Đường dẫn truy cập

Cá chết ở Hồ Tây: Hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam


Một công nhân vệ sinh đang thu gom cá chết nổi trên mặt hồ Tây bị ô nhiễm, Hà Nội, Việt Nam, ngày 03 tháng 10 năm 2016.
Một công nhân vệ sinh đang thu gom cá chết nổi trên mặt hồ Tây bị ô nhiễm, Hà Nội, Việt Nam, ngày 03 tháng 10 năm 2016.

Việc các chết hàng loạt ở Hồ Tây là sự kiện mới nhất tương tự diễn ra trong những tháng gần đây ở Việt Nam và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Một chuyên gia về môi trường nói với VOA rằng điều này cho thấy một cảnh báo nghiêm trọng trong vấn đề môi trường ở Việt Nam. Bà Nguyễn Ngọc Lý, giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng nói việc cá chết hàng loạt ở Hồ Tây là rất bất thường và chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng theo bà nguyên nhân có thể dự đoán được ngay.

“Về mặt khoa học thì có thể nói là tất cả các lượng oxy hòa tan trong nước nó gần như là hết và khi đó nó sẽ tạo ra những việc như có thể cá chết hàng loạt và với số lượng lớn.”

Theo truyền thông trong nước đưa tin, chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có mặt ở khu vực Hồ Tây để chỉ đạo việc vớt cá chết và xử lý môi trường nước ở đây. Ông Chung cho các phóng viên biết hơn 60 tấn cá chết đã được vớt trong 3 ngày từ 1-3/10 và lượng các chết dưới hồ vẫn còn nhiều. Người đứng đầu thành phố Hà Nội nói “cơ quan chức năng mới chỉ xác định nguyên nhân là do nguồn nước Hồ Tây thiếu dưỡng khí làm các chết hàng loạt” và “cảnh sát môi trường và các cơ quan chức năng đã vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này.”

Bà Lý nói với VOA nguyên nhân của mức dưỡng khí xuống đến thấp như vậy là do ô nhiễm chất thải ra Hồ Tây có thể từ nguồn nước thải sinh hoạt hoặc phân bón. Theo bà, còn một nguyên nhân khác có thể là do các độc tố thải vào nguồn nước.

“Nhưng ở Hồ Tây những chất độc mà có thể làm cá chết như thế rất là ít bởi vì xung quanh không có những nhà máy nào có thể thải ra các chất độc hại.”

Nhưng theo bà Lý, tình trạng cá chết ở Hồ Tây đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho môi trường của Việt Nam trong bối cảnh phát triển công nghiệp nhanh chóng.

Cái việc cá chết ở hồ, sông và thậm chí ở biển miền Trung gần đây cũng đã phản ánh tình trạng ô nhiễm ao hồ nói chung là khá trầm trọng. Tình trạng ô nhiễm ao hồ dẫn đến một câu hỏi là việc kiểm soát ô nhiễm nước hiện nay của chúng ta có đang rất yếu kém?

Bà Lý nói điều này phản ánh cơ chế và luật hiện hành ở Việt Nam và việc kiểm soát ô nhiễm nước thực sự đã trở thành rất cấp thiết hiện nay trong quá trình phát triển đô thị và công nghiệp rất mạnh.

So sánh với việc kiểm soát nước ở Mỹ, cựu chuyên gia môi trường của Liên Hiệp Quốc này cho biết.

Ở Mỹ những năm 1969 ô nhiễm tới mức không chỉ cá chết mà cả một dòng sông cháy và cháy sang cả thành phố bên cạnh ở bang Ohio. Và chính cái cảnh báo rất lớn như thế đã dẫn đến nước Mỹ có được một luật nước sạch – trong thực tế là luật kiểm soát ô nhiễm nước. Và luật kiểm soát ô nhiễm nước của Mỹ năm 1972 đã giúp cho nước Mỹ có được nguồn nước sạch như hôm nay.

Bà Lý nói để kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam đòi hỏi một lộ trình và một chiến lược đứng đắn và là những đòi hỏi rất cấp bách nhưng không thể giải quyết trong một thời gian ngắn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG