Tổ chức theo dõi nhân quyền có tên là Hiệp Hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị nói rằng cộng đồng quốc tế phải tiếp tục làm áp lực chính phủ Miến Điện để bảo đảm là tất cả tù nhân chính trị được phóng thích trước khi các biện pháp chế tài kinh tế và thương mại được bãi bỏ hoàn toàn.
Thư ký của Hiệp hội có trụ sở ở Thái Lan này, ông Bo Gyi, bản thân cũng là một cựu tù nhân chính trị, đã nói chuyện với các ký giả nước ngoài ở Bangkok. Ông nói:
“Trước hết, chúng ta cần chế độ Miến Điện phải thả hết tù nhân chính trị. Thứ nhì là giúp đạt được hòa bình trên toàn quốc, và thứ ba là cho phép công dân được thành lập các tổ chức nhân quyền để quảng bá và bảo vệ quyền con người. Đó chính là cơ chế mà chúng ta cần đến lúc này, có được như thế thì mới xét đến chuyện bãi bỏ các chế tài.”
Tổng thống Thein Sein của Miến Điện đã kêu gọi mau chóng bãi bỏ các biện pháp chế tài sau khi chính phủ của ông phóng thích hàng trăm tù nhân, cho phép lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi trở lại chính trường, và mở các cuộc đàm phán ngưng bắn với các nhóm sắc tộc có vũ trang.
Vụ phóng thích các tù nhân chính trị mới đây nhất, trong đó có các lãnh tụ chính trong vụ nổi dậy năm 1988 chống lại quân đội Miến Điện, diễn ra vào ngày 13 tháng 1 vừa qua.
Miến Điện không chịu nhận là đang giam giữ “tù nhân chính trị.” Các tổ chức nhân quyền e rằng nếu không có sự thừa nhận đầy đủ, một số tù nhân chính trị có thể bị coi là thường phạm và lãnh các án tù dài hạn.
Nhà nghiên cứu về Miến Điện của Hội Ân Xá Quốc tế, ông Benjamin Zawacki, nói rằng bất kể các hành động hướng tới cải cách chính trị, tình hình vẫn còn “rất nghiêm trọng” và chính phủ đang dùng tù nhân chính trị như các lá bài để mặc cả trong khi tìm cách giảm bớt các biện pháp chế tài. Ông nói:
“Khi ta xét tới chuyện nhiều người trong số này trước tiên lẽ ra không nên bị bắt giữ, thì thực sự là điều đáng ngại khi các cá nhân lại được dùng như những một lá bài để mặc cả.”
Nhưng các tổ chức cứu trợ cũng đang trông đởi một sự nới lỏng các biện pháp chế tài. Đại diện ở Miến Điện của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, ông Ashok Nigam, nói rằng bãi bỏ chế tài là yếu tố sống còn để hỗ trợ cho các chương trình phát triển cấp thiết:
“Điều rất quan trọng là các biện pháp này phải sớm được bãi bỏ bởi vì chúng tôi, nhất là UNDP, đang hoạt động dưới một quyền hạn chế, ngăn không cho chúng tôi điều hành một chương trình UNDP thường xuyên trong nước. Một chương trình như thế tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng khả năng và thực sự đòi chính phủ phải nhận lãnh trách nhiệm trong các lãnh vực này. Do đó, bãi bỏ các biện pháp chế tài sẽ có lợi vô cùng cho chúng tôi.”
Một quyết định bãi bỏ các hạn chế đối với UNDP tùy thuộc vào một ban chấp hành cấp quốc gia với 36 thành viên bao gồm Hoa Kỳ, Canada và 12 nước Tây Âu như Đức và Anh.
Trong mấy tuần vừa qua, các nhà lãnh đạo cấp cao trong Quốc Hội Hoa Kỳ đã dành sự ủng hộ có điều kiện cho việc bãi bỏ các biện pháp chế tài thương mại, tài chính và kinh tế.
Tuần này, có tin các vị ngoại trưởng trong Liên Hiệp châu Âu, đã có hành động nới lỏng một số hạn chế trong việc đi lại của các giới chức cấp cao Miến Điện, đang cứu xét một kế hoạch viện trợ gần 200 triệu đôla.
Các vị bộ trưởng này đề nghị phóng thích vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị “trong vòng vài tháng” cùng với các cuộc bầu cử phụ tự do và công bằng vào tháng 4 là lúc bà Aung San Suu Kyi sẵn sàng ra dự tranh một ghế tại Quốc hội.
Tổ chức nhân quyền: Chớ nên ngừng chế tài Miến Điện cho đến khi nào tất cả tù chính trị được tự do
Những người chủ chốt ủng hộ tù nhân chính trị ở Miến Điện đang kêu gọi cộng đồng quốc tế giữ nguyên các biện pháp chế tài kinh tế và thương mại cho đến khi nào chính phủ Miến Điện phóng thích tất cả tù nhân chính trị, kể cả những người bị giam giữ tại những khu vực của người sắc tộc. Nhưng các cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Miến Điện nói rằng nới lỏng các biện pháp trừng phạt là điều thiết yếu để cho phép nhận các ngân khoản hỗ trợ cho các chương trình giảm nghèo trong nước.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1