Các nhà lãnh đạo từ khắp châu Âu hôm 18/7 đã tề tựu tại một dinh thự tráng lệ của Anh để dự một hội nghị thượng đỉnh vốn bị bao phủ bởi lo ngại liệu Mỹ có còn là đồng minh đáng tin cậy hay không nếu ông Donald Trump giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Thủ tướng Anh mới được bầu Keir Starmer đã chào đón khoảng 45 người đứng đầu chính phủ đến Anh để thảo luận về di cư, an ninh năng lượng và mối đe dọa từ Nga khi ông tìm cách khôi phục quan hệ giữa Anh và các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu 4 năm sau cuộc chia tách cay đắng.
Ông Starmer nói với Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) rằng nước Anh dự định đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế, nhất là về cuộc chiến của Ukraine trước Nga và các băng đảng buôn người tổ chức di cư bất thường.
Ông nói với các lãnh đạo châu Âu rằng dưới chính phủ của ông, Anh sẽ là “người bạn và đối tác, sẵn sàng làm việc với các bạn – không phải là một phần của Liên minh châu Âu, mà là một phần của châu Âu. Không tập trung vào khác biệt giữa chúng ta, mà tập trung vào các giá trị mà chúng ta chia sẻ”.
“Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta ở đây hôm nay là khẳng định sự ủng hộ kiên định của chúng ta dành cho Ukraine, một lần nữa đoàn kết sau những giá trị mà chúng ta trân trọng và để nói rằng chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt với sự gây hấn trên lục địa này,” ông nói và cho biết thêm rằng mối đe dọa từ Nga “đang lan rộng khắp châu Âu”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy là khách mời chủ chốt tại cuộc gặp vốn được tổ chức nhằm củng cố sự ủng hộ của châu Âu để giúp họ phòng vệ và thảo luận về cách bảo vệ nền dân chủ.
Các vị khách mời khác còn bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Đây là cuộc họp thứ tư của khối EPC, đứa con tinh thần của ông Macron. Nó ra đời vào năm 2022 với tư cách là diễn đàn cho các quốc gia trong và ngoài khối EU sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Trước đây, EPC đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Praha của Séc, Chisinau của Moldova, và Granada của Tây Ban Nha.
Chính phủ trung tả của ông Starmer đặt mục tiêu xây dựng lại mối quan hệ với EU vốn căng thẳng sau nhiều năm tranh cãi gay gắt về các điều khoản Brexit. Ưu tiên chính là hiệp ước an ninh mới giữa Anh và EU mà ông Starmer hy vọng sẽ sớm đạt được.
Nhiều người có thể nghĩ đến tình hình nước Mỹ, với sự hoài nghi về NATO của ông Trump từ lâu đã khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng. Việc ông Trump chọn Thượng nghị sĩ JD Vance, vốn phản đối viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine, vào liên danh tranh cử đã làm gia tăng lo ngại.
“Các nước châu Âu phải tự đứng trên đôi chân của mình hơn bao giờ hết,” Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof nói.
Quan điểm đó đã được một số lãnh đạo khác hưởng ứng, ngoại trừ Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vốn có lập trường thân Nga. Ông Orbán đã khiến các nước EU khác bực bội vì một loạt các cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo nước ngoài về Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Orban nói rằng chiến thắng của ông Trump sẽ là “tin tốt nhất cho tất cả mọi người, bởi vì ông ấy là người của nhân dân”.
Diễn đàn