Trong tuần này, các tổ chức nhân quyền ở Campuchia kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra những cáo buộc vi phạm nhân quyền nhắm vào dân làng sống ở các địa điểm định thực hiện hai dự án đập thuỷ điện lớn. Họ cũng muốn chính phủ Campuchia hủy bỏ dự án hai đập nước gây nhiều tranh cãi này với lý do là các con đập sẽ gây nhiều thiệt hại. Sự kiện này diễn ra trước chuyến thăm của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền. Từ Phnom Penh, thông tín viên VOA Robert Carmichael gửi về bài tường thuật.
Các tổ chức nhân quyền nói hai đập nước, một ở đông bắc Campuchia, một ở miền tây nam, sẽ gây thiệt hại nặng nề đến môi trường cũng như sinh hoạt và nguồn sống của dân chúng.
Họ muốn Liên Hiệp Quốc điều tra về thiệt hại đối với con người của các dự án, theo bà Ame Trandem, giám đốc chương trình trong khu vực của tổ chức Các Dòng sông Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận. Bà nói với đài VOA qua Skype: “Chúng tôi nghĩ đây là hai đập nước gây thiệt hại nặng nề cho các cộng đồng địa phương và cả toàn vùng, và cần phải huỷ bỏ.”
Đập nước lớn hơn và gây nhiều lo ngại hơn là đập Hạ Se San số 2, với kinh phí 800 triệu đôla. Đập đang được xây trên con sông Se San, là một nhánh chính của sông Mekong, gần biên giới giáp với Lào.
Chính con sông Mekong chảy xuyên qua Campuchia trước khi đổ ra biển ở miền nam Việt Nam, và khoảng 65 triệu người ở 4 quốc gia chia phần hạ lưu sông. Các nhà bảo vệ môi trường nói đập Hạ Se San số 2 sẽ gây tai hại cho trữ lượng cá nước ngọt trong vùng; một cuộc khảo cứu chuyên môn ước tính hậu quả là lượng cá đánh được trong vùng sẽ sụt gần 10%, tức khoảng 200 ngàn tấn mỗi năm.
Tác động về dinh dưỡng sẽ rất đáng kể bởi vì người dân Campuchia dựa vào cá nước ngọt để có được 2 phần 3 nguồn protein.
Đập Hạ Se San số 2, mà bà Trandem nói là một trong những đập nước tệ hại nhất trong vùng, cũng sẽ buộc hàng ngàn dân phải di dời, và sẽ chận tới 8 phần trăm lượng phù sa đổ vào sông Mekong.
Bà Trandem cho biết: “Và phù sa hết sức quan trọng đối với sản lượng nông nghiệp, mà còn quan trọng đối với sự ổn định của các con kênh dọc bờ sông. Như vậy đây là một mối đe doạ lớn cả cho Việt Nam và toàn vùng châu thổ sông Mekong. Đây là một khu vực phức tạp với rất nhiều kênh và cũng là nguồn chính cung cấp lương thực; nó là bát cơm cho toàn vùng đông nam Á, và sẽ bị đe doạ bởi đập nước Hạ Se San số 2.”
Đập thứ nhì là đập Stung Cheay Areng ở tỉnh Koh Kong miền tây nam Campuchia. Nếu tiến hành việc xây đập, 1.400 dân bản thổ sống trong thung lũng sẽ buộc phải dời cư. Các tổ chức nhân quyền nói nó còn gây tại hại nghiêm trọng cho môi trường ở khu vực này.
Lập trường của chính phủ là đất nước cần phải sản xuất thêm nhiều điện năng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, và việc xây những đập nước, chủ yếu do các công ty quốc doanh Trung Quốc phụ trách, và được sự tài trợ của Bắc Kinh là một giải pháp hợp lý.
Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng các đập nước cung cấp một lợi nhuận ròng, bất chấp các thiệt hại về xã hội và môi trường.
Ông Sao Sopheap, chánh văn phòng tại Bộ Môi trường, nói theo sự hiểu biết của ông thì không có kế hoạch huỷ bỏ đập Hạ Se San số 2 có công suất 400 megawatt. Ông nói thêm rằng còn về đập Stung Cheay Areng, thì cuộc khảo cứu thẩm định về tác động xã hội còn đang tiến hành; một quyết định về việc liệu có xúc tiến hay không sẽ được đưa ra sau này.
Ông Sopheap nói: “Chưa có quyết định chính thức bác bỏ ý định. Điều ta có ngay lúc này là cứ để cho công ty tiến hành cuộc khảo cứu đánh giá về môi trường và tác động xã hội – hoàn thành việc đó trước đã – để chính phủ có khái niệm rõ hơn về việc liệu có xúc tiến hay bãi bỏ.”
Ông Tek Vannara, giám đốc điều hành Diễn đàn NGO về Campuchia, một tổ chức giám sát các tổ chức phi lợi nhuận, nói rằng bài học rút ra được từ các vụ tranh chấp này là chính phủ và các công ty can dự vào những dự án như thế phải bắt đầu lắng nghe tiếng nói của người dân bình thường.
Ông Vannara cho biết: “Tiến trình tham gia rất hạn chế về mặt tham gia vào các dự án phát triển quy mô lớn như các đập thuỷ điện, các vụ nhượng đất đai kinh tế và mỏ. Và bởi lẽ thông tin cũng còn hạn chế, nhất là nguồn thông tin từ cấp nhà nước xuống tới cộng đồng. Đây là nguyên do cội rễ cho sự hiểu lầm giữa chính phủ, cộng đồng và các nhà khai thác ở Campuchia.”
Hôm thứ Hai, các tổ chức phi lợi nhuận có liên quan đã gửi một bản phúc trình 40 trang cho ông Surya Subedi, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, liệt kê những vụ vi phạm mà họ nói là dân chúng địa phương ở gần khu vực hai đập nước này phải gánh chịu. Họ muốn Liên Hiệp Quốc điều tra và tìm ra các phương án đền bù cho những người bị ảnh hưởng.
Ông Surya Subedi, dự định đến thăm Campuchia trong 9 ngày bắt đầu từ ngày 17 tháng này, cho biết trong một email rằng ông không thể bình luận về bản báo cáo cho đến khi ông kiểm chứng nội dung và nghe quan điểm của chính phủ Campuchia. Ông cho biết sẽ cứu xét các vấn đề nêu ra trong chuyến thăm của ông.