Một bản phúc trình mới kêu gọi các nước nghèo nhất thế giới chuyển từ các sinh hoạt mang tính sản xuất từ thấp lên cao để cải thiện kinh tế. Trong bản phúc trình thường niên về các nước kém phát triển nhất, Hội nghị về Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc, còn gọi tắt là UNCTAD, nói các nước này phải chuyển cơ chế các nền kinh tế của mình để tự giải phóng khỏi cái “bẫy nghèo khó” đang làm thui chột tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Trong số 48 nước mà Liên Hiệp coi là “Ít Phát triển Nhất,” còn nói tắt là LDC, chỉ có một quốc gia là Lào, đang đi đúng hướng đạt được tất cả bảy trong số các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước năm 2015. Và chỉ có bốn nước Phi châu – là Ethiopia, Malawi, Rwanda và Uganda – có phần chắc sẽ đạt được đa số các tiêu chuẩn này.
Ông Taffere Tesfachew, một giới chức của UNCTAD làm việc với châu Phi, nói để thoát ra khỏi tình trạng này thì các nước ít phát triển nhất này sẽ phải cần đến một phép lạ.
Để các nước ít phát triển nhất này đạt được thành tích nhiệm mầu này, ông cho rằng họ cần phải thay đổi các nền kinh tế của mình về mặt cơ chế.
Ông nói với đài VOA rằng điều này có nghĩa là chuyển lao động từ các sinh hoạt mang tính sản xuất thấp, như nông nghiệp quy mô nhỏ và dịch vụ, qua những sinh hoạt năng động hơn mang tính sản xuất cao hơn, như chế tạo và dịch vụ có giá trị cao:
“Các nước đã đi lên là những nước đang tạo ra những cơ hội cho những người rởi khỏi nông nghiệp để tham gia vào những thứ mà họ có thể tăng thêm giá trị, mà họ có thể được huấn luyện, và sự kiện là ngành sản xuất có xu hướng mang đặc tính như thế, đó là lý do vì sao có lời kêu gọi sản xuất này… Những nước đang dùng các chính sách chuyển đổi và tạo ảnh hưởng đưa vốn và lao động vào khu vực sinh hoạt này có xu hướng đạt được thành tích tốt hơn.”
Ông Tesfachew nói các khu vực mang tính sản xuất cao có xu hướng trả lương cao hơn và tạo ra nhu cầu về hàng hoá. Điều này, theo ông, khuyến khích đầu tư.
Bề ngoài, dường như các nước ít phát triển nhất có thành tích không đến nỗi tệ. Các số liệu kinh tế của UNCTAD cho thấy mức tăng trưởng của các nước nghèo này từ năm 2002 đến năm 2008 vượt quá chỉ tiêu 7 phần trăm mà cộng đồng quốc tế đã ấn định. Và, ngay cả sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, UNCTAD nhận thấy các nước này tăng trưởng còn nhanh hơn các nước đang phát triển, ở mức trung bình là 5,7 phần trăm hàng năm.
Nhưng, các kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc nói triển vọng của các nước ít phát triển nhất trong ngắn hạn và trung hạn vẫn còn bất định. Họ cho rằng gia tăng sức sản xuất của dân chúng là cách tốt nhất để phá vỡ mô hình thiếu phát triển về con người và kinh tế tiếp tục khiến các nước này bị kẹt trong cái bẫy nghèo khó.