Miến Điện là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, và bị chính phủ quân nhân khống chế nền kinh tế.
Tuy nhiên hiện chính phủ đang tiến đến cải cách kinh tế, gồm việc bán đến 90% tài sản quốc gia.
Trong khi người ta không được biết mấy về các chi tiết, những tin tức từ Rangoon cho biết có hơn 400 tài sản do nhà nước sở hữu, gồm có phi cảng, cao ốc, cây xăng và đất đai gần hải cảng chính đã được bán đi.
Ông Douglas Clayton, giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Leopard Capital có trụ sở tại Kampuchia nói việc tư hữu hóa là một bước để tiến tới hiệu năng hơn:
“Đặt nền kinh tế vào những tài sản tư nhân có nghĩa là hướng đến một nền kinh tế được quản lý tốt hơn. Đó là một bước tiến tới hiện đại hóa Miến Điện và dù việc này được thực hiện như thế nào, hậu quả sẽ không tệ hơn hiện nay và có thể là tốt đẹp hơn. Sẽ có nhiều lợi ích của một nền kinh tế được tự do hóa do đó sẽ có nhiều khuyến khích cho cải cách thêm lên.”
Tuy nhiên một vài chuyên gia về Miến Điện nói tư hữu hóa là một phần của những nỗ lực của quân đội hầu giữ vững quyền lực. Những chuyên gia này nói hầu hết những tài sản rơi vào tay những doanh nhân có liên hệ với quân đội, trong một nỗ lực tạo sự ủng hộ trước khi cuộc bầu cử được tổ chức vào năm ngoái.
Những chính đảng thân với quân đội chiếm khoảng 80% ghế trong cuộc bầu cử lần đầu tiên trong vòng 20 năm vào tháng 11 vừa qua. Hiến pháp cũng dành thêm 25% ghế trong Quốc hội cho quân đội. Quốc hội sẽ khai mạc vào tuần tới.
Bà Alison Vicary là một kinh tế gia thuộc trường đại học Macquarie của Australia, phát biểu:
“Toàn bộ việc bán tài sản trước cuộc bầu cử nhằm củng cố thêm sự ủng hộ của một vài doanh nhân lớn. Chẳng hạn như phi cảng được trao cho những doanh nhân đứng về phía chế độ trong nhiều năm qua. Do đó rõ ràng là chế độ có một số ý nghĩ là những người này cần phải được kéo về phía mình. Còn việc quản lý trong tương lai như thế nào lại là một vấn đề khác.”
Một số chuyên gia về Miến Điện ghi nhận là những người mua tài sản quốc gia gồm có những công ty do quân đội điều hành như là công ty Union of Myanmar Economic Holdings kiểm soát quỹ hưu bổng của quân đội, và Myanmar Economic Corporation, giám sát các quỹ tạo dựng được từ việc bán các xí nghiệp của nhà nước.
Bà Debbie Stothardt, nữ phát ngôn viên của tổ chức nhân quyền Alternative ASEAN Network, nhận định:
”Làn sóng tư hữu hóa được thi hành là một động thái để biến các tài sản công cộng thành tài sản cá nhân của chế độ quân nhân và những đồng minh thân thiết của họ gồm các nhà lãnh đạo của đảng Liên Hiệp Đoàn kết và Phát triển, một đảng lớn nhất ủng hộ chế độ.”
Ông Bertil Lintner là một tác giả đồng thời là một bình luận gia về Miến Điện đồng ý là việc bán các tài sản công cũng vẫn để cho quân đội kiểm soát hầu hết nền kinh tế nhưng ông nói việc này có thể mở đường cho đầu tư tư nhân. Ông nói:
“Nhiều người sẽ nói hãy nhìn xem những cơ hội mới này ở đây. Những công ty và các tổ chức do tư nhân sở hữu trong một kinh tế được tái cấu trúc và những việc như thế; nhưng đó cũng do nền kinh tế quá tồi tệ nên họ cần phải làm một điều gì đó.”
Ông Peter Gallo làm việc cho công ty tư vấn Pacific Risk tại Hong Kong chuyên về chống rửa tiền.
Ông cảnh báo là những nhà đầu tư nước ngoài cần phải tiến hành một cách thận trọng tại Miến Điện dù là có việc tư nhân hóa. Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và những chính phủ khác đã áp đặt những chế tài kinh tế đối với chính phủ Miến Điện để thúc đẩy cải tổ chính trị. Ông Gallo nói:
“Một vấn đề thực tế lớn là việc cai trị bằng luật pháp và tình hình nhân quyền. Quí vị có thể có bất cứ loại chính phủ nào mà quí vị muốn, cho dù đó là chính phủ được coi như bầu lên một cách dân chủ hay không, nhưng nếu có những vi phạm nhân quyền rõ rệt trong quốc gia đó và ai cũng biết thì quốc tế vẫn tiếp tục lên án.”
Nhiều công ty lớn của Miến Điện như Union of Economic Holdings đang ở trong danh sách đen của Hoa Kỳ.
Bà Debbie Stothardt, một nhà hoạt động cho nhân quyền nói những cải tổ ít cải thiện cuộc sống của hầu hết người dân Miến Điện. Bà giải thích:
”Hầu hết người dân tại Miến Điện thiếu nước sạch, thiếu điện, thiếu chăm sóc y tế và giáo dục căn bản. Do đó toàn thể việc tư hữu hóa những tài sản của quốc gia chủ yếu là để chuyển những tài sản công cộng sang thành tài sản tư của các nhà lãnh đạo quân đội và những người thân cận và sẽ vẫn không giúp thăng tiến tình trạng của người dân bình thường Miến Điện.”
Các giới chức Miến Điện và một số các nhà phân tích chính trị trong vùng nói những chế tài của phương Tây phải chịu trách nhiệm về sự nghèo khó của nước này. Tổ chức ASEAN mà Miến Điện là một thành viên muốn những chế tài này được gỡ bỏ.
Các nhà lãnh đạo ASEAN nói cuộc bầu cử và việc trả tự do cho lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi cho thấy Miến Điện có tiến bộ trong cải tổ chính trị. ASEAN nói như vậy cần phải hủy bỏ các biện pháp chế tài.
Tuy nhiên những tổ chức nhân quyền nói những thay đổi còn quá ít để nói là có cải tổ thực sự, nhất là khi quân đội Miến Điện còn giam giữ hơn 2.000 tù nhân chính trị và vẫn nắm chặt nền kinh tế trong tay.
Quân đội Miến Điện đang đẩy mạnh việc tư hữu hóa các tài sản quốc gia trong chương trình cải tổ kinh tế. Thông Tín Viên Ron Corben từ Bangkok cho biết có nhiều chỉ trích cho rằng chương trình này chỉ đơn giản là chuyển những tài sản cho những đồng minh của chính phủ quân sự và giữ quyền kiểm soát kinh tế.