Tuy bị loại khỏi danh sách 1.146 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 14 vừa được thông qua hôm 15/4, các ứng viên đi tiên phong trong phong trào ‘tự ứng cử’ cho rằng họ đã thành công trong việc thúc đẩy quá trình học tập và thực thi dân chủ.
Sau vòng hiệp thương thứ 3 do Ủy ban Mặt trận tổ chức hôm 15/4, đa số các ứng viên tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội Việt Nam cho khóa tới đều bị loại. Nhưng đây là kết quả không ngoài dự đoán của hầu hết cả ứng cử viên độc lập.
Kỹ sư Hoàng Cường, một ứng viên độc lập ở Hà Nội, với đường lối tranh cử tập trung vào mảng “Nông nghiệp – Nông thôn”, thậm chí dự đoán kết quả tranh cử của mình là “số âm”, nghĩa là không những không trúng cử, mà còn có thể phải gánh chịu “hậu quả” trong tương lai.
Kỹ sư Hoàng Cường cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA khi mới bắt đầu tranh cử:
“Khả năng thành công thì tôi nghĩ là còn ở một con số âm. Tôi không bi quan, vì thực tế xã hội ở trong nước hiện thời là như thế. Tôi cũng là một nhà phân tích, tôi là người đi nhiều và cũng là người hiểu biết về xã hội, cố để hiểu biết, thì tôi thấy là tỉ lệ thành công ở một con số âm. Nhưng mà việc của một con người thì phải làm thôi, mình sẽ sống đúng chữ ‘con người’ của mình.
Khả năng thành công thì tôi nghĩ là còn ở một con số âm. Tôi không bi quan, vì thực tế xã hội ở trong nước hiện thời là như thế...Nhưng mà việc của một con người thì phải làm thôi, mình sẽ sống đúng chữ ‘con người’ của mình.Kỹ sư Hoàng Cường, một ứng viên độc lập ở Hà Nội, nói.
Thế nhưng cũng phải nói rõ rằng là thời điểm của xã hội Việt Nam bây giờ chúng ta phải làm như thế thôi, chứ không thể nào cứ u mê tăm tối mãi được, không thể nào cứ vỗ tay mãi được, rồi chúng ta cũng phải làm những hành động của mình. Cũng giống như Hồng Kông năm rồi, cậu bé Hoàng Tứ Phong nói rằng mỗi một trận chiến, chúng ta phải xác định như là trận chiến cuối cùng, chứ không thể nào đợi ai được.”
Có thể thấy, năm nay là năm đầu tiên quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội tại Việt Nam được cập nhật tin tức khá chi tiết, đầy đủ và nhanh chóng trên mạng xã hội thông qua quá trình tranh cử của các ứng cử viên độc lập. Trang Fanpage trên Facebook có tên “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” với các thông tin về pháp lý, các video giới thiệu về các ứng viên độc lập, những tường trình trực tiếp các phiên họp hội nghị cử tri… đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem.
Tính đến ngày 18/4, trang mạng này đã có hơn 13.000 người “like”.
Tất cả mục tiêu chúng tôi đã đặt ra ban đầu thì đều đạt được những mục tiêu ấy cả. Những mục tiêu ấy có thể tóm gọn trong một vài câu là tiếp tục thúc đẩy quá trình học tập về dân chủ. Một bước trong quá trình rất dài và khó khăn đó. Đấy là mục tiêu chính.Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những người đi tiên phong trong phong trào tự ứng cử, nói.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những người đi tiên phong trong phong trào tự ứng cử, cho rằng việc làm của ông và các ứng viên độc lập khác đã gặt hái thành công về mục tiêu “học tập dân chủ”, mặc dù xét về kết quả tranh cử, ông cũng đã bị loại khi tại hội nghị cử tri ở khu vực ông, chỉ có 75/183 số cử tri được mời đi tham dự và ông chỉ đạt 6/75 số phiếu ủng hộ đề cử.
“Tất cả mục tiêu chúng tôi đã đặt ra ban đầu thì đều đạt được những mục tiêu ấy cả. Những mục tiêu ấy có thể tóm gọn trong một vài câu là tiếp tục thúc đẩy quá trình học tập về dân chủ. Một bước trong quá trình rất dài và khó khăn đó. Đấy là mục tiêu chính. Việc bầu cử và ứng cử tạo ra cho chúng tôi một cơ hội để tiếp tục một bước như vậy trong quá trình học tập.”
Luật sư Lê Văn Luân, một ứng cử viên độc lập khác cũng đã bị loại, nói anh thành công trong 2 mục tiêu liên quan đến lĩnh vực pháp lý.
“Làm cho người dân giải tỏa được rất nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý về quyền ứng cử, bầu cử của mình thông qua việc này. Đấy là điều mà tôi cảm thấy thành công nhất. Điều thứ hai là việc mình tham gia như thế ghi nhận tình hình thực tiễn pháp lý đã được thực hiện như thế nào.”
Việc các ứng cử viên độc lập gửi đơn khiếu nại hay phản ánh những trở ngại hay vi phạm pháp lý trong quá trình họ tham gia tranh cử cũng khiến một số giới hữu trách Việt Nam phải lên tiếng phản hồi. Hôm 12/4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời trước báo giới về khiếu nại của TS. Nguyễn Quang A liên quan đến thông tin nói có tổ chức phản động đứng sau những người tự ứng cử. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc thì “đây là ý kiến cá nhân chứ không phải ý kiến của tiểu ban an ninh quốc phòng”.
Làm cho người dân giải tỏa được rất nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý về quyền ứng cử, bầu cử của mình thông qua việc này. Đấy là điều mà tôi cảm thấy thành công nhất. Điều thứ hai là việc mình tham gia như thế ghi nhận tình hình thực tiễn pháp lý đã được thực hiện như thế nàoLuật sư Lê Văn Luân, một ứng cử viên độc lập khác, nhận xét.
Qua việc trải nghiệm những hội nghị cử tri mà nhiều người gọi là “màn đấu tố”, các ứng cử viên tự do hy vọng việc làm của họ sẽ thúc đẩy nhiều người mạnh dạn hơn trong việc tự ứng cử, thực thi quyền ứng cử và bầu cử của mình trong các kỳ bầu cử tương lai.
Kỹ sư Hoàng Cường chia sẻ: “Chúng ta không nên ỷ lại. Chúng ta không nên nghĩ rằng Hoàng Sa – Trường Sa chúng ta không đòi được thì nghìn năm nữa con cháu chúng ta đòi được. Chúng ta không nên nghĩ thế. Đương nhiên, chúng ta có lý luận thì cũng phải có hành động. Hành động của chúng ta bây giờ là cần phải làm những việc như thế. Tuy rằng chúng tôi năm nay chỉ có 5, 10 người, hàng đơn vị hoặc đến hàng chục thôi, nhưng 5 năm nữa có thể đến hàng trăm hoặc hàng nghìn. Tôi hy vọng một xã hội tiến lên, để những người sau nhìn thấy chúng tôi làm như thế và không bị sao cả thì người Việt mình sẽ bớt sự sợ hãi đi. Cũng như khi tôi ra đường, tôi luôn nói với những người tham gia giao thông rằng ‘Bạn sai thì bạn phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu bạn đúng, bạn sẵn sàng yêu cầu người thực thi luật pháp, người bảo vệ luật pháp phải bảo vệ đúng cho bạn. Chúng tôi cũng thế thôi, tôi nghĩ việc bầu cử cũng thế thôi.”
Dự kiến, sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố danh sách ứng cử viên, các ứng cử viên sẽ bắt đầu vận động bầu cử từ ngày 2/5 đến 21/5 và cử tri sẽ đi bầu chọn ra 500 đại biểu Quốc hội vào ngày 22/5.