Đường dẫn truy cập

Các lãnh đạo gốc Việt ở Mỹ ca ngợi luật chống thù ghét người gốc Á vừa ban hành


Tổng thống Joe Biden phát tặng bút sau khi sau khi kí ban hành Đạo luật Tội ác Thù ghét COVID-19 trong Phòng Đông của Nhà Trắng, ngày 20 tháng 5, 2021, ở Washington.
Tổng thống Joe Biden phát tặng bút sau khi sau khi kí ban hành Đạo luật Tội ác Thù ghét COVID-19 trong Phòng Đông của Nhà Trắng, ngày 20 tháng 5, 2021, ở Washington.

Một số nhà lãnh đạo gốc Việt ở Mỹ hoan nghênh và ca ngợi một dự luật chống thù ghét người gốc Á được Tổng thống Joe Biden kí ban hành hôm thứ Năm trong nỗ lực ứng phó với những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á vốn đã tăng mạnh trong suốt đại dịch ở Mỹ.

Đạo luật Tội ác Thù ghét COVID-19 trước đó đã thông qua Quốc hội Hoa Kỳ với sự ủng hộ áp đảo trong một biểu hiện đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng. Luật thông qua Thượng viện với tỉ số 94-1 vào tháng 4 và Hạ viện với tỉ số 364-62, cả hai viện đều do phe Dân chủ kiểm soát với cách biệt sít sao.

“Im lặng là đồng lõa và chúng ta không thể đồng lõa. Chúng ta phải lên tiếng. Chúng ta phải hành động,” ông Biden nói với các nhà lập pháp tề tựu tại Nhà Trắng tham dự buổi lễ ký ban hành luật. “Đó là điều mà quý vị đã làm. Và tôi hết sức cảm tạ. Hôm nay tôi rất tự hào.”

Những vụ tấn công người gốc Á, trong đó có những nạn nhân là người Việt Nam, trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của truyền thông chính thống và công chúng Mỹ. Tổ chức vận động chống thù ghét người gốc Á Stop AAPI Hate cho biết đã ghi nhận 6,603 vụ việc từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021, và các nhà lãnh đạo nói con số thật còn cao hơn nhiều vì nhiều vụ không được báo cáo.

Các nhà hoạt động và cảnh sát nói tình cảm bài xích người gốc Á bùng lên khi một số chính trị gia quy trách Trung Quốc về đại dịch trong khi những người khác dùng những từ ngữ dè bỉu như “kung flu.”

Đạo luật, được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ gốc Nhật Mazie Hirono và Dân biểu gốc Hoa Grace Meng, chỉ định một nhân viên của Bộ Tư pháp đảm nhiệm việc xúc tiến thẩm xét các vụ phạm tội ác thù ghét được báo cáo cho cảnh sát trong đại dịch COVID-19.

Luật cũng sẽ cung cấp hướng dẫn cho các cơ quan chấp pháp cấp bang và cấp địa phương để báo cáo những vụ vi phạm tội ác thù ghét, mở rộng các chiến dịch giáo dục công chúng và ban hành hướng dẫn để chống lại ngôn từ mang tính kì thị khi mô tả đại dịch.

Diedre Thu-Ha Nguyen, nghị viên Hội đồng Thành phố Garden Grove ở bang California, một trong những nơi mà người gốc Việt tập trung đông đảo nhất ở Mỹ, ca ngợi đạo luật mới ban hành này, nói rằng tác động rõ ràng nhất của nó là mở rộng nỗ lực giúp cho việc báo cáo dễ dàng hơn.

“Đây không phải là cử chỉ mang tính biểu tượng, không phải chỉ là lời nói suông. Đây là một bước cụ thể hướng tới những thay đổi có ý nghĩa, mang tính hệ thống để chống lại nạn kì thị người gốc Á ở Mỹ,” bà nói bằng tiếng Anh.

“Bởi vậy chúng ta phải tụ họp, phải lên tiếng ở mọi cấp,” bà nhấn mạnh.

Trong buổi lễ ký ban hành luật, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, người có gốc Ấn Độ và Châu Phi, nói về những vụ đâm dao, bắn súng và những vụ tấn công khác nhắm vào người Mỹ gốc Á và người đảo quốc Thái Bình Dương và những cơ sở kinh doanh của họ kể từ đầu đại dịch hơn một năm trước.

Bà Harris nói những vụ việc này đã tăng gấp sáu lần trong thời gian đó.

Bà nói thêm dù luật mới đưa Mỹ đến gần hơn với việc chấm dứt sự thù ghét, “giải quyết tình trạng bất công, dù nó tồn tại ở đâu, vẫn là việc còn phải ở phía trước.”

Long Tran, một nhà hoạt động cộng đồng tại khu vực thành phố Atlanta thuộc bang Georgia, nói anh “ngẩng cao đầu tự hào là người Mỹ” vì đất nước đã lắng nghe lời khẩn cầu chấm dứt sự thù ghét người gốc Á và đáp lại bằng đạo luật này.

Anh nói cộng đồng người Việt ở Georgia vẫn lo ngại về những vụ phạm tội ác thù ghét xảy ra cận kề nơi họ làm ăn sinh sống, và vụ xả súng gần đây khiến sáu người gốc Á thiệt mạng càng chứng tỏ nỗi sợ hãi của họ là có cơ sở.

“Tôi phải hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các chủ doanh nghiệp phải cảm thấy tự tin mới mở cửa trở lại mà không phải lo lắng về chuyện bị nhắm mục tiêu,” anh Long, người cũng là chủ một quán cà phê bên ngoài Atlanta, chia sẻ bằng tiếng Anh.

“Quan trọng hơn nữa là khách hàng của những cơ sở kinh doanh này phải có đủ tự tin để tới gọi một tô phở hoặc tới làm móng mà không phải sợ trở thành nạn nhân của bạo lực và những vụ xả súng,” anh nói thêm.

“Việc kí ban hành luật này là một bước nhỏ đầu tiên hướng tới sự hàn gắn cho cộng đồng của chúng ta nhưng là một bước nhảy vọt to lớn để đất nước của chúng ta đối đầu với sự thù ghét và cho thấy rằng có nhiều người trong chúng ta yêu thương và ủng hộ nhau hơn là những người ghét bỏ.”

Chia sẻ quan điểm này, bác sĩ Tùng Nguyễn, chủ tịch của AAPI Victory Alliance, một tổ chức về chính sách và vận động cho người Mỹ gốc Á và đảo quốc Thái Bình Dương, nói chính quyền liên bang giờ đã công nhận “những đau khổ” mà cộng đồng người Mỹ gốc Á đã chịu đựng trong suốt đại dịch.

Việc ban hành đạo luật này cũng cho thấy rõ cam kết của chính quyền Biden giải quyết vấn nạn thù ghét người gốc Á dù chỉ mới nắm quyền được bốn tháng và phải ứng phó với nhiều vấn đề lớn khác, ông nói thêm.

“Điều hay hơn nữa là luật này có được sự ủng hộ lưỡng đảng, với hầu hết các thượng nghị sĩ ủng hộ và chỉ 62 dân biểu Đảng Cộng hòa biểu quyết chống,” ông nói bằng tiếng Anh.

Nhưng bác sĩ Tùng, người từng là thành viên Ban Cố vấn của Tổng thống Barack Obama về người Mỹ gốc Á và đảo quốc Thái Bình Dương, nói các vụ phạm tội thù ghét chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm là nạn kì thị người gốc Á,” và kêu gọi một sự thừa nhận rằng có “những vấn đề mang tính cơ cấu” nuôi dưỡng sự kì thị người gốc Á dẫn tới những tội ác thù ghét.

“Điều này bao gồm thiếu dữ liệu về mọi mặt, thiếu hỗ trợ ngôn ngữ để tiếp cận với tất cả các dịch vụ, thiếu đầu tư vào các tổ chức cộng đồng phục vụ người Mỹ gốc Á, thiếu đại diện trên các phương tiện truyền thông, vân vân,” ông nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG