Đường dẫn truy cập

Các doanh nghiệp Mỹ hối thúc Đại diện Thương mại không đánh thuế hàng hoá Việt Nam


Công nhân tại một nhà máy may mặc xuất khẩu ở Hà Nội. Gần 80 hiệp hội doanh nghiệp Mỹ hối thúc Chính quyền Biden không đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có quần áo thời trang, vì các tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Công nhân tại một nhà máy may mặc xuất khẩu ở Hà Nội. Gần 80 hiệp hội doanh nghiệp Mỹ hối thúc Chính quyền Biden không đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có quần áo thời trang, vì các tranh chấp thương mại giữa hai nước.

Gần 80 tổ chức kinh doanh lớn nhất của Mỹ đã yêu cầu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ không sử dụng đến thuế quan như một biện pháp giải quyết các tranh chấp thương mại với Việt Nam giữa lúc có những thông tin về việc Chính quyền Biden có thể đánh thuế hàng hoá nhập từ quốc gia Đông Nam Á.

Trong một bức thư chung gửi tới Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai, 76 tổ chức – gồm có Phòng Thương mại Mỹ, Liên đoàn bán lẻ Quốc gia và Hiệp hội Internet, trong đó có các thành viên như Amazon và Google – bày tỏ lo ngại về những thông tin cho rằng Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) có thể sắp ban hành một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam mà Chính quyền Biden sẽ đề xuất để đánh thuế theo Mục 301 theo sau các cuộc điều tra của Chính quyền Trump về hành vi “thao túng tiền tệ” và sử dụng “gỗ lậu” của Hà Nội.

“Áp thuế theo Mục 301 tại thời điểm khi Bộ Tài chính (Mỹ) gần đây tuyên bố rằng Việt Nam không thao túng tiền tệ sẽ làm xói mòn các nỗ lực để phát triển một khuôn khổ chặt chẽ hơn về ngoại giao tài chính,” các tổ chức kinh doanh, từ thực phẩm, nội thất cho đến thời trang, của Mỹ viết trong bức thư, mà VOA được xem, gửi cho bà Tai ngày 14/7. Theo các tổ chức này, “một động thái như vậy sẽ khiến cho các chính phủ nước ngoài bối rối” và do đó giảm ảnh hưởng của Washington đối với quốc tế.

USTR không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc liệu có sắp đưa ra danh sách các mặt hàng nhập từ Việt Nam được đề xuất đánh thuế hay không.

USTR đang điều tra việc nhập khẩu gỗ của Việt Nam mà họ nghi ngờ được khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp trong lúc chính quyền của Tổng thống Joe Biden được cho là đang xem xét liệu có nên tiến tới việc áp thuế đối với hàng hoá của Việt Nam vì các hành vi tiền tệ của nước này hay không.

Mặc dù Bộ Tài chính Mỹ cho Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ hồi tháng 4 vừa qua nhưng USTR, trước đó hồi tháng 1, kết luận rằng các hành vi tiền tệ của Hà Nội là “không hợp lý” và, theo các chuyên gia thương mại, điều này mở đường cho các mức thuế trừng phạt theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ 1974. Chính quyền Biden có thời hạn cho đến tháng 10 để quyết định xem có áp thuế hay không, thời điểm đánh dấu 1 năm kể từ khi USTR khởi xướng các cuộc điều tra về hành vi định giá tiền tệ và nguồn gốc gỗ của Việt Nam theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 10 năm ngoái.

Mỹ là thị thường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng đang có thâm hụt thương mại ngày càng tăng với quốc gia Đông Nam Á, đạt kỷ lục gần 70 tỷ USD trong năm ngoái. Mức thâm hụt thương mại lớn này được cho là nguyên nhân chính khiến Chính quyền Tổng thống Trump tiến hành điều tra về các hành vi thương mại của Việt Nam, hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Mỹ.

Nhưng theo các tổ chức viết trong bức thư, sự gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam trong vài năm qua phần lớn là do việc Mỹ áp dụng các mức thuế theo Mục 301 lên hàng hoá trị giá hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc. Điều này, theo họ, đã khiến các nhà nhập khẩu Mỹ tìm đến Việt Nam, hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á, như một sự thay thế đáng tin cậy cho Trung Quốc.

Hàng trăm lãnh đạo của các hiệp hội đa ngành và công ty của Mỹ hồi tháng 1 năm nay cũng đã gửi một bức thư tới Tổng thống Trump đề nghị không áp thuế lên hàng hoá Việt Nam theo Mục 301. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn nói rằng chính sách tiền tệ của mình không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.

Việt Nam là một thị trường xuất khẩu chính cho các ngành công nghiệp tạo ra nhiều việc làm của Mỹ như dệt may, hoá chất, gỗ cứng, hàng không và các sản phẩm năng lượng và môi trường. Theo các tổ chức cho biết trong bức thư – cũng được gửi đến những người đứng đầu của Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao – các nguyên liệu thô được nhập từ Việt Nam là các đầu vào thiết yếu được các nhà sản xuất của Mỹ sử dụng cho các sản phẩm hoàn chỉnh. Do đó, theo họ, việc xuất khẩu của Mỹ “gần như chắc chắn sẽ là mục tiêu của các mức thuế trả đũa nếu Chính quyền (Biden) áp thuế lên hàng hoá Việt Nam.”

Hành động này, theo ông John Goyer – giám đốc phụ trách Đông Nam Á của Phòng Thương mại Mỹ – cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, cũng sẽ có “một ảnh hưởng nguy hại” tới các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Việt Nam vì nó làm giảm sự cạnh tranh của họ do giá cả các sản phầm tăng cao khi bị đánh thuế.

Các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy Việt Nam đã có các hành vi bất hợp pháp liên quan đến định giá tiền tệ hay sử dụng gỗ và rằng quyết định đánh thuế sẽ làm suy yếu mối quan hệ với một đối tác đang ngày càng trở nên quan trọng đối với Mỹ trong bối cảnh Hoa Kỳ muốn gắn kết hơn với khu vực để kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Nếu Chính quyền (Biden) có các quan ngại về các yếu tố của mối quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam, thì cần phải có sự gắn kết chứ không phải tăng thêm thuế quan,” các hiệp hội kêu gọi trong bức thư.

VOA Express

XS
SM
MD
LG