Các dự án BOT về giao thông đường bộ ở Việt Nam có khả năng “phục vụ lợi ích nhóm”, một nhà quan sát từ Việt Nam nói trong bối cảnh người dân ngày càng phản đối các trạm thu phí BOT mà gần đây nhất là tình trạng tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí đường tránh thị xã Cai Lậy.
Trong lúc này, lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải hứa sẽ xem xét yêu cầu của tỉnh Tiền Giang về việc giảm phí sử dụng đường tránh thị xã Cai Lậy để giải quyết tình trạng khủng hoảng ở đây trong những ngày vừa qua.
BOT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Building-Operate-Transfer, tức là Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao – một hình thức giao cho tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cho phép họ thu phí để hoàn vốn đầu tư cũng như sinh lợi.
Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều dự án BOT cùng với chúng là các trạm thu phí rải từ bắc đến nam. Phần lớn các trạm thu phí này đi vào hoạt động suôn sẻ tuy nhiên gần đây đã xảy ra phản ứng đối với các trạm thu phí Bến Thủy ở Hà Tĩnh và Cai Lậy ở Tiền Giang.
Nhận định về các dự án BOT với VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS, nói: “Việc làm BOT ở Việt Nam bây giờ là một cái tệ - Đó thực sự chuyển quyền thu phí, thu thuế của Nhà nước sang cho một số tư nhân. Đó không phải là một chính sách phát triển khôn ngoan.”
Ông A cho rằng những dự án hạ tầng cơ sở lẽ ra Nhà nước phải đứng ra làm và giám sát chặt chẽ nhưng Nhà nước lại vịn vào cái cớ không có tiền nên phải kêu gọi xã hội hóa nhưng “thực chất là bán đường cho tư nhân.”
“Nguy hiểm hơn nữa là các dự án BOT chuyển vào tay những người cánh hẩu hay có liên hệ với những người cầm quyền. Điều đó làm cho người dân bức xúc và gây ra những xáo trộn về mặt xã hội,” ông nói thêm.
“(Các dự án BOT) luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, móc ngoặc với chính quyền rất lớn,” ông nói.
Khi được hỏi liệu một mình Nhà nước có đủ sức đảm đương việc phát triển cơ sở hạ tầng trong khi nhu cầu kinh tế-xã hội là rất lớn, ông A nói: “Tôi nghĩ là nếu Nhà nước làm và làm khéo thì chắc chắn sẽ không bị thất thoát như việc bán hạ tầng cơ sở cho tư nhân.”
Ông A cũng khẳng định rằng ông không phản đối các dự án BOT nhưng ông cho rằng “cần giám sát chặt chẽ” và “cần công khai minh bạch”.
Theo ông A thì để công bằng cho người tham gia giao thông thì các dự án BOT “nên làm đoạn mới hoàn toàn” và để cho người dân có sự lựa chọn muốn dùng hay không dùng đoạn đường BOT. Ông cũng lên án việc “chủ đầu tư chỉ làm sơ sơ mà cũng dựng trạm thu phí” và cho rằng “đây là việc bóc lột nhân dân”.
Về phản ứng của cánh tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí đường tránh Cai Lậy, ông A cho rằng các tài xế “sử dụng quyền hợp pháp của mình để phản ứng những điều bất hợp lý”.
Khi được hỏi hành động phản đối của các tài xế có làm ảnh hưởng đến lợi ích của những người tham gia giao thông khác cũng như cả cộng đồng, ông A trả lời: “Việc làm như thế trong một thời gian nhất định có làm ùn tắc giao thông, nhưng đó là cái giá phải chịu. Nếu người ta bỏ việc thu phí ít nhất trong thời gian trước mắt thì sẽ giải tỏa được ách tắc giao thông.”
Về cách giải quyết tình hình ở trạm thu phí Cai Lậy, ông A nói rằng “con đường mới tốt (tức đường tránh thị xã Cai Lậy) thu phí không sao” nhưng “không được thu phí (Quốc lộ 1) đã có từ trước.”
Riêng về khoản 300 tỷ mà nhà đầu tư nói họ đã dùng để nâng cấp Quốc lộ 1 để làm cơ sở đặt trạm thu phí ở Quốc lộ 1 cho tuyến đường tránh, ông A yêu cầu “nhà đầu tư phải công khai tất cả mọi chi phí”.
Trạm thu phí tuyến đường tránh Cai Lậy đã đi vào hoạt động từ ngày 1/8 nhưng đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ của giới tài xế với lý do là phí quá cao và vị trí đặt trạm khiến những người không dùng tuyến đường tránh cũng phải trả phí.
Tuy nhiên, nhà đầu tư giải thích rằng do thời gian họ được phép thu phí ngắn nên họ phải đẩy phí cao lên và họ cũng đã bỏ tiền ra nâng cấp 26km đường Quốc lộ 1 qua Thị xã Cai Lậy nên họ phải đặt trạm trên Quốc lộ 1.
Trong lúc này, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết đã mời nhà đầu tư ra Hà Nội để bàn phương án giải quyết các đề xuất của tỉnh Tiền Giang và người dân, báo mạng VnExpress đưa tin.
"Đề xuất của địa phương là giảm từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng, nhà đầu tư sẵn sàng. Suy cho cùng thì vẫn là một tủ tiền đấy, thay vì phương án thu gần bảy năm thì kéo dài 12 - 13 năm," ông Nghĩa được dẫn lời nói.