Đường dẫn truy cập

Áp lực điều tra, sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia   


Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn.

Các thành viên Đảng Dân chủ trong quốc hội kêu gọi tiến hành điều tra xem liệu tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn có đàm đạo với Nga về các biện pháp chế tài của Mỹ trước khi chính phủ của ông Trump lên nắm quyền hay không.

Hai tờ báo lớn của Mỹ, tờ The Washington Post và New York Times hôm qua tường thuật rằng ông Flynn đã thảo luận các biện pháp chế tài mà chính phủ TT Obama đã áp đặt lên nước Nga, bất chấp phản bác của chính phủ Tổng thống Trump, nói rằng cấm vận không phải là đề tài của các cuộc tiếp xúc ấy.

Nói chuyện với các nhà báo trên chuyên cơ của Tổng thống hôm thứ Sáu, ông Trump nói ông không biết về tin cho rằng ông Flynn đã thảo luận với phía Nga về các biện pháp cấm vận đối với Moscow. Ông Trump cho hay ông sẽ xem xét vấn đề này, nhưng sau đó nói ông ‘hoàn toàn tin tưởng’ ông Flynn.

Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đòi điều tra ông Flynn, trong khi nhiều người khác hối thúc Tổng thống Trump sa thải ông Flynn và yêu cầu tình báo Mỹ xét lại ông Flynn về mặt an ninh.

9 người ẩn danh được miêu tả là cựu giới chức Mỹ và các giới chức tại chức nói với tờ Washington Post rằng ông Flynn và Đại sứ Nga Sergey Kislyak rõ ràng có thảo luận về các biện pháp chế tài mà chính phủ Tổng Thống Obama đã áp đặt đối với Nga sau vụ tai tiếng về tin tặc.

Các cuộc điện đàm giữa ông Flynn và phía Nga diễn ra cùng lúc chính quyền Tổng Thống Obama đang xúc tiến chế tài nước này, đã khiến các giới chức tình báo Mỹ ngờ vực, và tiến hành điều tra.

Ông Flynn bác bỏ tin này với tờ Washington Post, khẳng định rằng ông không thảo luận các biện pháp chế tài với ông Kislyak, nhưng hôm thứ Năm ông rút lại tuyên bố đó và thông qua một người phát ngôn, nói với tờ Washington Post rằng “trong khi ông không nhớ đã thảo luận về các biện pháp chế tài, nhưng ông không hoàn toàn chắc chắn là đề tài này không được đề cập tới.”

Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS hồi tháng trước, Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence cũng bác bỏ là cuộc đối thoại có diễn ra. Ông Pence nói tin ấy là một trong những “tin đồn đại lạ lùng xoay quanh chiến dịch tranh cử của ông Trump.”

Những phát biểu vừa rồi tương phản với bản tin của tờ Washington Post về cuộc đối thoại, một trong nhiều cuộc tiếp xúc giữa ông Flynn với đại sứ Kislyak đã khởi sự trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/16, rồi tiếp tục trong suốt tiến trình chuyển tiếp, theo tờ báo.

Thông tin về cuộc đối thoại này xuất phát từ các tin tức do các giới chức tình báo thu thập, khi theo dõi những sự liên lạc của các nhà ngoại giao Nga.

Theo tờ New York Times, các giới chức có trong tay bản văn ghi chép lại các cuộc điện đàm giữa ông Flynn và đại sứ Nga Kislyak, các tài liệu này chưa được giải mật. Các giới chức tiếp cận được các tài liệu này sau đó tiết lộ chi tiết cho hai tờ báo vừa nêu.

Các giới chức nói với tờ Washington Post rằng cuộc đối thoại có thể vi phạm Luật Logan, một đạo luật của Mỹ cấm công dân thương thuyết với các chính quyền nước ngoài nếu không được phép.

Luật Logan đặt ra ngoài vòng pháp luật việc một công dân Mỹ tiếp xúc với bất cứ chính quyền nước ngoài nào “với dụng ý ảnh hưởng tới các biện pháp hoặc cách hành sử” của chính quyền đó “liên quan tới bất cứ vụ tranh chấp hay tranh cãi nào với Hoa Kỳ.”

Các giới chức cho rằng tuy vậy, khó có thể thu thập đầy đủ hồ sơ pháp lý chống lại ông Flynn, bởi vì chưa có bất cứ ai bị truy tố theo luật này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG