Đường dẫn truy cập

Có thể thở phào nhẹ nhõm trước tin vui về vaccine?


Pfizer sẽ tung hàng chục triệu lọ vaccine Covid-19 ra thị trường sau khi được FDA chẩn thuận
Pfizer sẽ tung hàng chục triệu lọ vaccine Covid-19 ra thị trường sau khi được FDA chẩn thuận

Việc vaccine chống Covid-19 của hãng dược Pfizer và BioNtech được công bố có hiệu quả là một ‘tin vui’ và là bước tiến quan trọng hướng đến khống chế được đại dịch mặc dù vẫn còn lo ngại về tính hiệu quả của vaccine với các nhóm dân số khác nhau hay về tác dụng miễn dịch lâu dài.

Hôm 9/11, công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ ra thông cáo báo chí loan báo vaccine ngừa virus corona của họ, vốn đang được thử nghiệm giai đoạn ba ở quy mô lớn, có hiệu quả đến 90%. Thông tin này lập tức dẫn đến sự khởi sắc trên các thị trường chứng khoán.

Bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, từ cuối năm 2019 và đã kéo dài gần một năm, đại dịch Covid-19 đến nay đã lan ra cả thế giới khiến hơn 50 triệu người nhiễm và 1,2 triệu người chết trên toàn cầu. Trong đó, Mỹ là nước có số người nhiễm lẫn số tử vong nhiều nhất.

‘Đáng tin cậy’

Vaccine thử nghiệm chống Covid-19 có hiệu quả ‘là tin vui bất ngờ,’ bác sĩ Đỗ Văn Hội, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại bang Florida, Hoa Kỳ, nói với VOA và dẫn giải thêm rằng “Trong các thử nghiệm người ta chỉ cần hiệu quả đến 60-70% là đủ rồi, trong khi vaccine của Pfizer hiệu quả đến 90%.”

Ông cho rằng đây là kết quả đáng tin cậy vì ‘giới khoa học Mỹ rất cẩn trọng trong việc công bố kết quả’ và bày tỏ hy vọng đến cuối tháng này vaccine của Pfizer sẽ được phê chuẩn để sử dụng trước hết cho những người có nguy cơ cao như người lớn tuổi và các bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Về rủi ro của việc đưa vaccine ra sử dụng đại trà trên hàng chục triệu người, bác sĩ Hội nói ‘có thể có nhưng sẽ nhẹ thôi’ bởi vì ‘nếu có vấn đề gì nghiêm trọng trong giai đoạn thử nghiệm thì họ đã cho ngưng ngay’.

Về tác dụng miễn dịch lâu dài, ông cho biết lần đầu chích xong một thời gian có thể sẽ hết tác dụng nên sẽ phải chích thêm mũi thứ hai mà ông gọi là ‘chích bồi’. “Không thể chích một cái là ngăn chặn hết được,” ông nói.

Mặc dù virus corona có thể biến chủng khiến cho vaccine mất đi công hiệu, bác sĩ Hội nhận định rằng hiện giờ ‘làm được như vậy là quá tốt rồi bởi vì con virus này quá mới’.

Ông kêu gọi mọi người kiên nhẫn trong giai đoạn đầu có vaccine do ‘chưa thể có nhiều vì cần phải cẩn trọng’.

“Nhất là những người trẻ, những người không có nguy cơ cao thì chờ đợi để dành riêng vaccine cho những người có nguy cơ cao,” ông nói. (9:25)

Cách thử vaccine

Vaccine này bao gồm các hướng dẫn phân tử - dưới dạng RNA truyền tin (mRNA) –nghĩa là dùng vật liệu di truyền thúc đẩy cơ thể con người tạo ra một loại protein của virus, để rồi sau đó hệ miễn dịch có thể nhận dạng ra virus và học cách tấn công virus.

Vaccine hai liều này đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong các nghiên cứu trên động vật và các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu. Nhưng cách duy nhất để biết liệu vaccine có hiệu quả hay không là tiêm cho rất nhiều người, sau đó theo dõi họ trong nhiều tuần hoặc vài tháng để xem họ có bị nhiễm bệnh hay không và có triệu chứng bệnh hay không. Những kết quả này sau đó được so sánh với kết quả của một nhóm người được cho dùng giả dược.

Trong thông cáo báo chí, Pfizer và BioNtech nói rằng họ đã xác định được 94 ca nhiễm COVID-19 trong số 43.538 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Họ không cho biết có bao nhiêu trường hợp trong số đó thuộc nhóm dùng giả dược hay thuộc nhóm được tiêm vaccine. Nhưng họ nói rằng vaccine có hiệu quả phòng bệnh hơn 90%, được xác định ít nhất một tuần sau khi những người tình nguyện được chích liều thứ hai. Thử nghiệm sẽ tiếp tục cho đến khi có tổng cộng 164 ca mắc COVID-19. Do đó, đánh giá ban đầu về hiệu quả của vaccine có thể thay đổi.

Eric Topol, bác sĩ tim mạch và giám đốc của Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, nhận định trên trang Nature: “Mặc dù vaccine có thể không hiệu quả khi hoàn tất thử nghiệm và tất cả dữ liệu đã được phân tích, nhưng hiệu quả của nó có khả năng nằm ở trên mức 50%. Đây là ngưỡng mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, tức FDA, yêu cầu để phê chuẩn một loại vaccine ngừa virus corona để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Những câu hỏi chưa có giải đáp

Bác sĩ Topol và các nhà khoa học khác cho rằng điều còn thiếu là chi tiết về mức độ nhiễm bệnh mà vaccine có thể ngăn ngừa - cho dù chủ yếu là các ca nhẹ hay cũng có nhiều ca vừa phải và nặng. “Tôi muốn biết phạm vi về mức độbệnh mà vaccine ngăn ngừa,” Paul Offit, nhà khoa học chủng ngừa tại Đại học Pennsylvania có chân trong ủy ban tư vấn của FDA vốn sẽ đánh giá vaccine vào tháng tới, được Nature dẫn lời nói. “Bạn muốn thấy ít nhất có một vài cabệnh nặng trong nhóm dùng giả dược, vì điều đó cho thấy rằng vaccine có khả năng ngăn ngừa những ca bệnh như vậy,” ông giải thích.

Cũng không rõ liệu vaccine này có thể ngăn những người không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ của COVID-19 lây virus sang người khác hay không. Một loại vaccine giúp ngăn lây lan có thể thúc đẩy đại dịch kết thúc. Nhưng sẽ rất khó để xác định xem liệu vaccine Pfizer có công dụng này hay không, Flrorian Krammer, nhà vi trùng học ở Trường Y Icahn, thành phố New York, được Nature dẫn lời cho biết, vì việc này đòi hỏi phải kiểm tra định kỳ những người tham gia thử nghiệm. “Không thể làm điều đó với 45.000 người,” ông nói.

Một điều chưa được giải đáp nữa là vaccine có hiệu quả thế nào trong các nhóm người khác nhau. “Chúng ta vẫn chưa biết liệu nó có hiệu quả ở những người cần nhất là người lớn tuổi hay không,” ông Krammer nói.

Trong thông cáo báo chí, Pfizer và BioNtech báo cáo rằng 42% tình nguyện viên có ‘nguồn gốc đa dạng về chủng tộc’.

Miễn dịch bền vững?

Một câu hỏi quan trọng nữa chưa được trả lời là hiệu quả của vaccine sẽ kéo dài trong bao lâu. Dựa trên thời điểm bắt đầu thử nghiệm và dữ liệu đã công bố trước đó về phản ứng miễn dịch trong các thử nghiệm giai đoạn đầu, nhiều người tham gia thử nghiệm có khả năng vẫn còn nhiều kháng thể bảo vệ trong máu của họ, theo ông Rafi Ahmed, nhà miễn dịch học tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia. “Đối với tôi, câu hỏi chính là sáu tháng sau, hoặc thậm chí ba tháng sausẽ như thế nào,” ông được Nature dẫn lời nói.

Chuyên gia này cho biết sẽ có cơ hội trả lời câu hỏi đó nếu thử nghiệm tiếp tục trong vài tháng nữa. Câu trả lời cũng có thể đến từ việc phân tích các phản ứng miễn dịch của những người tham gia vào thử nghiệm giai đoạn đầu của vaccinePfizer, một số người trong số này có thể đã được tiêm chủng cách nay 6 tháng. Và mặc dù chúng ta chưa biết nhiều về hiệu quả lâu dài của vaccine, nhưng điều này khó có khả năng làm trì hoãn việc đưa nó ra sử dụng rộng rãi, ông Ahmed nói.

Có một điều chắc chắn: các cơ quan quản lý sẽ sớm xem xét liệu vaccine đã sẵn sàng để triển khai đại trà hay chưa. Hãng bào chế cho biết sẽ xin phép FDA quyền sử dụng khẩn cấp vào khoảng hạ tuần tháng này. Lúc đó những người tham gia sẽ được theo dõi trung bình 2 tháng - một yêu cầu an toàn của FDA đối với vaccine chống COVID-19.

“Ngay bây giờ chúng ta cần một loại vaccine có hiệu quả, ngay cả khi nó chỉ có hiệu quả trong vài tháng hoặc không ngăn được lây lan,” ông Krammer nói. “Đó là điều chúng ta cần để trở lại bình thường được một nửa.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG