Sau nhiều tháng xem xét kỹ các hình ảnh và tài liệu được cung cấp bởi một người từng làm kỹ sư trong ngành quốc phòng Miến Điện, và so sánh các hình ảnh tài liệu đó với các hình ảnh qua vệ tinh và các thông tin khác, ông Robert Kelley nói theo ý ông, rõ ràng là Miến Điện có một chương trình hạt nhân bí mật.
Tuy nhiên, chương trình đó hữu hiệu ra sao lại là một vấn đề khác.
Ông Kelley nói: “Đây không phải là một cuộc họp báo để nói rằng sẽ có một quả bom vào ngày mai, mà hoàn toàn ngược lại. Buổi tường trình này nói rằng đây là một chương trình được thực hiện kém cỏi, nhưng là một chương trình có trong ý định.”
Các chi tiết mới về tham vọng hạt nhân của Miến Điện nổi lên hồi đầu tháng này, khi ông Kelley công bố một bản phúc trình được thực hiện bởi một nhóm bất đồng chính kiến Miến Điện là Tiếng nói Dân chủ Miến Điện.
Bản phúc trình này dựa vào bằng chứng được cung cấp bới Thiếu tá quân đội Miến Điện Sai Thein Win, người đã trốn khỏi Miến Điện hồi tháng 2. Ông Sai Thein Win là một cựu kỹ sư quốc phòng và chuyên gia về phi đạn được tiếp cận với các nhà máy có liên hệ với chương trình trình hạt nhân mà Miến Điện bị tố cáo.
Ông Kelley là giám đốc hồi hưu của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, tức IAEA, đã thực hiện các cuộc thanh sát vũ khí ở Libya và Iraq. Ông nói rằng tuy Miến Điện có thể chỉ mới ở trong các giai đoạn đầu, điều quan trọng là phải bắt gặp họ ngay lúc này và dùng mọi công cụ có thể có để ngăn chặn họ.
Ông Kelley nói: “Tôi thực sự chán nản khi thấy chúng ta cứ chứng kiến mọi người chế tạo bom. Chúng ta chứng kiến Bắc Triều Tiên qua toàn bộ tiến trình và chế tạo một quả bom, rồi chúng ta làm gì để đối phó. Và rồi họ cho nổ một quả bom, thì lúc đó đã quá muộn.”
Cơ quan nguyên tử của Liên hiệp quốc, IAEA, có hai thỏa thuận với Miến điện liên quan đến các khả năng và ý đồ hạt nhân của họ. Ông Kelley nêu ra rằng tuy các thỏa thuận này cho phép IAEA thực hiện một cuộc thanh sát phòng vệ hạt nhân ở Miến Điện, với sự chấp thuận của nước này, nhưng điều đó chưa hề xảy ra.
Tuy nhiên, ông cũng nêu ra rằng mỗi năm IAEA cung cấp cho Miến Điện tới 700.000 đôla viện trợ kỹ thuật. Ông Kelley nói trong lúc Miến Điện tiếp tục từ chối các cuộc thanh tra, IAEA không có nghĩa vụ phải cung cấp cho Miến Điện sự tài trợ cho việc đào tạo các khoa học gia về công nghệ hạt nhân.
Ông Kelley nói tiếp: “Vì thế IAEA có một vài lợi thế và tôi nghĩ họ phải vận dụng lợi thế đó. Ít nhất là gửi đi một thông điệp.”
Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á, ASEAN mà Miến Điện là một thành viên, là một tổ chức quốc tế khác có thể đề cập đến các lời cáo buộc được nêu lên về chương trình hạt nhân bí mật của Miến Điện. Ông nói rằng trong tư cách các nước láng giềng của Miến Điện, ASEAN có thể đạt được hiệu quả.
Ông Kelley nói thêm: “Phải có áp lực từ phía ASEAN. ASEAN có một khu vực phi vũ khí hạt nhân ở đông nam châu Á. Miến Điện có đăng ký vào khu vực này. Và ASEAN có nhiều quyền lực về thi hành và điều tra hơn là IAEA.”
Các tin đồn đoán về các ý đồ và chương trình vũ khí hạt nhân của Miến Điện đã liên tục kể từ khi nước này thoạt tiên loan báo ý muốn mua một lò phản ứng hạt nhân của Nga vào năm 2001, một thương vụ chưa được chung quyết.
Chính phủ Miến Điện đã phủ nhận những lời cáo buộc trong bản phúc trình và đã gửi một bức thư cho IAEA gọi những lời khẳng định đó là vô căn cứ.
Một cựu thanh sát viên vũ khí của Liên hiệp quốc nói rằng trong khi chi tiết của một bản phúc trình vừa được công bố về các tham vọng hạt nhân của Miến Điện cho thấy nước này còn lâu mới trở thành một mối đe dọa hạt nhân, cộng đồng quốc tế phải có hành động ngay lúc này để giữ cho mối đe dọa đừng bao giờ trở nên hiện thực. Thông tín viên VOA William Ide dự một cuộc họp báo về bản phúc trình vừa kể tại Washington và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.