Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp chất vấn các công ty công nghệ về can thiệp bầu cử


Luật sư của ba công ty công nghệ Facebook, Twitter và Alphabet, công ty mẹ của Google, tuyên thệ để khai chứng trước tiểu ban tội phạm của Thượng viện Mỹ, Điện Capitol, Washington, ngày 31 tháng 10, 2017.
Luật sư của ba công ty công nghệ Facebook, Twitter và Alphabet, công ty mẹ của Google, tuyên thệ để khai chứng trước tiểu ban tội phạm của Thượng viện Mỹ, Điện Capitol, Washington, ngày 31 tháng 10, 2017.

Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm thứ Ba cho biết họ muốn làm việc với Thung lũng Silicon để tìm ra các câu trả lời liên quan đến chuyện can thiệp bầu cử khi họ bắt đầu hai ngày điều trần của Quốc hội về cách thức mà Nga bị cho là đã thao túng các mạng truyền thông xã hội nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Các luật sư từ công ty Facebook, Twitter và Alphabet, công ty mẹ của Google, ra khai chứng trước các phiên điều trần trong tuần này. Đây là lần đầu tiên các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ xuất hiện công khai trước các nhà lập pháp Mỹ về vụ việc liên quan đến Nga.

Điều đáng lo đối với các công ty này hình ảnh của họ trước công chúng và mối đe dọa bị quản lý chặt hơn về quảng cáo ở Mỹ, nơi mà ngành công nghệ vốn đã quen được chính phủ nương tay.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, chủ tịch tiểu ban tội phạm của Thượng viện, nói vào đầu buổi điều trần hôm thứ Ba rằng ông tập trung vào việc tìm ra những giải pháp liên quan đến việc can thiệp bầu cử, chứ không phải bêu xấu các công ty công nghệ.

"Mục đích của buổi điều trần này là tìm hiểu xem chúng tôi có thể giúp quý vị ra sao," ông Graham nói với các luật sư.

Nhân vật Đảng Dân chủ hàng đầu của tiểu ban, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, cho biết ông cũng đang tìm cách làm việc với các công ty công nghệ. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các nền tảng quảng cáo trực tuyến như Facebook nên tiết lộ ai mua các quảng cáo bầu cử trên đó.

Trong hai năm qua, tới 126 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những nội dung gây chia rẽ về chính trị bắt nguồn từ Nga dưới những cái tên giả, Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, nói với Quốc hội trong lời khai chứng bằng văn bản hôm thứ Hai.

Google và Twitter cũng đã nói rằng người Nga đã sử dụng các dịch vụ của họ để lan truyền các thông điệp trong thời gian trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái.

Chính phủ Nga phủ nhận họ có ý định gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử, trong đó ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Ba công ty công nghệ nói với các nhà lập pháp Mỹ hôm thứ Ba rằng họ đồng tình với đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Nga đã sử dụng mạng truyền thông xã hội như một phần trong chiến dịch phát tán thông tin sai lạc nhắm vào cử tri Mỹ.

Luật sư Colin Stretch của Facebook nói trong lời khai chứng rằng hoạt động can thiệp bầu cử trên Facebook là "đáng lên án" và đi ngược lại những giá trị của mạng này.

Ông Graham hỏi ông Stretch liệu Iran và Triều Tiên có thể làm điều mà Nga đã làm ở Mỹ hay không.

"Chắc chắn là có khả năng. Internet không có biên giới," ông Stretch nói.

Sau những đe dọa thắt chặt quản lý từ Mỹ, Facebook, Google và Twitter gần đây đã thực hiện các bước hướng tới việc tự quản lý những quảng cáo chính trị, nói rằng họ sẽ lập ra các kho dữ liệu công khai của mình về các quảng cáo có liên quan đến bầu cử.

VOA Express

XS
SM
MD
LG