Đường dẫn truy cập

Các cựu bộ trưởng Pháp lên tiếng chống lại tình trạng quấy rối tình dục


Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, người từng là bộ trưởng kinh tế của Pháp, là một trong số 17 người nói rằng họ sẽ không giữ im lặng nữa về tình trạng quấy rối tình dục trong nền chính trị Pháp.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, người từng là bộ trưởng kinh tế của Pháp, là một trong số 17 người nói rằng họ sẽ không giữ im lặng nữa về tình trạng quấy rối tình dục trong nền chính trị Pháp.

Mười bảy người từng là những nữ bộ trưởng trong chính phủ Pháp, trong đó có giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, nói rằng họ sẽ không giữ im lặng nữa về tình trạng quấy rối tình dục trong nền chính trị Pháp.

Viết trên tuần báo Journal du Dimanche của Pháp hôm Chủ nhật, những người phụ nữ này tuyên bố sẽ công khai "tất cả những nhận xét phân biệt giới tính," cũng như "những cử chỉ và hành vi không phù hợp" từ những người đương thời trong những hội trường quyền lực chính trị của Pháp.

Bài viết nêu quan điểm hôm Chủ nhật được đăng chỉ vài ngày sau khi chín người phụ nữ phàn nàn về hành vi quấy rối tình dục bị nói là của Denis Baupin, phó chủ tịch hạ viện Pháp. Ông Baupin, người đã từ chức, phủ nhận những cáo buộc này và hứa sẽ chống trả.

Cựu quan chức Bộ Tư pháp Monique Pelletier 89 tuổi là một trong số 17 người đứng tên. Mới đây bà tiết lộ bà đã bị tấn công tình dục bởi một thượng nghị sĩ không được nêu danh tính vào năm 1979, và nói rằng bà cảm thấy xấu hổ về sự im lặng của chính mình.

"Chúng tôi sẽ không giữ im lặng nữa," những người phụ nữ này viết. "Chúng tôi khuyến khích tất cả những nạn nhân bị xâm hại tình dục lên tiếng và khiếu nại."

"Chúng tôi đi vào chính trị vì những lý do khác nhau và chúng tôi bênh vực những tư tưởng khác nhau, nhưng chúng tôi chia sẻ niềm tin rằng tình trạng phân biệt giới tính không có chỗ đứng trong xã hội của chúng ta."

Hành vi sai trái về tình dục trong chính trường Pháp bị nêu bật vào năm 2011 khi những hãng tin quốc tế mô tả vụ bắt giữ Dominique Strauss-Kahn, người sẽ tranh cử tổng thống Pháp, tại thành phố New York về cáo buộc cưỡng hiếp bất thành và tấn công một nhân viên khách sạn.

Ông Strauss-Kahn từ chức giám đốc IMF sau khi bị bắt và trở về Pháp sau khi Mỹ bãi bỏ cáo buộc trong vụ việc. Ông ta sau đó lên tiếng tạ lỗi về hành động của mình và rút tên khỏi quá trình xem xét tư cách ứng cử viên tổng thống, trong khi khẳng định cuộc tiếp xúc của ông ta với người hầu phòng là sự đồng thuận.

Trong một vụ việc riêng rẽ vào năm đó, một nhà văn Pháp đã đe dọa và rồi bãi bỏ vụ kiện dân sự nhắm vào ông Strauss-Kahn, sau khi những công tố viên Pháp bãi bỏ cáo buộc cưỡng hiếp nhắm vào ông ta.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG