhiên Ngoại trưởng Clinton nói những hạn chế về mậu dịch cho đến nay vẫn giữ nguyên.
Bà Clinton nói: “Chúng tôi chưa đến giai đoạn có thể cứu xét việc gỡ bỏ những chế tài hiện hữu, vì mối quan tâm hiện nay của chúng tôi về những chính sách cần phải đảo ngược lại. Tuy nhiên bất cứ bước nào chính phủ Miến Điện thực hiện sẽ được cứu xét một cách cẩn thận và sẽ được đáp ứng, vì chúng tôi muốn thấy sự cải cách chính trị và kinh tế được thực hiện, và tôi nói với các nhà lãnh đạo Miến Điện là chúng tôi sẽ chắc chắn xem xét việc giảm nhẹ và bãi bỏ hoàn toàn những chế tài một khi cả đôi bên chúng ta cùng nhau theo đuổi tiến trình này.”
Ngoại trưởng Clinton nói bà mời Miến Điện làm quan sát viên của tổ chức vùng do Hoa Kỳ dẫn đạo có tên là Sáng kiến Vùng hạ lưu sông Mê kông. Bà nói Hoa Kỳ sẽ cũng hỗ trợ cho những nỗ lực cứu trợ đói nghèo và phát triển quốc tế.
Bà Clinton cũng hoan nghênh ý định được công bố của Miến Điện nhắm cắt đứt tất cả những liên hệ quân sự với Bắc Triều Tiên, quốc gia đã bán tên lửa cho Miến Điện.
Tại cố đô Rangoon, doanh nhân Ko Tin Aung Kyaw, 40 tuổi, nói người dân Miến Điện hoan nghênh một cách nồng hậu chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Clinton.
Ông Ko Tin Aung Kyaw nói ông muốn bà Clinton thúc đẩy Miến Điện trở thành một quốc gia dân chủ thực sự và tất cả những tù nhân chính trị được trả tự do.
Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một nhà ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ kể từ khi xảy ra vụ đảo chánh quân sự năm 1962. Quân đội đã khống chế Miến Điện kể từ đó, đàn áp một cách tàn bạo những cuộc nổi dậy đòi dân chủ mà mới đây nhất là vào năm 2007.
Chiều thứ Năm, bà Clinton gặp bà Aung San Suu Kyi tại Rangoon và sẽ họp với các nhà lãnh đạo Liên đoàn Toàn quốc tranh đấu cho Dân chủ vào thứ Sáu, cùng với đại diện của các nhóm sắc tộc thiểu số.