Đường dẫn truy cập

Các nhà tranh đấu VN: TT Trump thấy kinh tế, quên nhân quyền


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội, ngày 12/11/2017.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội, ngày 12/11/2017.

Các nhà tranh đấu rất thất vọng vì Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không đề cập đến vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam tuần vừa rồi. Có ý kiến cho rằng việc phớt lờ vấn đề nhân quyền sẽ làm mờ nhạt vai trò của nước Mỹ, nhưng có ý kiến nói trong dài hạn chính phủ Mỹ vẫn xem trọng các giá trị nhân quyền.

Từ Khánh Hòa, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nói ông rất thất vọng về ông Trump:

“Kỳ này ông Trump đã làm tôi và một số anh em tranh đấu cho quyền tự do dân chủ tại Việt Nam rất thất vọng vì ông đây mà không hề nói năng gì đến nhân quyền.”

Kỳ này ông Trump đã làm tôi và một số anh em tranh đấu cho quyền tự do dân chủ tại Việt Nam rất thất vọng.
Nhà báo Võ Văn Tạo

Những tiếng nói chỉ trích đang hướng về Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo ông ‘bỏ rơi’ các tiêu chí của Mỹ về nhân quyền và tự do báo chí trong chuyến công du Châu Á vừa kết thúc, trong đó có thăm Hà Nội.

Nhà tranh đấu Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội nhận định:

“Ông Trump chỉ có vì quyền lợi nước Mỹ thôi thì vai trò của nước Mỹ sẽ mờ nhạt. Nếu chỉ quan tâm đến nước Mỹ giàu có thì có thể giúp Mỹ tăng trưởng về kinh tế, nhưng mà không quan tâm đến những vấn đề khác của quốc tế, đặc biệt là nhân quyền sẽ làm mờ nhạt đi vai trò của nước Mỹ.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) tố cáo ông Trump đã bỏ qua các trường hợp vi phạm nhân quyền và quyền tự do báo chí của một số chế độ độc tài khét tiếng ở Châu Á.

Thượng nghị sĩ John MacCain hôm cuối tuần cũng giải bày sự thất vọng của ông trên Twitter: “Tổng thống Donald Trump đã không hề đề cập đến nhân quyền trong chuyến thăm của ông tại Việt Nam, và đó là một điều đáng buồn.”

Nếu chỉ quan tâm đến nước Mỹ giàu có thì có thể giúp Mỹ tăng trưởng về kinh tế, nhưng mà không quan tâm đến những vấn đề khác của quốc tế, đặc biệt là nhân quyền sẽ làm mờ nhạt đi vai trò của nước Mỹ.
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy

Vào đầu tháng, trước khi ông Trump bay đến Việt Nam, một nhóm gồm 20 dân biểu Liên bang thuộc cả hai đảng chính trị Hoa Kỳ đã viết thỉnh nguyện thư và kêu gọi ông Trump hãy nêu vấn đề nhân quyền với Cộng Sản Việt Nam khi ông đến Hà Nội.

Tác giả Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng ở bang Texas nói:

“Trong chuyến đi này Tổng thống Donald Trump đã có thể đặt vấn đề nhân quyền với chính quyền Việt Nam khi đến thăm Hà Nội, đó là mong đợi của tôi, cũng như của rất nhiều người Việt Nam trong nước, cũng như ngoài nước. Thế nhưng mà Tổng thống Trump đã đặt nặng vấn đề kinh tế hơn là vấn đề nhân quyền và không dùng vấn đề nhân quyền làm áp lực cho các mục tiêu kinh tế, nhưng mong đợi đó không đạt được trong chuyến đi này.”

Trên chuyên cơ Air Force One khi bay đến Hà Nội chiều ngày 11/11, ông Trump trả lời các phóng viên tháp tùng theo tổng thống rằng tuy nhân quyền là một vấn đề cần được thảo luận, nhưng ông muốn chú trọng đến "nhiều vấn đề khác."

Khi được hỏi rằng ông có cảm thấy cần phải nêu vấn đề nhân quyền với cộng sản Hà Nội hay không, Tổng Thống Trump nói, "Tôi cảm thấy cần. Nhưng tôi cũng sẽ nêu nhiều vấn đề khác.”

Từ California, bà Đỗ Thị Thuấn, Tổng Thư ký Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức vừa quyết định trao giải nhân quyền năm 2017 cho các nhà tranh đấu đang bị giam cầm trong nước như Blogger Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Mục sư Y Tích, và Hội Anh em Dân chủ, nhận định:

“Tôi nghi vấn đề Tổng thống không nêu nhân quyền là vấn đề giới hạn một thời gian nào đó thôi, còn vấn đề tranh đấu cho nhân quyền của chúng ta là dài hạn. Cho dù Tổng thống có làm đi nữa thì cũng có ảnh hưởng trong giới hạn thời gian. Chuyện tranh đấu cho nhân quyền của Việt Nam thì lúc nào cũng phải có, cho đến khi nhân quyền không còn bị vi phạm nữa tại Việt Nam.”

Các bloggers và các nhà tranh đấu Việt Nam bị giam cầm.
Các bloggers và các nhà tranh đấu Việt Nam bị giam cầm.

Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam phải do người Việt Nam quyết định:

“Vấn đề nhân quyền và dân chủ trong nước, chúng ta không nên hy vọng các nước khác như Mỹ để lên tiếng giùm chúng ta. Đây là vấn đề của Việt Nam và Việt Nam phải tự giải quyết. Trong chuyện này, nếu có sự ủng hộ quốc tế thì đáng quý thôi. Nhưng nếu người Việt Nam không tự chủ động đoàn kết lại với nhau về quyền làm chủ của mình, dù quốc tế lên tiếng cỡ nào cũng sẽ rất là hạn chế.”

Trước đây trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Trần Viết Hùng, Đồng Chủ tịch Hội đồng Liên kết Quốc nội và Hải ngoại Việt Nam kỳ vọng rằng các giá trị tự do của người Mỹ luôn được tôn trọng dù dưới thời tổng thống nào:

“Hoa Kỳ luôn luôn đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu, và Hoa Kỳ là một quốc gia luôn luôn cổ vũ cho nền tự do dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền.”

Ông Trump không nhắc đến nhân quyền trong bài phát biểu chính thức của mình tại APEC Đà Nẵng hay tại các cuộc gặp chính thức với lãnh đạo Hà Nội, dù trong tuyên bố chung giữa hai nước có dành một dòng nói về điều này: “Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.”

Thay vào đó, ông Trump đã ca ngợi những thành tựu ở Việt Nam là “phép lạ tuyệt vời”. Ông Trump còn mô tả đất nước Việt Nam rất "kỳ diệu" và khen các lãnh tụ cộng sản đã giúp cho đất nước này được như vậy.

Trong quốc yến chiêu đãi Tổng Thống Mỹ và phái đoàn Hoa Kỳ, ông Trump khen Việt Nam là "một trong những điều kỳ diệu trên thế giới, một đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh."

Giới tranh đấu thất vọng về Tổng thống Trump
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:45 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG