Tập đoàn quân nhân cầm quyền ở Thái Lan cho biết đã đạt được thỏa thuận với lân bang Miến Điện để trục xuất 130,000 người tỵ nạn, những người đã vượt biên sang Thái Lan trong những thập niên qua để tránh bạo động và chiến tranh. Các tổ chức nhân quyền và các nhà tranh đấu nói rằng chỉ nên đưa người tỵ nạn về nước khi nào an ninh được cải thiện và kinh tế Myanmar được vững mạnh hơn.
Người đứng đầu chính quyền quân nhân Thái Lan, Đại tướng Prayuth Chan-ocha, cho biết một nỗ lực chung sẽ được thực hiện để hồi hương hơn 100,000 người tỵ nạn đang sinh sống ở các trại dọc theo biên giới giáp với Myanmar, trong đó có những người đã ở được 30 năm.
Ông Prayuth, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, nói rằng Thái Lan và Myanmar sẽ tạo điều kiện để người tỵ nạn được hồi cư an toàn theo đúng các tiêu chuẩn nhân quyền.
Những người tỵ nạn, phần lớn là người sắc tộc Karen ở Myanmar cùng với người Shan và những người khác, đã chạy trốn những vụ giao tranh trong quá khứ giữa lúc các nhóm sắc tộc thiểu số chiến đấu chống lại chính phủ trung ương để đòi được tự trị nhiều hơn. Hầu hết các nhóm này đã đạt được hòa ước hoặc ngưng bắn với chính phủ. Nhưng không phải mọi người đều cảm thấy an toàn để trở về quê hương.
Các tổ chức nhân quyền bày tỏ quan tâm về sự an toàn của người tỵ nạn và về việc họ quay về những nơi mà đất đai của họ đã bị tịch thu hoặc có nhiều mìn bẫy.
Ông Bo Kyi, một nhân vật tranh đấu cho tù nhân chính trị Myanmar, nói rằng tình hình an ninh tại các khu vực biên giới không được tốt.
Ông Bo Kyi cho biết: “Đưa người tỵ nạn trở về Miến Điện thật là nguy hiểm đối với hầu hết những người tị nạn, bởi vì Miến Điện chưa có hòa bình và chúng tôi không biết có xảy ra thêm một vụ xung đột nữa ở tiểu bang Karen hay không. Miến Điện chưa sẵn sàng cho việc tạo ra công ăn việc làm cho người tị nạn hồi hương. Ngoài ra, còn có vấn đề đất đai bị tịch thu. Và vấn đề bom mìn vẫn chưa chấm dứt. Vì vậy, tôi lo lắng rất nhiều.”
Chính phủ dân sự Thái Lan trước đây đã nêu vấn đề hồi hương người tỵ nạn. Nhưng chương trình đó chỉ có được những tiến bộ không đáng kể trong lúc đối mặt với những sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của tổ chức nhân quyền có tên Mạng lưới ASEAN Thay thế, nói rằng quân đội Thái Lan đã cho thấy ý định giải quyết vấn đề người tỵ nạn từ khi họ lên nắm quyền hồi tháng 5.
Bà Debbie nói: “Tôi nghĩ rằng hiện đang có một sự sợ hãi rất lớn là điều này sẽ xảy ra, đặc biệt là vì Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế đang làm việc về vấn đề này. Nhưng tình hình vẫn còn cực kỳ mong manh và nguy hiểm. Trên thực tế, chúng tôi còn thấy có nhiều người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Và nếu các bạn là người tỵ nạn mà là người theo đạo Hồi thì tình hình của quý vị sẽ còn khốn đốn hơn nữa.”
Kể từ khi bạo động bùng ra cách nay hai năm tại những vùng của người sắc tộc Rohingya ở Myanmar, căng thẳng giữa hai khối người theo đạo Phật và theo đạo Hồi đã gia tăng.
Bà Stothard nói rằng những người tỵ nạn cũng sợ bị đàn áp bởi quân đội Myanmar, là những người vẫn vi phạm nhân quyền mà không sợ bị trừng trị - một lý do chính đã khiến cho nhiều người Myanmar phải bỏ nước ra đi trong quá khứ.
Những người theo dõi tình hình của người tị nạn, như bà Blooming Night Zan của Ủy ban Tỵ nạn Karen, nói rằng nhiều người cảm thấy bất an vì kế hoạch hồi hương không có đủ chi tiết. Nhưng bà bày tỏ hy vọng là việc hồi hương sẽ đưọc thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Zan nhận định rằng: “Chúng tôi không biết các chi tiết của kế hoạch. Đây là vấn đề làm chúng tôi quan tâm. Nhưng chúng tôi vẫn phải dựa vào sự thông cảm của tình người và họ vẫn tiếp tục giúp đỡ và quan tâm tới người tỵ nạn. Nhưng tôi hiểu là sẽ có một ngày là ngày thích hợp để người tỵ nạn có thể trở về nhà cũ của mình.”
Các tổ chức nhân quyền yêu cầu cơ quan tỵ nạn Liên hiệp quốc theo dõi sát chương trình hồi hương. Họ nói rằng việc hồi hương vào lúc này là quá sớm, đặc biệt là trong lúc Myanmar đối mặt với sự cắt giảm viện trợ và đang cần thực hiện thêm những cải cách chính trị.