Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên vẫn bất đồng về ôtô và thịt bò


Các nhà lãnh đạo dự hội nghị G 20 tại thủ đô Seoul, Nam Triều Tiên
Các nhà lãnh đạo dự hội nghị G 20 tại thủ đô Seoul, Nam Triều Tiên

Một tờ báo của Mỹ và một tờ báo của Nam Triều Tiên phân tích một số lý do tại sao Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên không ký được hiệp định Tự do Thương mại song phương trong thời gian Tổng Thống Hoa Kỳ đến Seoul dự hội nghị G20.

CƠN SỐT G20 TẠI NAM TRIỀU TIÊN

Nam Triều Tiên đã chuẩn bị từ hơn một năm nay cho hội nghị cấp cao G20 vừa qua, vì đây là lần đầu tiên một nước không thuộc nhóm G8 lại được giao nhiệm vụ tổ chức. Người Nam Triều Tiên xem tổ chức hội nghị này là một niềm tự hào của dân tộc, và là dịp chứng tỏ cho thế giới thấy Nam Triều Tiên bây giờ đã là một nước lớn về kinh tế.

Có thể nói không khí trước ngày diễn ra hội nghị G20 ở Seoul cũng rất là ồn ào, sôi động, giống như Việt Nam tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Nhiều tuần lễ trước khi có hội nghị G20, nhiều nhóm người đã đứng tại các con đường lớn của Seoul, trương các biểu ngữ yêu cầu dân chúng thành phố hãy chào đón, tươi cười với khách đến dự hội nghị.

Lên tiếng trên đài phát thanh, Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng hội nghị G20 là sự kiện lớn lao nhất của Nam Triều Tiên kể từ khi tổ chức Olympic 1988. Ông nói: “Đây là thành quả đã đạt được bằng mồ hôi và máu, do đó chúng ta có quyền tự hào.”

Bên lề các buổi họp chính thức với sự góp mặt của lãnh đạo các nước lớn trên thế giới, chính phủ Nam Triều Tiên cũng hy vọng hoàn tất với Hoa Kỳ hiệp định thương mại tự do đã được đàm phán từ lâu. Và nếu ký được hiệp định trong thời gian Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama có mặt ở Seoul thì uy tín của cả Tổng thống Obama lẫn chính phủ Nam Triều Tiên do Tổng thống Lee Myung-bak lãnh đạo lại càng tăng hơn nữa.
Thế nhưng điều này đã không thành hiện thực.

BÁO MỸ: LÝ DO LÀ ÔTÔ

Trên tờ Washington Post của Mỹ, hai nhà báo Scott Wilson và Howard Schneider cho rằng việc Hoa Kỳ không thể hoàn tất được hiệp định tự do thương mại với Nam Triều Tiên cho thấy những mặt hạn chế của Tổng thống Obama sau khi đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.

Tại Ấn Độ và Indonesia, Tổng thống Obama loan báo gỡ bỏ rào cản thương mại với hai nước này và ký được một số hợp đồng xuất khẩu, nhưng tại Nam Triều Tiên ông không ký được hiệp định có thể mang lại ảnh hưởng lớn cho kinh tế Hoa Kỳ.

Các giới chức trong chính phủ Mỹ nói nếu ký được hiệp định với Nam Triều Tiên, một công việc đã được khởi sự dười thời cựu Tổng thống Bush, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ có thể tăng 10 tỉ đôla một năm và yểm trợ được khoảng 70.000 công ăn việc làm tại Hoa Kỳ.

Mặc dù chỉ có một ít điều khoản trong hiệp định vẫn còn bất đồng giữa hai bên, và mặc dù Phòng Thương mại Hoa Kỳ vận động rất mạnh cho hiệp định nầy; nhưng các công đoàn Mỹ, đặc biệt là công đoàn chế tạo ôtô làm việc rất nhiều với các nhà làm luật đồng minh với họ tại Quốc hội để đòi phải có điều khoản yêu cầu Nam Triều Tiên phải mở cửa thị trường của họ rộng hơn.

Và theo như thông lệ của Mỹ, bất cứ thỏa thuận nào của hành pháp với các nước ngoài cũng phải có sự đồng ý của Quốc hội, Tổng thống Obama rơi vào vị trí rất khó rút lại đòi hỏi buộc Nam Triều Tiên phải mở cửa thị trường thêm, vì đảng của ông tại Quốc hội không còn mạnh như lúc trước.

Kết quả là vào lúc hai Tổng thống ngồi lại với nhau vào hôm thứ Năm vừa qua, hai ông không có gì khác hơn là loan báo rằng hai nước sẽ tiếp tục làm việc cho hiệp định tự do thương mại.

Mặc dù không ai công khai cho rằng ông Obama không ký được hiệp định vì đảng của ông thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng cả Tổng thống Nam Triều Tiên lẫn các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị G20 dường như cũng chẳng ai hăng hái muốn giúp ông hoặc muốn làm ông vui lòng , giống như họ đã từng làm cách đây một năm.

Thất bại vẫn xảy ra mặc dù tại Mỹ, nhiều người nói rằng Hoa Kỳ có nhiều ảnh hưởng với Nam Triều Tiên hơn bất kỳ nước nào khác. Họ nói rằng gần 40.000 người Mỹ đã chết trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và người Mỹ đang có mấy vạn quân đóng tại Nam Triều Tiên để bảo vệ nước này chống lại miền Bắc.

Về phía Nam Triều Tiên, các khó khăn nội bộ đã buộc Tổng thống Lee phải bảo vệ ngành chế tạo ôtô, một ngành mạnh của Nam Triều Tiên, để chống lại sự cạnh tranh của bên ngoài; mặc dù trong cuộc họp báo chung, ông cũng công khai cảm ơn sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, chẳng những cho đất nước ông, mà còn cho cá nhân ông.

Tại Hoa Kỳ, các nhà làm luật lớn tiếng chống đối hiệp định tự do thương mại với Nam Triều Tiên là các Dân biểu ở những tiểu bang có nhiều nhà máy sản xuất ôtô. Họ đã viết thư cho Tổng thống Obama nhắc ông phải yêu cầu Nam Triều Tiên có những bước cụ thể để nhập khẩu thêm ôtô của Mỹ vào thị trường Nam Triều Tiên, hiện nay đang bị áp đảo bởi hai hãng Hyundai và Kia.

Dân biểu Sander M. Levin của đảng Dân chủ và Dân biểu Dave Camp của đảng Cộng hòa, cả hai đều đại diện cho tiểu bang Michigan, hang ổ của xe hơi, đưa ra thông cáo chung nói rằng chính phủ của Tổng thống Obama cần phải gửi một thông điệp rõ ràng cho Nam Triều Tiên rằng Hoa Kỳ trông đợi Nam Triều Tiên mở cửa thị trường ôtô.

Tổng thống Obama hy vọng chuyến đi Nam Triều Tiên có thể giải quyết được hiệp định tự do thương mại, bất chấp trong đảng ông có một số người chống đối, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trong khi đó, các nước EU mới đây đã ký hiệp định tự do thương mại với Nam Triều Tiên , giúp ôtô và nhiều mặt hàng khác của châu Âu có thể bán cho Nam Triều Tiên với mức thuế thấp.

Và các nước ASEAN đang đàm phán một thỏa thuận khu vực để các luật lệ và quy định của ASEAN có thể bao gồm các nước mạnh về kinh tế, như Nhật Bản.

Australia cũng phát triển thương mại với Indonesia và các nước châu Á khác.

Trước xu hướng hội nhập kinh tế nhanh chóng của châu Á, sự kiện Hoa Kỳ không ký được hiệp định tự do thương mại với Nam Triều Tiên là dấu hiệu khiến cho các công ty Mỹ lo ngại rồi đây Hoa Kỳ có thể bị tụt hậu trong vấn đề làm ăn buôn bán tại châu Á.

BÁO NAM TRIỀU TIÊN: LÝ DO LÀ THỊT BÒ

Tại Nam Triều Tiên một bài xã luận trên trang mạng của tờ Chosun có vẻ trách cứ Hoa Kỳ về chuyện không ký được hiệp định.

Bài xã luận đưa ra lý do đổ vỡ vì Hoa Kỳ vẫn nhất quyết muốn Nam Triều Tiên phải mở cửa thị trường nhiều hơn, đặc biệt là phải mua thịt bò của Mỹ nhiều hơn.

Tác giả bài xã luận cho rằng thật ra hai bên cũng không nên vội vã ký kết chỉ với mục đích đáp ứng một thời hạn nào đó, điều cần nhất là phải có thời gian để thảo luận bình tĩnh nhằm đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ rằng phía Nam Triều Tiên đã đáp ứng hầu hết các đòi hỏi của Hoa Kỳ về mặt bảo vệ môi trường và đặt ra những quy định về an toàn cho việc sản xuất ôtô.

Chỉ riêng chuyện đáp ứng này, chính phủ Nam Triều Tiên đã bị dư luận phê phán vì đã nhượng bộ trước áp lực của Hoa Kỳ và sự phê phán đó cũng cho thấy chính phủ Nam Triều Tiên có rất nhiều thiện chí muốn kết thúc hiệp định tự do thương mại với Mỹ.

Nhưng dường như các giới chức Nam Triều Tiên đã nói rõ với phía Hoa Kỳ nhiều lần là vấn đề thịt bò không thể mang ra bàn.

Phía Hoa Kỳ hiểu rất rõ chính phủ Nam Triều Tiên đã gặp nhiều cuộc biểu tình lớn vào năm 2008 khi quyết định nhập khẩu lại một số loại thịt bò của Mỹ. Nếu Hoa Kỳ cứ nhất quyết buộc Nam Triều Tiên phải mua thêm thịt bò thì chẳng khác nào buộc chính phủ Nam Triều Tiên phải đổ thêm dầu vào lửa.

Vậy mà vào phút chót đoàn đàm phán của Hoa Kỳ vẫn mang vấn đề thịt bò ra, lấy lý do hiệp định cần phải được sự ủng hộ của các nhà làm luật Hoa Kỳ đại diện cho các tiểu bang sản xuất thịt bò.

Bài xã luận nói rằng đồng ý là phía Hoa Kỳ có lý do chính đáng để làm như vậy, nhưng điều này chứng tỏ Hoa Kỳ không thông cảm với những người đang đàm phán với mình. Tính từ đầu năm tới giờ, thịt bò Mỹ nhập vào Nam Triều Tiên đã tăng hơn 50% so với năm ngoái, vậy mà Hoa Kỳ vẫn đòi Nam Triều Tiên mua thêm thịt bò, đặc biệt là bò trên 30 tháng tuổi. Một đòi hỏi như thế, theo bài xã luận, là một hành động xuất phát từ lòng tham.

Bái báo kết luận, thay vì làm như vậy, Hoa Kỳ nên theo dõi thị trường Nam Triều Tiên và nương theo đó mà bán, thay vì lấy lý do đó mà phá hỏng một hiệp định quan trọng, có lợi cho cả hai quốc gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG