Đường dẫn truy cập

Ca sĩ Nga Mi và những làn điệu dân ca Việt Nam


Nghệ sĩ Nga Mi và nỗi niềm dân ca Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:37 0:00

Nữ ca sĩ Nga Mi được biết đến như một người nối dõi ca ngâm truyền thống. Giọng ca mượt mà của bà giúp làm sống lại các làn điệu dân ca cổ truyền trong lòng những người Việt xa xứ.

Sinh năm 1955 trong một gia đình Công Giáo di cư vào Nam năm 1954, ca sĩ Nga Mi, tên thật là Lý Hằng Nga, thừa hưởng dòng máu văn nghệ của mẹ. Nghệ danh Nga Mi là do bà ghép tên thật của mình với tên con gái.

Thời còn đi học, từ tiểu học cho đến đại học, bà đều tham gia các sinh hoạt văn nghệ của trường, hầu hết trong lĩnh vực tân nhạc.

Sau khi vượt biển đến Mỹ vào năm 1989, Nga Mi tiếp tục hát tân nhạc nhưng là những bản nhạc thuộc thể loại đấu tranh.

“Khi tôi gặp Trần Lãng Minh thì Minh cũng hát tân nhạc nhưng phần lớn là nhạc đấu tranh trong phong trào Hưng ca với Việt Dũng, Nguyệt Ánh. Lúc đó Trần Lãng Minh không hát dân ca nhưng lại ngâm thơ. Khi tôi sống với Trần Lãng Minh thì bắt đầu tổ chức trình diễn, phần lớn là ca nhạc và ngâm thơ. Sau này tôi yêu thích dân ca quan họ Bắc Ninh nhiều hơn thì tôi bắt đầu hát dân ca quan họ Bắc Ninh trong các chương trình trình diễn. Tôi về Việt Nam học hát ‘ca trù’ (hát ả đào). Khi học cái đó rồi, chúng tôi để ý, quan tâm học các bộ môn khác như hát xẩm. Sau này hát thêm chầu văn và đi thêm vào các bộ môn nghệ thuật cổ truyền Việt Nam,” bà cho biết.

Sau khi về Việt Nam hai lần để học các làn điệu dân ca cổ truyền Việt Nam, Trần Lãng Minh và Nga Mi bắt đầu tổ chức trình diễn các chương trình văn nghệ trong đó có dân ca và ngâm thơ.

Vào năm 2008, ‘Phong Châu mở hội’ lần đầu tiên được tổ chức tại Rose Center, Nam California, với những làn điệu ả đào, chầu văn, hát xẩm, quan họ và cả ngâm thơ.

Trước khi thực hiện các chương trình “Phong Châu mở hội” bắt đầu vào năm 2008, Trần Lãng Minh và Nga Mi đã tổ chức chương trình ‘Một thoáng Hương xưa’ vào ngày 5/5/2002 tại trường đại học cộng đồng Bắc Virginia, nơi có nhiều người Việt cư ngụ. Hát ả đào và chầu văn là hai tiết mục dân ca truyền thống được Nga Mi-Trần Lãng Minh trình diễn trong chương trình này.

Trước đó, giới yêu nhạc ở hải ngoại lần đầu tiên biết đến tên tuổi của Trần Lãng Minh-Nga Mi qua CD “Hạnh phúc nơi một con đường” do Văn nghệ Nhà Nam sản xuất vào năm 1994, và tiếp theo là các CD “Đôi bờ thương nhớ” (1998), “Thu hát cho người” (2004)…

“Những CD đó là những CD thơ nhạc giao duyên. Chúng tôi chọn những bài thơ và những bài nhạc có những nội dung và những tình cảm giống nhau và kết hợp thành một tiết mục. Những CD đó hầu như là một nửa nhạc, một nửa thơ và một vài bài dân ca quan họ Bắc Ninh,” bà chia sẻ.

Tại tiểu bang California, việc tổ chức các buổi trình diễn nhạc cổ truyền của Trần Lãng Minh-Nga Mi trước đây gặp nhiều khó khăn.

“Mỗi lần tổ chức tôi bỏ tiền túi ra làm rất là rủi ro, không biết có được hay không vì khán giả rất selected nên có những khó khăn về mặt tổ chức, về mặt tài chánh, đủ thứ. Không phải là dễ để gìn giữ nó và ở hải ngoại thì cho tới bây giờ hầu như là chẳng có ai hát những thứ đó. Hát ả đào đếm trên đầu ngón tay hai ba người,” bà cho biết.

Vào năm 2008, tại California, Trần Lãng Minh-Nga Mi thành lập Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Dân tộc Việt với sự cộng tác của một số anh chị em nghệ sĩ Nam-Bắc California có cùng đường hướng và quan niệm nghệ thuật nhằm thực hiện những chương trình nghệ thuật mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn với VOA nhân dịp về vùng Washington D.C tổ chức buổi trình diễn “Phong châu mở hội” tại Trung tâm Văn hóa Cộng đồng Richard Ernst thuộc trường đại học Cộng đồng NOVA ở bang Virginia, anh chị Trần Lãng Minh-Nga Mi từng bày tỏ hy vọng sẽ mở rộng trung tâm ra các phần đất khác có nhiều người Việt sinh sống trên nước Mỹ.

“Cũng có xin để gọi là non-profit, rồi cũng có tổ chức một vài chương trình. Cũng muốn làm những chuyện như là truyền bá, bằng cách mở những lớp học nhưng vẫn chưa thực hiện một cách rộng rãi được, chỉ làm một ít thôi. Chủ yếu lúc đó chỉ tổ chức những chương trình trình diễn hơn là làm những công việc kia,” ca sĩ Nga Mi tiếp lời.

Tuy nhiên, những ước vọng này đã không xúc tiến được vì hai người xa nhau.

Nhận xét về phong trào phục hưng nhạc truyền thống dân tộc ở Việt Nam, ca sĩ Nga Mi cho biết:

“Mới đầu cách đây mười mấy năm họ cũng làm rầm rộ lên, ngay cả bộ môn hát ca trù cũng được vực lên và được UNESCO công nhận là một trong những văn hóa phi vật thể của thế giới. Rồi họ làm những Câu lạc bộ ca trù, nhưng cuối cùng, theo như tôi biết, hiện thời không còn được như vậy nữa, nó rất yếu. Các truyền nhân cũng rất ít. Họ hát cũng được nhưng không có hay như người xưa nữa. Đâm ra hình như bây giờ rất là phai lạt.”

Riêng bản thân mình, bà cho biết, tình yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam cũng như mong muốn gìn giữ và phổ biến truyền thống do cha ông để lại vẫn thôi thúc bà tiếp tục theo đuổi nghiệp dĩ.

“Hiện thời thật tình tôi đang muốn thực hiện một CD riêng của tôi, trong đó có hát ả đào, chầu văn, hát xẩm này kia nữa. Tôi phải làm vì ở hải ngoại không có ai làm hết,” Nga Mi bộc bạch.

VOA Express

XS
SM
MD
LG