Đường dẫn truy cập

Các nhóm nhân quyền kêu gọi Việt Nam phóng thích bốn nhà hoạt động vừa bị tuyên án


Các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung ra tòa từ ngày 14-16 tháng 12 2021, với mức án tổng cộng 35 năm tù. Photo chụp từ màn hình VTV, ANTV.
Các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung ra tòa từ ngày 14-16 tháng 12 2021, với mức án tổng cộng 35 năm tù. Photo chụp từ màn hình VTV, ANTV.

Hôm 16/12, các nhóm nhân quyền tại Hoa Kỳ đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Nam Trung vừa bị tuyên án tổng cộng 35 năm tù trong ba ngày liên tiếp.

Hai tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền cho rằng bốn nhà hoạt động này “hoàn toàn vô tội, họ chỉ thực hành những quyền căn bản được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế mà Việt Nam đã ký và cam kết tôn trọng.”

Từ California, ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói với VOA:

“Sau các vụ xử ba ngày liên tục ba vụ án lớn, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền cùng ra một bản lên tiếng chung để lên án việc xử án một cách bất công đối với những người tranh đấu ôn hòa như chị Phạm Đoan Trang, anh Trịnh Bá Phương, chị Nguyễn Thị Tâm và anh Đỗ Nam Trung.

“Họ tranh đấu một cách rất ôn hòa và đòi hỏi chính đáng. Họ bị kết án một cách bất công và bản án rất nặng. Rõ ràng hệ thống tư pháp của chính quyền Việt Nam là một công cụ để đàn áp những tiếng nói bất đồng mà thôi”.

“Chúng tôi yêu cầu phải thả ngay lập tức và vô điều kiện những người này cũng như những tù nhân lương tâm ở các trại tù,” ông Nguyễn Bá Tùng cho biết thêm.

Hai tổ chức này nhận định rằng việc xét xử diễn ra “vội vàng, không tuân thủ các thủ tục tố tụng hình sự của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế về một phiên toà công minh.”

Bản lên tiếng của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền hôm 16/12/2021. Photo VNHRN
Bản lên tiếng của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền hôm 16/12/2021. Photo VNHRN

Ngoài ra, các nhóm nhân quyền “khẩn thiết” kêu gọi các chính phủ có quan hệ ngoại giao và thương mại với Việt Nam “dùng các biện pháp chế tài mạnh mẽ nhất đối với chế độ độc tài toàn trị Việt Nam vì những vi phạm quyền con người một cách thô bạo qua các phiên tòa nêu trên để buộc Hà Nội nghiêm chỉnh thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền,” theo bản lên tiếng.

Ký giả độc lập, blogger Phạm Đoan Trang hôm 14/12 bị kết án 9 năm tù tại Tòa án Nhân dân Hà Nội với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá nhà nước”. Với cáo buộc tương tự, vào ngày 15/12, nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm lần lượt bị kết án 10 năm và 6 năm tù; và vào ngày 16/12, nhà bảo vệ nhân quyền Đỗ Nam Trung bị kết án 10 năm tù.

Hôm 16/12, Liên minh Châu Âu (EU) ra tuyên bố yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động này, cho rằng “việc bắt giữ tùy tiện những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo là một điều trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế”.

Hai nhà hoạt động quyền đất đai bị Việt Nam tuyên án 16 năm tù| Truyền hình VOA 16/12/21
please wait

No media source currently available

0:00 0:30:00 0:00

Trước đó, tổ chức Ân xá Quốc tế và Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích những nhà hoạt động này.

Riêng trường hợp của Phạm Đoan Trang, chính phủ các nước như Hoa Kỳ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Cộng hòa Czech, Australia, New Zealand... và nhiều tổ chức như Phóng viên Không biên giới (RSF), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Hội các nhà xuất bản Quốc tế (IPA), Văn bút Quốc tế (PEN International)... đã lên tiếng phản đối bản án 9 năm tù và kêu gọi trả tự do cho bà.

Theo The 88 Project, một tổ chức nhân quyền khác tại Hoa Kỳ, tính đến tháng 12/2021, đã có 30 trường hợp nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền Việt Nam bị bắt và bỏ tù trong vòng một năm chỉ vì họ bày tỏ chính kiến bất đồng một cách ôn hòa. Theo hồ sơ của tổ chức này, kể từ năm 2019 đến nay, đã có tổng cộng 111 vụ bắt giữ các nhà hoạt động và 227 trường hợp ngược đãi khác tại Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam luôn phủ nhận “cái gọi là tù nhân lương tâm” hay việc bắt bớ "những người hoạt động vì nhân quyền" và rằng chính quyền chỉ giam giữ, kết án những người “vi phạm pháp luật.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG