Việc Liên hiệp châu Âu ngưng chế tài Miến Điện dù tạm thời, là những biện pháp đầu tiên đảo ngược đường lối trừng phạt được các chính phủ Tây phương thi hành vì những lạm quyền của quân đội Miến Điện.
EU đã công bố ngưng trong thời hạn một năm những hạn chế về visa và việc phong tỏa những tài sản của các nhà lãnh đạo dân sự và bộ trưởng ngoại giao Miến Điện. Việc cấm các nhà lãnh đạo cao cấp EU viếng thăm Miến Điện cũng đã được gỡ bỏ.
Việc nới lỏng những chế tài được thi hành tiếp theo việc thay thế trong tháng qua chính phủ quân nhân bằng một chính phủ dân sự lần đầu tiên trong nhiều thập niên, dù rằng các cựu sĩ quan vẫn chiếm một số đông trong chính phủ này.
Ông David Lipman là đại sứ EU tại Miến Điện, Kampuchia, Lào và Thái Lan. Ông nói việc ngưng các chế tài là cần thiết để mở đường cho khả năng thảo luận cấp bộ trưởng với chính phủ mới và những nhân vật đối lập quan trọng tại Miến Điện, quốc gia còn có tên gọi là Myanmar.
Ông Lipman nói những nhà lãnh đạo quân đội hiện nay và trước kia gồm cả Tổng thống Thein Sein, vẫn bị cấm không được cấp visa và tài sản vẫn bị phong tỏa.
Cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái bị quốc tế lên án là giả tạo nhằm mục đích che đậy việc quân đội vẫn tiếp tục cầm quyền, và cuộc bầu cử đó cũng đầy rẫy những cáo buộc về gian lận và hăm dọa cử tri và các ứng cử viên.
Ngay cả trước khi đếm phiếu bầu, hiến pháp do quân đội soạn thảo bảo đảm cho giới quân nhân có 1/4 số ghế trong Quốc hội. Và nhà lãnh đạo của Liên Minh Toàn Quốc đấu tranh cho Dân chủ, NLD, một tổ chức đối lập chính của bà Aung San Suu Kyi bị cấm không được ra tranh cử.
NLD đã tẩy chay cuộc bầu cử. NLD thắng cuộc bầu cử vào năm 1990 nhưng quân đội từ chối chuyển giao quyền lực và quản thúc tại gia bà Aung San Suu Kyi trong gần 2 thập niên qua. Bà chỉ được trả tự do vài ngày trước cuộc bầu cử.
Sau khi chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức, Tướng lãnh cao cấp nhất của quân đội Miến Điện ông Than Shwe được biết từ bỏ chức vụ và quyền hành. Tuy nhiên những nhà phân tách nói quân đội vẫn còn kiểm soát đất nước này.
Ông Carl Thayer, giáo sư về chính trị Đông Nam Á tại trường đại học New South Wales, Australia nói ông Than Shwe vẫn là người giật dây sau bức màn sân khấu.
Giáo sư Thayer nói: “Tôi thấy ông đóng vai trò như người tiền nhiệm của ông là tướng Ne Win. Điều này có nghĩa là trong nhiều năm tới, vai trò của ông sẽ là "người tạo ra vua” ở hậu trường. Rõ ràng là dù ông lột bỏ chức vụ tướng lãnh cao cấp, ông vẫn tiếp tục gặp các viên chức cao cấp quân đội và dân sự và ảnh hưởng đến việc cất nhắc nhân sự vào các chức vụ cho tới những lúc gần đây nhất. Do đó, vào lúc này ông vẫn còn nắm quyền nhưng tuổi tác của ông là một yếu tố chống lại ông.”
Miến Điện vẫn còn hơn 2.000 tù chính trị và những tổ chức nhân quyền nói những lạm quyền của quân đội bao gồm lao động khổ sai, tra tấn, hãm hiếp và giết người tùy tiện không qua hệ thống pháp lý.
Vào tháng Hai năm nay, Liên Minh Toàn Quốc đấu tranh cho Dân chủ kêu gọi đối thoại về vấn đề chế tài nhưng nói vẫn muốn những chế tài này tồn tại cho đến khi nhân quyền được cải thiện.
Hoa Kỳ bổ nhiệm một đặc sứ về Miến Điện hồi tuần qua để tăng cường đối thoại với tân chính phủ nhưng Hoa Kỳ nói vẫn còn sớm để hủy bỏ những chế tài.
Những người ủng hộ chế tài nói những biện pháp trừng phạt về kinh tế và chính trị là phương cách duy nhất để áp lực quân đội Miến Điện phải chấp nhận dân chủ.
Ông Maung Zarni là một nhà nghiên cứu về Miến Điện tại trường đại học Kinh tế London. Ông nói một vài quốc gia chú trọng đến những lợi ích chiến lược và thương mại trong khi làm ngơ trước nguyên nhân tại sao quốc gia này bị chế tài.
Ông Zarni nói: “Chế tài được áp đặt vì những lý do rõ rệt, có liên quan đến cách xử của chế độ trong lãnh vực nhân quyền. Và cách xử sự này không thấy có gì thay đổi cả.”
Các chính phủ Tây phương lần đầu tiên áp đặt chế tài đối với Miến Điện sau cuộc đàn áp đẫm máu những người biểu tình dân chủ vào năm 1988.
Hoa Kỳ và Australia phong tỏa việc bán vũ khí cũng như cấm việc cấp visa cho những nhà lãnh đạo Miến Điện và Hoa Kỳ phong tỏa một số tài sản của những người này.
Những chế tài được áp đặt thêm nữa tiếp sau việc bắt giữ hàng loạt những nhà hoạt động và việc chính phủ quân nhân từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử năm 1990.
Vào năm 2003, Hoa Kỳ cấm tất cả các việc buôn bán với Miến Điện.
Sau cuộc đàn áp của quân đội chống lại những người biểu tình dân chủ vào năm 2007, nhiều chế tài nghiêm nhặt hơn đã được áp dụng.
Canada và EU chấm dứt tất cả các vụ buôn bán trừ những hàng hóa có tính cách nhân đạo.
Dù nước này có thành tích xấu về vi phạm nhân quyền, các nước láng giềng của Miến Điện tại Đông Nam Á từ lâu nay vẫn muốn đối thoại và cho rằng chế tài kinh tế làm thiệt hại cho người dân bình thường hơn là quân đội Miến Điện.
Một số tổ chức nghiên cứu như là tổ chức nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế ICG từ nhiều năm nay phản ánh quan điểm này.
Ông Jim Della-Giacoma, giám đốc dự án của ICG tại đông nam Á nói những chế tài quá rộng rãi và hạn chế hoạt động của viện trợ quốc tế và những tổ chức phát triển tại Miến Điện.
Ông nói những hạn chế này ngăn chặn giao thương, tài chánh và những đầu tư bị di dời đi chỗ khác, điều này có tác động lớn đối với Miến Điện.
Tuy nhiên ông Della-Giacoma nói chế tài nhằm vào một số nhà lãnh đạo rõ rệt của Miến Điện cần phải để cho những chính phủ quyết định riêng rẽ.
Cuối năm nay, EU sẽ duyệt xét lại tiến bộ dân chủ và nhân quyền tại Miến Điện và sẽ quyết định có tiếp tục ngưng một số chế tài hạn chế hay không.
Giáo sư Thayer nói những chế tài nên được tiếp tục sử dụng như là một sáng kiến cho thay đổi tại Miến Điện nhưng cũng nên nhắm vào các nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện và cần thường xuyên duyệt xét lại để đảm bảo là nó chỉ có tác động tối thiểu đối với người dân bình thường.
Giáo sư Thayer nói: “Do đó thay vì đóng cửa, chế tài nên vẫn giữ nguyên, nhưng phải luôn luôn có thể gỡ bỏ hay nhắm vào mục tiêu khác để đáp ứng với những diễn biến của nội tình nước này.”
Giáo sư Thayer và một số các nhà phân tách khác nói sự thay đổi chính phủ sẽ cho phép những người trẻ và những nhân vật mới tranh giành quyền lực và rồi ra có thể mang đến những cải cách dân chủ.
Ông nói những phần tử trong quân đội đang thách thức trật tự cũ và mục tiêu của ngoại giao là phải lắng nghe những khác biệt này và cố gắng hỗ trợ cho những người đang thúc đẩy thay đổi.
Liên hiệp châu Âu loan báo ngưng một số chế tài đối với Miến Điện, quốc gia giờ đây đã có một chính phủ dân sự thay thế chính phủ quân sự. Hành động này tiếp theo lời kêu gọi các chính phủ Tây phương bãi bỏ tất cả các trừng phạt về kinh tế, chính trị và có tin cho rằng lãnh tụ quân nhân Than Shwe đã về hưu. Tuy nhiên đối lập chính Miến Điện do nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi đứng đầu nói chế tài nên được giữ nguyên cho đến khi nhân quyền được cải thiện. Các nhà phân tách nói một sự phối hợp chế tài nhắm vào một số đối tượng và ngoại giao là phương cách tốt nhất để đối thoại với Miến Điện.