Một báo cáo mới cho biết cách biệt giữa những người giàu nhất và nghèo nhất trong một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng tới mức cao nhất trong 30 năm qua.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Paris hôm thứ Ba cho biết 10% những người giàu nhất trong số 34 nước thuộc nhóm này hàng năm kiếm được nhiều gấp chín lần rưỡi so với 10 phần trăm những người nghèo nhất. Tỉ lệ này là 7-1 vào những năm 1980.
OECD, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cho biết sự bất bình đẳng lớn này có "tác động tiêu cực và có ý nghĩa về mặt thống kê" đối với tăng trưởng kinh tế. Báo cáo nói tác động lớn nhất đối với tăng trưởng là "khoảng cách ngày càng lớn giữa thành phần trung lưu bậc thấp và những hộ nghèo so với phần còn lại của xã hội."
Báo cáo cho biết sự bất bình đẳng gia tăng hai thập kỷ qua dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2009 đã giảm 10 điểm phần trăm tăng trưởng ở Mexico và New Zealand, và sáu đến chín điểm phần trăm ở Anh, Ý và Mỹ. Ngược lại, OECD cho biết sự bình đẳng hơn so với trước suy thoái kinh tế đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Tây Ban Nha, Pháp và Ireland.
Báo cáo nói với cách biệt thu nhập đang nới rộng, cơ hội giáo dục cho trẻ em nghèo bị suy yếu, khiến tính cơ động xã hội và việc phát triển kỹ năng của họ bị hạn chế.
OECD cho rằng, để giảm bớt sự bất bình đẳng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới nên chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và tái phân bố của cải thông qua thuế và những hình thức chuyển ngân khác. Tổ chức này cho biết họ nhận thấy tăng trưởng kinh tế không bị tổn hại nếu những chính sách tái phân bố được "hoạch định, nhắm mục tiêu và thực hiện tốt."