Đường dẫn truy cập

Các biện pháp kiểm soát môi trường có thể làm mất việc làm ở TQ


Một bé gái hai tuổi được cho đeo máy xông mũi họng tại Bệnh viện Thiếu nhi Quốc tế Thế kỷ Mới sau khi thủ đô Bắc Kinh ban hành "báo động đỏ" lần hai về ô nhiễm không khí, ngày 22/12/2015.
Một bé gái hai tuổi được cho đeo máy xông mũi họng tại Bệnh viện Thiếu nhi Quốc tế Thế kỷ Mới sau khi thủ đô Bắc Kinh ban hành "báo động đỏ" lần hai về ô nhiễm không khí, ngày 22/12/2015.

Trong tuần này 2 diễn biến ở Trung Quốc đã nêu bật thế quân bình khó khăn mà nước này phải đối đầu trong khi tìm cách giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng đồng thời vẫn giảm bớt được tình trạng ô nhiễm không khi làm thủ đô ngột ngạt trong nhiều ngày qua.

Vào thời điểm Bắc Kinh công bố những "cảnh báo đỏ" về khói mù cực kỳ độc hại, các nhà lãnh đạo loan báo phát triển đô thị sẽ là cốt lõi của giai đoạn cải cách kinh tế sắp tới. Quyết định thiết lập và mở rộng các thành phố là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Trung Quốc tiếp tục với chính sách đã được thử nghiệm qua thời gian là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhưng nó sẽ có nghĩa là một sự gia tăng mạnh về mức tiêu thụ xi măng, thép, năng lượng và vật liệu xây dựng góp phần nặng nề vào tình trạng ô nhiễm, theo nhận định của các chuyên gia. Quyết định này rất đáng kể bởi vì được đưa ra 2 tuần lễ sau khi Trung Quốc hứa hẹn tại Hội nghị LHQ về Biến đổi Khí hậu ở Paris là sẽ cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon.

Ông Trần Vệ Đông, kinh tế gia cấp cao tại Viện Kinh tế Năng lượng CNOOC của Tổng công ty Quốc gia Dầu khí Ngoài khơi của Trung Quốc, nói: "Thực thi các biện pháp kiểm soát gắt gao về môi trường sẽ có tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế. Các khu vực công nghiệp như than đá, điện khí và dầu sẽ bị ảnh hưởng."

Ông nói tiếp: "Đây là một vấn nạn nghiêm trọng bởi lẽ chính phủ Trung Quốc cũng muốn đảm bảo một môi trường sạch và chấm dứt lớp khói mù liên tục bao phủ các thành phố."

Mối quan ngại chính của chính phủ có liên quan đến việc duy trì công ăn việc làm trong các khu vực mỏ và công nghiệp sẽ bị tác động nếu các biện pháp kiểm soát môi trường được áp dụng một cách gắt gao. Các khu vực than đá, điện và dầu khí, là những công nghiệp sẽ bị tác động nhiều nhất, chiếm hơn 20 triệu công ăn việc làm. Một mỏ than ở đông bắc Trung Quốc mới đây loan báo sẽ sa thải 100.000 công nhân vì công cuộc kinh doanh của công ty bị co cụm.

Công ăn việc làm cũng lâm nguy vì giá dầu sụt đã tác động mạnh đến các công ty dầu của Trung Quốc Các công ty này sản xuất dầu ở mức khoảng 60 đôla 1 thùng trong khi giá dầu quốc tế lên xuống ở khoảng 40 đôla một thùng. Lợi nhuận tại các công ty dầu khí đang sụt mạnh, nhưng họ buộc phải tiếp tục hoạt động bởi vì công nghiệp này sử dụng gần 10 triệu người.

Vào thời điểm Bắc Kinh công bố những "cảnh báo đỏ" về khói mù cực kỳ độc hại, các nhà lãnh đạo loan báo phát triển đô thị sẽ là cốt lõi của giai đoạn cải cách kinh tế sắp tới.
Vào thời điểm Bắc Kinh công bố những "cảnh báo đỏ" về khói mù cực kỳ độc hại, các nhà lãnh đạo loan báo phát triển đô thị sẽ là cốt lõi của giai đoạn cải cách kinh tế sắp tới.

Tại Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu ở Paris, Trung Quốc hứa sẽ cắt giảm khí thải carbon cho mỗi đơn vị sản lượng kinh tế là 65% từ nay cho đến năm 2030, có nghĩa là phải tăng tốc các nỗ lực cắt giảm ô nhiễm.

Nhưng vẫn còn một cuộc tranh luận nghiêm trọng bên trong chính phủ Trung Quốc về việc liệu có thực hiện những hy sinh nghiêm trọng trong phát triển kinh tế để có được một bầu không khí trong sạch hơn, hay là để cho các công nghiệp gây ô nhiễm tiếp tục hoạt động vì tầm quan trọng dối với tăng trưởng và công ăn việc làm.

Ông Adam Dunnett, tổng thư ký Phòng Thương mại Âu châu ở Trung Quốc nói: "Những hy sinh về xã hội và kinh tế sẽ lớn hơn nữa nếu Trung Quốc không giảm thiểu mức độ năng lượng mà sự lệ thuộc vào việc tiêu thụ than đá đóng một vai trò to lớn."

Hậu quả chính trị của nạn khói mù và kinh tế suy sụp

Trong khi các giới chức lo lắng về công ăn việc làm bị mất, rủi ro chính trị ngày càng tăng vì nạn khói mù kinh niên của nước này. Hàng triêu người Trung Quốc đang ta thán về màn khói mù dầy đặc bao phủ bầu trời là gây khó thở.

Một đảng viên Cộng sản làm việc ở Bắc Kinh nói: "Cả môi trường lẫn công ăn việc làm đều là những vấn đề chính trị nghiêm trọng. Vấn đề là ta phải hy sinh công ăn việc làm nếu muốn bảo vệ môi trường. Đảng đang tìm cách xử lý cả hai đầu, và đi tìm một con đường trung dung."

Một con đường trung dung có thể là xây dựng những thành phố mới ở những nơi thực sự không có những khó khăn về môi trường như các nam châm thành thị hiện hữu. Điều đó sẽ giúp các công nghiệp quan trọng như than đá, thép, xi măng và thiết bị xây dựng tiếp tục hoạt động. Nhưng một số người cảnh báo rằng điều này chỉ làm cho các vấn đề hiện hữu của nước này thêm trầm trọng.

Ông Dunnett nói: "Khả năng quá tải trong những khu vực này gia tăng ở mức độ đáng ngại trong những năm vừa qua. Các khu vực này không dựa vào nhu cầu kinh tế thực sự mà chỉ vào phía cung ứng. Các ngân hàng cần phải ngưng tình trạng nợ xấu và các chính quyền phải ngưng đầu tư vào các dự án với mức lời âm."

Thực thi các cam kết ở Paris

Có một số thắc mắc về điều gì đã khiến Trung Quốc hứa hẹn các biện pháp gắt gao về kiểm soát khí thải tại hội nghị Paris, và liệu Trung Quốc có thực thi đầy đủ cam kết của mình hay không.

Các giới chức Trung Quốc nói với ban tổ chức hội nghị Paris rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm lượng khí thải mỗi đơn vị sản lượng kinh tế, ở mức 33,8% so với mức của năm 2005.

Tại Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu ở Paris, Trung Quốc hứa sẽ cắt giảm khí thải carbon cho mỗi đơn vị sản lượng kinh tế là 65% từ nay cho đến năm 2030, có nghĩa là phải tăng tốc các nỗ lực cắt giảm ô nhiễm.
Tại Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu ở Paris, Trung Quốc hứa sẽ cắt giảm khí thải carbon cho mỗi đơn vị sản lượng kinh tế là 65% từ nay cho đến năm 2030, có nghĩa là phải tăng tốc các nỗ lực cắt giảm ô nhiễm.

Ông Trương Hiểu Thần, phó giám đốc về biến đổi khí hậu của tập đoàn Kinh doanh vì Trách nhiệm Xã hội, trong một báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái, nói: "Đó là một mức lớn hơn so với mức đa số các nước đã đạt được."

Sự thực là thành quả của Trung Quốc trong việc cắt giảm khí thải đã nhờ vào tình trạng tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh, có nghĩa là bớt sử dụng điện và than đá.

Các nguồn tin nói rằng nỗ lực của chính phủ nhằm thay đổi việc phối hợp năng lượng bằng cách khuyến khích năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân cũng giúp ích đôi chút nhưng không nhiều. Khu vực không tái tạo chiếm chỉ khoảng 15% tổng số lượng phát điện.

Nhiều quan sát viên cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ tôn trọng các cam kết về môi trường chừng nào các cam kết này không gây thiệt hại đáng kể cho công ăn việc làm.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG