Huy động mọi người dân làm báo để chống lại nền báo chí có định hướng của nhà cầm quyền và nhờ đó sẽ giúp phân tán quyền lực truyền thông của nhà nước, một nhà báo tự do lưu vong ở Mỹ nói về kinh nghiệm đấu tranh cho tự do báo chí ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hải, người được biết đến nhiều hơn với biệt danh ‘Điếu Cày’, trao đổi với VOA về quá trình ông dấn thân cho báo chí tự do ở Việt Nam hôm 3/5, nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Ông là người thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do tại Việt Nam và từng bị kết án nhiều năm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ trước khi được Hà Nội trả tự do và cho sang Mỹ dưới áp lực của Hoa Kỳ.
Động cơ khiến ông Hải, vốn là một cựu chiến binh, nhảy vào làm báo là khi ông chứng kiến ‘hàng ngàn bà con các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn khiếu kiện’, ông cho biết.
“Họ biểu tình kéo dài cả tháng ở văn phòng 2 Quốc hội ở đường Hoàng Văn Thụ mà 800 tờ báo và hàng trăm đài phát thanh truyền hình không có một tin nào cả,” ông nói.
Nhà báo từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới nói rằng việc báo chí Việt Nam làm theo lệnh của chính quyền đã ‘cản trở tự do thông tin’ và ‘bóp nghẹt việc cất lên tiếng nói của hàng triệu con người’.
Với mong muốn có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để hoạt động báo chí tự do, ông Hải và một số người đồng chí hướng đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.
“Chúng tôi thường chọn những đề tài mà báo chí nhà nước tránh không đăng hoặc đưa tin không trung thực như vụ sập cầu Cần Thơ, vụ hàng trăm ngàn công nhân khu công nghiệp Linh Trung đình công,” ông kể và cho biết chính quyền đã ‘gửi hàng trăm giấy mời ông lên làm việc’ vì những hoạt động báo chí của ông.
Ông Hải cho rằng chính câu lạc bộ của ông đã ‘phát động phong trào dân làm báo’ và ‘khởi sự việc dùng blog để làm báo’.
“Bất cứ ở đâu khi có sự kiện xảy ra không thể có ngay nhà báo đến phỏng vấn đưa tin, nhưng ở đâu cũng có người dân. Bằng chiếc điện thoại của mình họ có thể ghi âm, quay phim, chụp ảnh sự kiện rồi gửi đến cộng đồng,” ông Hải nói nhưng cũng thừa nhận rằng không thể đòi hỏi chuẩn mực báo chí ở những người dân làm báo vì chỉ đưa những thông tin mà họ chứng kiến.
Khi được hỏi về ý nghĩa của việc thúc đẩy tự do báo chí ở Việt Nam, ông nói là ‘để phân mảnh quyền lực truyền thông tập trung trong tay chính quyền’.
“Hệ thống truyền thông cộng sản đầu độc người dân rất nhiều với việc định hướng thông tin. Họ chỉ cho người dân biết những gì họ muốn người dân biết và giấu tất cả những gì họ không muốn cho người dân biết,” ông giải thích.
“Tự do báo chí đem lại sự minh bạch cho truyền thông cho các sự kiện người dân không được chứng kiến, đem lại góc nhìn khác để người dân có cái nhìn đa chiều từ đó có quyết định chính xác hơn.”
Rộng hơn, tự do báo chí ‘giúp khai dân trí, thay đổi xã hội’, ông Hải nói thêm.
“Phong trào tự do báo chí càng mạnh bao nhiêu thì số lượng những người tham gia đấu tranh dân chủ, đòi những quyền con người ngày càng nhiều hơn.”
Ông Hải phản bác việc báo chí định hướng trong nước là để ‘tạo đồng thuận xã hội’ theo như tuyên truyền của chính quyền.
“Thực chất định hướng thông tin là để bảo vệ cho chế độ độc tài toàn trị,” ông nói.
“Vào năm 2007 khi chúng tôi phát động phong trào báo chí công dân, chỉ có 5,6 triệu người sử dụng các trang blog bằng tiếng Việt. Lúc đó, chúng tôi lý giải rằng chỉ cần 1% trong số đó sử dụng trang blog của mình như một tờ báo nhỏ thì chúng ta sẽ có 60.000 tờ báo nhỏ để chống lại 800 tờ báo của chính quyền rồi,” ông kể và nói rằng thời đại ngày nay người dân có nhiều công cụ trong tay để làm báo như blog, mạng xã hội.
Blogger này tin tưởng với việc dân số Việt Nam sử dụng Internet ngày càng nhiều và báo chí tự do ngày càng phát triển thì ‘báo chí nhà nước sẽ phải chịu thua trong cuộc chiến truyền thông trên mạng’.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận rằng chính quyền Việt Nam ‘sẽ không bao giờ từ bỏ đặc quyền truyền thông’ và ‘sẽ áp đặt những rào cản, luật lệ để khống chế truyền thông tự do’.