Đường dẫn truy cập

Bầu cử Miến Điện: Thiếu dân chủ nhưng có thể đem lại vài thay đổi


Quân đội Miến Điện nói rằng cuộc bầu cử đầu tiên trong 20 năm nằm trong khuôn khổ một kế hoạch trở lại thể chế dân chủ
Quân đội Miến Điện nói rằng cuộc bầu cử đầu tiên trong 20 năm nằm trong khuôn khổ một kế hoạch trở lại thể chế dân chủ

Giới chỉ trích bài bác các cuộc bầu cử lần đầu tiên của Miến Điện trong hai thập niên là một trò hề để cho chính phủ quân nhân tiếp tục nắm quyền. Nhưng một số chuyên gia phân tích thời cuộc cho rằng, mặc dù có những hạn chế, các cuộc bầu cử có thể giúp đem lại những tiếng nói chống đối trong chính phủ lần đầu tiên từ nhiều thập niên. Bởi vì các ký giả nước ngoài không được phép vào Miến Điện để tường thuật cuộc bầu cử, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi lại các nhận định vừa nêu từ thành phố Mae Sot của Thái Lan, nằm trên biên giới giáp với Miến Điện.

Sau gần 50 năm nắm quyền, quân đội Miến Điện nói rằng cuộc bầu cử đầu tiên trong 20 năm nằm trong khuôn khổ một kế hoạch trở lại thể chế dân chủ.

Nhưng quân đội có những chính đảng lớn nhất và đã giải tán Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, tức NLD, là đảng đối lập chính, vì đảng này từ chối không chịu khai trừ lãnh tụ là bà Aung San Suu Kyi.

NLD đã thắng trong cuộc bầu cử lần trước nhưng quân đội làm lơ trước kết quả và nhiều thành viên trong đảng đã phải chạy trốn qua Thái Lan.

Bà Aung San Suu Kyi thì bị quản thúc phần lớn thời gian trong 20 năm qua, và hàng ngàn người chỉ trích chính phủ đã bị bỏ tù.

Ông Win Hlaing, đồng bí thư của chính phủ lưu vong Miến Điện, nói rằng thậm chí các đảng phái không phải là quân đội có thắng cử, thì chỉ có một số ít tiếng nói dân chủ được lên tiếng.

Ông Win cho biết: "Tiếng nói của họ không thể đè nén hàng trăm ngàn tiếng nói của quân đội chế ngự các dân biểu bên trong quốc hội tương lai.”

Một nhóm tách khỏi NLD, là Lực lượng Dân chủ Dân tộc, cùng với 30 đảng nhỏ hơn đang dự tranh trong cuộc bầu cử.

Ông Bo Kyi đã bị tù nhiều năm vì tranh đấu cho dân chủ. Ông đã bỏ trốn qua Thái Lan cách đây 10 năm và thành lập Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị ở Miến Điện.

Đứng cạnh một mô hình của nhà tù khét tiếng Insein, ông Bo Kyi giơ cao những sợi xích nặng bằng kim khí để trình bầy cách thức ông đã bị những người bắt ông đối xử.

Ông Bo nói: “Tôi đã bị xiềng bằng sợi xích như thế này hàng tuần lễ. Rồi ngày nào cũng bị đánh đập.”

Ông Bo Kyi nói luật lệ bầu cử thiên vị các đảng nằm dưới quyền lãnh đạo của các cựu sĩ quan quân đội. Hiến pháp cũng dành 1/4 số ghế quốc hội cho quân đội.

Ông Bo nói tiếp: “Ta có thể thấy quân phụ đổi qua thường phục. Đó là tất cả những gì ta sẽ có. Vì thế, nếu không có thay đổi cho hệ thống chính trị thì ta không thể trông đợi có sự cải thiện các điều kiện trong nhà tù, sự cải thiện trong hệ thống y tế, hay sự cải thiện trong hệ thống giáo dục.”

Thị trấn Mae Sot ở biên giới này thu hút những người tỵ nạn và di dân từ Miến Điện làm việc trong các nông trại và các nhà máy.

Công nhân đang ngồi vắt vẻo trên tường bên ngoài một nhà máy để xem một trận bóng đá.

Anh Than Zew làm việc cho một nông trại nói rằng anh sẽ trở về Miến Điện để đi bầu nếu không phải đi làm.

Anh Than nói ở Miến Điện không tìm được việc làm, nhưng anh hy vọng sau bầu cử, Miến Điện sẽ có một thể chế dân chủ và công nhân di trú sẽ có thể trở về sinh sống và làm việc nơi quê nhà.

Tại khu chợ Mae Sot náo nhiệt, anh Thein Aung làm nghề khuân vác. Anh nói ngay cả như nếu anh có thời giờ để về bỏ phiếu, anh cũng không màng làm việc đó.

Anh Thein nói chính phủ sẽ ăn cắp hết những lá phiếu, cuộc bầu cử sẽ không tự do và công bằng, và lãnh tụ của họ là bà Aung San Suu Kyi vẫn còn bị quản thúc tại gia.

Quân đội đã đe doạ sẽ tiếp tục cai trị nếu số cử tri đi bầu thấp.

Ông Khin Ohmar, phối hợp viên của liên minh Đối tác Miến Điện quảng bá cho dân chủ, nói rằng mặc dầu nhiều di dân cảm thấy lá phiếu của họ sẽ không được đếm, những người khác lo sợ sẽ bị trừng phạt nêu họ không về Miến Điện để bỏ phiếu.

Ông Khin cho biết: “Vì thế, họ không có lựa chọn nào cả. Sau khi bị đặt dưới sự đe dọa, xách nhiễu và sợ hãi như thế này, thì họ không thấy là có quyền chọn lựa gì nữa. Vì thế, họ sẽ trở về để bỏ lá phiếu mà chế độ muốn có.”

Vì những quan ngại về tính công bằng của cuộc bầu cử, NLD và một số người tranh đấu cho dân chủ kêu gọi cộng đồng quốc tế chớ nên thừa nhận kết quả.

Ông Thitinan Pongsudhirak là giám đốc Viện An Ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại trường đại học Chulalongkorn của Thái Lan. Ông nói cho dù cuộc bầu cử có là một trò giả trá đi nữa, thì họ vẫn còn thể dành một chỗ đứng cho tiến bộ chính trị.

Ông Thitinan nói: “Không có nghĩa là sẽ có một chế độ dân chủ của những nhà lãnh đạo chính trị dân sự và hợp pháp. Nhưng chỗ đứng đó có thể là một khi có một cơ chế thì sẽ có được những nhóm đặc quyền mới có thể muốn có một tương lai khác đi và có thể điều giải một cách sắp xếp khác.”

Bất kể kết quả bầu cử ra sao, các nhà lãnh đạo quân đội cho hay họ phải giữ lại một vai trò đáng kể trong chính phủ để ngăn chặn những phần tử sắc tộc nổi dậy dọc theo biên giới làm phân tán đất nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG