Các giới chức Ủy hội Nhân quyền Quốc gia Miến Điện (MNHRC) hôm thứ Ba (27-3-2012) cho biết họ sẽ tiếp tục hoạt động và tìm cách giải quyết vấn đề liên quan tới sự thành lập của cơ quan này khi Quốc hội nhóm họp trở lại.
Họ cũng nói rằng họ sẽ tiếp tục bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, bất kể là có nhận được ngân quỹ hoạt động từ chính phủ hay không.
Ngày 16 tháng 3, Chủ tịch Quốc hội Miến Điện Khin Aung Myint tuyên bố quốc hội không thể chấp thuận yêu cầu ngân sách của Ủy hội Nhân quyền vì cơ quan này được thành lập mà không có sự phê chuẩn của quốc hội và các chính sách và mục tiêu của Ủy hội Nhân quyền không nằm trong dự luật về kế hoạch quốc gia.
Một ngày trước đó, nữ dân biểu Nan Wah Nu đã phát biểu tại quốc hội rằng sắc lệnh của Tổng thống Thein Sein về việc thành lập Ủy hội Nhân quyền là vi hiến vì lệnh này dành cho vị chủ tịch của ủy hội các quyền hạn và cấp bậc của bộ trưởng và dành quyền hạn và cấp bậc thứ trưởng cho các ủy viên.
Theo hiến pháp hiện hành của Miến Điện, việc thành lập các cơ quan ngang bộ phải có sự phê chuẩn của quốc hội.
Ông Benjamin Zawacki, một chuyên gia về Miến Điện của Hội Ân xá Quốc tế, cho biết Ủy hội Nhân quyền Miến Điện là một cơ quan hợp pháp và vụ tranh chấp về vấn đề ngân sách này chỉ có tính chất thủ tục.
Ông Zawacki phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ:
"Không! Ủy hội này dĩ nhiên không phải là bất hợp pháp. Tổng thống Thein Sein có quyền, như ông ấy đã làm hồi cuối năm ngoái, để thành lập Ủy hội Nhân quyền Quốc gia. Chỉ có điều là sự kiện đó không phù hợp với các thủ tục của quốc hội về việc cung cấp ngân sách cho cơ quan này. Vì vậy không một ai có thể tuyên bố rằng Ủy hội Nhân quyền Quốc gia là một thực thể bất hợp pháp ở Miến Điện. Vấn đề ở đây là việc thông qua quốc hội để cung cấp ngân sách cho một cơ quan không do quốc hội lập ra rõ ràng là không phù hợp với các qui định của hiến pháp."
Theo tường thuật hôm thứ Ba của hãng tin Mizzima của người Miến Điện lưu vong ở Ấn Độ, ngân sách mà chính phủ ở Naypyidaw yêu cầu quốc hội cung cấp cho Ủy hội Nhân quyền Quốc gia trong tài khóa 2012-2013 là gần 550 triệu kyat (khoảng 86 triệu đô la theo tỉ giá hối đoái chính thức, nhưng chỉ tương đương với 687,000 đô la theo giá chợ đen), cộng với khoảng 140 triệu kyat dùng cho việc mua sắm thiết bị, dụng cụ văn phòng và xe cộ.
Ông Zawacki của Hội Ân xá Quốc tế nói rằng những ngân khoản đó rốt cuộc sẽ được cung cấp.
"Dĩ nhiên là Ủy hội sẽ không thể tồn tại được lâu nếu không được cung cấp ngân sách. Đó là một điều hiển nhiên. Nhưng tôi nghĩ rằng hoặc là chính phủ sẽ dùng tới các ngân quỹ không định rõ mục tiêu sử dụng để tài trợ cho Ủy hội trong ngắn hạn, hoặc là Ủy hội sẽ xin ngân sách của quốc hội thông qua các kênh phù hợp hoặc là Ủy hội sẽ chấp nhận đòi hỏi ngầm của quốc hội là làm việc thông qua quốc hội thay vì thông qua ngành hành pháp. Nói tóm lại, tôi nghĩ rằng nguồn tài trợ sẽ được cung cấp bằng cách này hay cách khác. Tôi nghĩ rằng vì Ủy hội này rất có lợi về mặt chính trị cho cả hai ngành hành pháp lẫn lập pháp của chính phủ, cho nên họ sẽ không để cho cơ quan này bị gạt qua một bên vì thiếu ngân quỹ hoạt động."
Ủy hội Nhân quyền Quốc gia Miến Điện được thành lập ngày 5 tháng 9 năm 2011 trong bối cảnh của nhiều biện pháp cải cách dân chủ mà quốc gia Đông Nam Á này thực hiện sau khi thoát khỏi, trên danh nghĩa, sự cai trị độc tài của các chính quyền quân nhân trong gần nửa thế kỷ. Tổng thống Thein Sein đã chỉ định cựu Đại sứ Win Mra giữ chức chủ tịch của cơ quan này.
Ông Zawacki cho rằng vụ tranh cãi về ngân sách của Ủy hội Nhân quyền nêu bật một vấn đề quan trọng hơn. Đó là mức độ độc lập của cơ quan này đối với Tổng thống Thein Sein.
"Việc chỉ định một ủy hội như vậy không phải là bất hợp pháp, nhưng điều đó nêu lên những câu hỏi có tính chất cơ bản về mức độ độc lập của Ủy hội. Đó cũng chính là những câu hỏi mà Hội Ân xá Quốc tế đã nêu lên trong 6 tháng nay. Tất cả mọi người trong ủy hội này đều do tổng thống chọn lựa, và một số người trong ủy hội đã từng công khai bênh vực cho thành tích nhân quyền rất đỗi tệ hại của Miến Điện. Tôi nghĩ rằng tính chất khả tín của mọi người tùy thuộc vào sự độc lập của mình. Và vì vậy, nếu Ủy hội Nhân quyền thông qua quốc hội để có được ngân quỹ hoạt động thì cơ quan này sẽ có tính chất độc lập nhiều hơn so với tình trạng hiện nay là lệ thuộc vào tổng thống."
Một trong các hoạt động của Uûy hội Nhân quyền Quốc gia Miến Điện là tiếp nhận khiếu nại và điều tra những tố cáo vi phạm nhân quyền. Hồi đầu tháng 3, Chủ tịch ủy hội này là ông Win Mra cho tờ Global Post biết rằng cơ quan ông sẽ “tiếp tục không chịu sự cưỡng bức của chính phủ”, mặc dù ông từng là một giới chức cấp cao trong chính quyền. Ông Mra cho biết nhân quyền vẫn còn là một khái niệm xa lạ đối với đại đa số những người lớn lên dưới chế độ độc tài mà Miến Điện vừa thoát ra, và một phần công việc của ông là nâng cao nhận thức của công chúng và tìm cách đưa giáo dục về nhân quyền vào chương trình giảng dạy ở học đường. Ông cũng cho biết Ủy hội của ông nhận được từ 20 đến 30 đơn khiếu nại mỗi tháng, phần lớn là về nạn tịch thu đất đai bừa bãi.
Ông Zawacki của Hội Ân xá Quốc tế và nhiều nhà quan sát cho rằng Ủy hội Nhân quyền Miến Điện vẫn chưa có đủ ý chí chính trị để thực sự chu toàn trách vụ của mình và điều tra những vụ vi phạm nhân quyền của quân đội, đặc biệt là tại những khu vực của người sắc tộc thiểu số đang xảy ra những vụ giao tranh giữa quân đội chính phủ với những phần tử nổi dậy. Ông Zawacki phát biểu như sau:
"Nhiệm quyền của họ cho phép họ được quyền điều tra những vụ khiếu nại, và trên thực tế họ đã điều tra một số trường hợp. Tuy nhiên, chính Ủy hội đã tự gạt mình qua một bên và không xem xét hay điều tra những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở những khu vực của người sắc tộc thiểu số. Đây là những nơi mà nhân quyền bị chà đạp tàn bạo nhất ở Miến Điện hiện nay. Nhiệm quyền của họ không bị hạn chế như những Ủy hội nhân quyền của một số nước khác trên thế giới, nhưng dường như ý chí chính trị của họ lại bị hạn chế nên họ không điều tra những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất."
Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Patrick Winn của tờ Global Post, ông Win Mra nói rằng “việc điều tra ở những khu vực có xung đột là không phù hợp vào thời điểm này.” Ông nói thêm rằng Ủy hội của ông đã khuyến khích chính phủ và những thành phần nổi dậy của người sắc tộc thiểu số thương thuyết với nhau để vãn hồi hòa bình.
Trong bản phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới năm 2012 công bố hồi hạ tuần tháng giêng vừa qua, tổ chức Human Rights Watch nói rằng quân đội Miến Điện tiếp tục vi phạm luật lệ nhân đạo quốc tế qua những hành động giết người bừa bãi, tra tấn, bạo hành tính dục, đánh đập, cưỡng bức lao động, sử dụng mìn chống người và phá hoại, cướp bóc tài sản, đặc biệt là ở các tiểu bang Kachin, Shan và Karen.