Chủ biên nhật báo mạng Irrawaddy, ông Aung Zaw, mới đây đã về thăm Miến Điện sau 20 năm sống lưu vong.
Ông nói rằng cảnh tượng những đoàn người đông đảo đến dự các cuộc mít tinh vận động bầu cử của bà Aung San Suu Kyi đã làm cho ông cảm thấy rất phấn khởi:
"Dân chúng tuy rất nghèo nhưng họ đã rủ nhau đến nơi và lớn tiếng reo hò. Thật là xúc động khi trông thấy họ. Thấy họ tràn trề hy vọng. Và điều đó chứng tỏ là họ xem bà Suu Kyi như một mối hy vọng. Họ không cảm thấy sợ hãi vì có bà Suu Kyi. Vấn đề là họ không biết ngày mai sẽ ra sao."
Những người Miến Điện lưu vong ở Thái Lan lâu nay vẫn mạnh mẽ đả kích chính quyền ở nước họ và nhiều người tỏ ý hoài nghi đối với những hứa hẹn cải cách của chính quyền.
Những tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người lao động Miến Điện ở Thái Lan cho biết họ nghĩ rằng tên tuổi và lý lịch của những người sinh sống ở nước ngoài có thể có dính líu tới âm mưu gian lận bầu cử trong cuộc đầu phiếu vào Chủ nhật.
Cuộc bầu cử bổ túc cho 48 ghế trong quốc hội gồm 640 đại biểu sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cán cân quyền lực trong chính phủ. Nhưng người Miến Điện lưu vong cho biết họ vẫn lo ngại là gian lận bầu cử sẽ lan tràn như kỳ bầu cử năm 2010.
Ông Soe Aung, phát ngôn viên của tổ chức Diễn đàn Dân chủ Miến Điện ở Thái Lan, cho biết như sau:
"Rất khó mà nói rằng đây là cuộc bầu cử thật sự vì có rất nhiều những hành vi hăm dọa, mua phiếu và thậm chí người đã chết vẫn có tên trong danh sách cử tri. Những điều bất hợp lệ này là một sự lập lại của cuộc bầu cử năm 2010."
Sau cuộc bầu cử đó, Miến Điện đã trả tự do cho bà Suu Kyi, phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị và nới lỏng những biện pháp kiểm duyệt đối với giới truyền thông.
Những diễn tiến đó nhận được sự hoan nghênh của các nước Tây phương, kể cả Hoa Kỳ là nước đã phái ngoại trưởng Hillary Clinton đến thăm Miến Điện hồi cuối năm ngoái.
Tuy có những dấu hiệu tốt đẹp như vậy, ông Aung Zaw nói rằng nhiều người Miến Điện vẫn tiếp tục có thái độ dè dặt về tiến độ cải cách. Ông nói:
"Tôi đã nghe thấy rất nhiều tiếng nói hoài nghi và dân chúng vẫn còn vô cùng nghi ngờ về tiến trình cải cách trong nước. Rất nhiều người trong nước, những người nói tiếng Miến Điện, đọc chữ Miến Điện, giao thiệp bằng ngôn ngữ của chúng tôi, họ không hề đeo kính màu hồng."
Quân đội Miến Điện vẫn có ảnh hưởng lớn trong chính phủ và đảng đương quyền chiếm thế đa số áp đảo ở quốc hội. Các tổ chức nhân quyền cho biết vẫn còn khoảng 900 tù nhân chính trị vẫn còn bị giam.
Tuy nhiên một số nhà quan sát nói rằng những thay đổi hồi gần đây đã có tác động lớn và điều đó có thể thấy được qua những nhóm người đông đảo tại các cuộc mít tinh chính trị.
Ông Thiha Saw, một nhà báo nổi tiếng của Miến Điện, nói rằng cuộc bầu cử Chủ nhật này sẽ là một cuộc trắc nghiệm then chốt về hướng đi của đất nước:
"Quí vị nên theo dõi sát vì đây sẽ là một sự kiện giống như một dấu mốc hoặc một cuộc trắc nghiệm về sự trung thực của chế độ. Họ có để cho cuộc bầu cử được tự do và công bằng không? Phải tự do và công bằng thì các biện pháp chế tài mới có thể được thu hồi. Vì vậy việc này là quan trọng đối với Miến Điện cũng đối với cộng đồng quốc tế."
Những người khác ít hy vọng hơn về một cuộc bầu cử công bằng, nhưng họ nói rằng đây là một diễn tiến quan trọng. Bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của tổ chức nhân quyền có tên là Mạng lưới Asean Thay thế, cho biết như sau:
"Chúng tôi dự kiến cuộc bầu cử bổ túc này sẽ không công bằng và không tự do, in hệt như cuộc bầu cử nằm 2010, vì những luật lệ và qui định giống nhau đang được áp dụng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng dự kiến là một số nhân vật của liên minh Dân chủ Toàn quốc sẽ được để cho đắc cử vào quốc hội ngõ hầu chính phủ có thể thuyết phục cộng đồng quốc tế gỡ bỏ những biện pháp chế tài."
Các quan sát viên quốc tế đến từ Á châu, Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản, Canada, Australia và Hoa Kỳ cùng với mấy mươi nhà báo nước ngoài đã đến Miến Điện để theo dõi cuộc bầu cử.
Trong lúc cử tri Miến Điện chuẩn bị đi bầu vào ngày Chủ nhật 31 tháng 3, cộng đồng người Miến Điện lưu vong ở Thái Lan bày tỏ thái độ lạc quan dè dặt đối với vấn đề nước này có thật sự đang trên đường cải cách hay không.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1