Đường dẫn truy cập

Cách mạng Tháng 8-1945 là của ai, do ai và vì ai?


Hình chụp trong lễ nhận lại thanh kiếm và quốc ấn của vua Bảo Đại (trước đây đã trao cho Việt Minh) được tổ chức tại Hà Nội vào khoảng năm 1948-49. Thủ Hiến Bắc Việt, thẩm phán Đinh Xuân Quảng, là người đại diện đứng ra nhận lại ấn và kiếm.
Hình chụp trong lễ nhận lại thanh kiếm và quốc ấn của vua Bảo Đại (trước đây đã trao cho Việt Minh) được tổ chức tại Hà Nội vào khoảng năm 1948-49. Thủ Hiến Bắc Việt, thẩm phán Đinh Xuân Quảng, là người đại diện đứng ra nhận lại ấn và kiếm.

Thiện Ý


Câu trả lời tổng quát cho tiêu đề trên là: Cuộc cách mạng Tháng 8 năm 1945 là của Đảng, do Đảng và vì sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Hệ quả là, đảng CSVN đã gặt hái thành quả bước đầu, còn nhân dân, dân tộc, đất nước Việt Nam thì nhận lãnh hậu quả bi thảm kéo dài nhiều thập niên sau đó.

I - Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là của Đảng, do đảng và vì sự nghiệp của đảng CSVN

1 - Lịch sử Cách mạng Tháng 8 – 1945

Theo Wikipedia.VN, đoạn viết về “Lịch sử Cách mạng Tháng 8-1945” có đoạn (xin trích nguyên văn):

“Cách mạng tháng Tám còn gọi là tổng khởi nghĩa tháng Tám là tên gọi ngành sử học chính thống tại Việt Nam hiện nay dùng để chỉ việc phong trào Việt Minh tiến hành khởi nghĩa chống Đế quốc Nhật Bản, buộc Đế quốc Việt Nam bàn giao chính quyền trung ương và các địa phương và buộc Bảo Đại phải thoái vị trong tháng 8 năm 1945.

Việc chuyển giao quyền lực được Chính phủ Đế quốc Việt Nam thực hiện cơ bản trong hòa bình, ít có đụng độ dù xảy ra tranh chấp với lực lượng Nhật, Đại Việt, Hòa Hảo,... ở một số địa phương. Trừ một số địa phương tỉnh lỵ như Hải Ninh (nay thuộc Quảng Ninh), Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Vĩnh Yên nằm trong tay các đảng phái khác như Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng,... và quân Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc); chỉ trong 10 ngày, cơ sở chính quyền Việt Minh đã được thiết lập trên toàn bộ các tỉnh lỵ trên khắp Việt Nam (muộn nhất 28/8: Đồng Nai Thượng, Hà Tiên), hầu hết địa phương trong cả nước. Một số nơi có khó khăn hơn như Hà Giang, quân Tưởng Giới Thạch bức rút quân Nhật (29/8) và giải phóng luôn tỉnh này, Cao Bằng (giành chính quyền 21/8 nhưng sau đó quân Tưởng tràn vào), Lạng Sơn (giành chính quyền sau đó quân Tưởng Giới Thạch tràn vào, tháng 10 mới thành lập chính quyền cách mạng), Vĩnh Yên (Quốc dân Đảng nắm giữ), Hải Ninh – Móng Cái (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội nắm), một số địa bàn ở Quảng Ninh (do Đại Việt, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội nắm), ở Đà Lạt (quân Nhật còn kháng cự mạnh như ngày 3/10)...

Kết quả của cuộc cách mạng là ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cũng chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại suốt 2.000 năm trong lịch sử Việt Nam. Sau đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức Tổng tuyển cử năm 1946 trên phạm vi cả nước…” (hết trích)

Lịch sử trên dù dựa theo tài liệu đa phần do các sử gia của đảng CSVN viết, song tương đối khách quan. Một khách quan đáng lưu ý là đảng CSVN thừa nhận cuộc “Cách mạng Tháng 8-1945” Việt Minh (CS) đã cướp chính quyền từ vương quyền Bảo Đại, chứ không phải từ Phát-Xít Nhật hay thực dân Pháp.

2 - Nhận định: Cách mạng Tháng 8-1945 là của đảng, do đảng và vì sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của đảng CS tại Việt Nam

Vì cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 do Việt Minh (một tổ chức trá hình của đảng CSVN) mà người đứng đầu là ông Hồ Chí Minh, một đảng viên Cộng Sản đệ tam quốc tế, đã chủ đạo phát động, tiến hành. Mục tiêu trước mắt là để cướp chính quyền từ chế độ vương quyền Việt Nam (với vua Bảo Đại), khởi đầu tiến trình thực hiện sự nghiệp tối hậu của đảng CSVN, là xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mai hậu tại Việt Nam (Giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản). Cuộc cách mạng này tương tự như cuộc cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917 (Cách mạng XHCN Nga), dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ cộng đảng Bolshevik Nga Vladimir LLyich Lenin, đã cướp được chính quyền Nga hoàng Nikolas II, thiết lập Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-Viết (gọi tắt là Liên-Xô).

Đây là nước cộng sản (xã hội chủ nghĩa) đầu tiên trên thế giới. Có khác chăng là Lenin và đảng CS Bolshevik Nga, sau khi cướp được chính quyền một thời gian ngắn, đã thiết lập ngay một chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Trong khi Hồ Chí Minh và đảng CSVN sau khi cướp được chính quyền, mới khởi đầu quá trình thực hiện sự nghiệp xây dựng XHCN. Vì khoảng một năm sau Cách mạng Tháng 8-1945, đảng CSVN dưới mặt nạ Việt Minh đã phải tạm thời thiết lập chế độ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa) theo chủ nghĩa dân chủ tư sản. Sự khác biệt này là do: (1) bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc đó (Vua Bảo Đại mới tiếp nhận chủ quyền độc lập từ Phát-xít Nhật tháng 3-1945, chỉ ít tháng trước khi Nhật trong phe trục đầu hàng phe Đồng minh, kết thúc Thế Chiến II) khác nước Nga (đang là nước Nga quân chủ, độc lập, hòa bình, kinh tế tư bản chủ nghĩa…). (2) Thực lực của đảng CSVN lúc đó còn yếu thế so với các lực lượng quốc gia, dân tộc, dân chủ. (3) Đối với nhân dân trong nước, chủ nghĩa cộng sản còn xa lạ và còn được nhiều người dân Việt Nam loan truyền như là một chủ nghĩa ngoại lai “Tam vô” (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo). (4) Đối với thế giới, chủ nghĩa cộng sản đang bị coi là một hiểm họa chung của nhân loại sau Thế chiến II.

Chính vì vậy, ông Hồ và đảng CSVN đã phải tìm cách che dấu bộ mặt cộng sản bằng tổ chức Việt Minh (Viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh hội); tuyên bố giải tán đảng cộng sản. Đồng thời, ngụy dân tộc với chiêu bài chống ngoại xâm (chống thực dân Pháp, đánh đuổi Phát-xít Nhật) để giành độc lập dân tộc. Chính nhờ chiêu bài ngụy trang này, ông Hồ và đảng CSVN đã huy động được lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Họ đã thành công bước đầu là huy động được sức mạnh quần chúng xuống đường biểu tình ở nhiều nơi, trong nhiều ngày vào tháng 8-1945 và đã cướp được chính quyền nhanh gọn, dễ dàng, ít đổ máu. Mặc dầu lúc đó lực lượng đảng viên cộng sản Việt Nam được biết chỉ khoảng 5000 người. Các lực lượng quốc gia dân tộc dân chủ lãnh đạo kháng chiến chống Pháp về số lượng đông hơn nhiều, nhưng ở thế phân tán.

II - Hệ quả của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945

Thực tế lịch sử cho thấy, cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đảng CSVN đã gặt hái thành quả bước đầu là cướp đượ chính quyền. Trong khi nhân dân, dân tộc và đất nước Việt Nam phải gánh chịu nhiều hậu quả tàn hại kéo dài trong nhiều thập niên sau đó.

1 - Đảng CSVN gặt hái thành quả bước đầu

Đó là đảng CSVN dưới mặt nạ Việt Minh đã cướp được chính quyền từ vương quyền Bảo Đại, mặc dù không thiết lập ngay được chế độ xã hội chủ nghĩa, do điều kiện khách quan cũng như chủ quan chưa thuận lợi.

Như vậy là đảng CSVN dù ở thế yếu so với các chính đảng quốc gia dân tộc dân chủ, nhưng nhờ khéo ngụy trang che dấu bộ mặt cộng sản, đã huy động được lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của nhân dân. Đồng thời, biết lợi dụng thời cơ giao thời, các đảng viên CS có tính tổ chức, tinh thần chiến đấu cao, nên đã thành công trong bước đầu là cướp được chính quyền, tuy chưa thể thực hiện được mục tiêu tối hậu là xây dựng chế độ XHCN. Vì thế đảng CSVN đã bất đắc dĩ phải liên hiệp với các lực lượng quốc gia dân tộc dân chủ, thành lập chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng, hình thành chế độ ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) trên nền tảng Hiến pháp năm 1946, để che mắt thế giới, lừa mị nhân dân. Từ đó, đảng CSVN tiếp tục sử dụng các bộ mặt ngụy tạo này để theo đuổi cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp cuối cùng (1946-1954), cướp được chính quyền nửa nước Miền Bắc, bắt đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Sau đó, đảng CSVN phát động chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam, song vẫn ngụy trang dưới ngọn cờ “kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc”. Sau 21 năm (1954-1975) tiến hành chiến tranh, đảng CSVN đã cướp được chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam (kế thừa chính danh quyền bính quốc gia của vương quyền Bảo Đại), cộng sản hóa cả nước. Đây chính là thành quả sau cùng khởi đi từ cuộc Cách mạng Tháng 8 1945 cướp được chính quyền, do đảng CSVN chủ đạo thực hiện, dưới mặt nạ Việt Minh. Đây cũng là mục tiêu cuối cùng của đảng CSVN đã đạt được, bắt đầu minh danh chế độ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” không cần che dấu, sau ngày “Giải phóng Miền Nam” vào ngày 30-4-1975. Như vậy Cách mạng tháng 8-1945 rõ ràng là của đảng, do đảng và vì sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của đảng CSVN; chứ không phải vì “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” cho dân tộc và nhân dân.Vì “Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa Liên Xô” của đảng CSVN, khác và đối kháng với “Tổ Quốc Việt Nam quốc gia dân tộc chủ nghĩaViệt Nam”. Vì vậy…

2 - Hậu quả Cách mạng Tháng 8-1945, nhân dân, dân tộc và đất nước Việt Nam phải gánh chịu là gì?

Sau đây là một số hậu quả bi thảm khởi đi từ Cách mạng Tháng 8-1945:

(1) - Việt Nam mất cơ hội giành và giữ độc lập rất sớm, so với các nước thuộc địa của các đế quốc như Anh, Pháp… trong vùng cũng như trên thế giới

Vì Cách mạng Tháng 8.1945, Việt Minh (CS) đã cướp chính quyền từ vương quyền Bảo Đại mới được Phát Xít Nhật trao trả độc lập ít ngày, sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9-3-1945. Vua Bảo Đại người thừa kế chính danh chế độ vương quyền Việt Nam, đã tiếp nhận chủ quyền và đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 11-3-1945 (1), ra chiếu chỉ soạn thảo Hiến pháp (2). Đồng thời, một chính quyền quốc gia độc lập đã hình thành ngày 17-4-1945 (Chính phủ Trần Trọng Kim). Chính quyền này đã công bố và thực hiện ngay quốc kế dân sinh được hoạch định. Trước hết vào ngày 4-5-1945, chính phủ Trần Trọng Kim quyết định quốc hiệu mới là Đế Quốc Việt Nam, chứ không dùng các danh xưng An Nam, Đại Nam hay Đại Việt. Kinh đô Huế được đổi thành Thuận Hóa. Ngày 2-6-1945, chính phủ chọn quốc kỳ Việt Nam nền vàng, ba sọc đỏ theo hình quẻ ly. Quốc ca là bài “Đăng đàn cung”…

Thực tế như vậy, Việt nam đã giành và có thể giữ được độc lập rất sớm, từ tháng 3-1945 (có thể là sớm nhất so với một số thuộc địa khác trong vùng) (3); nếu như Việt Minh (CS) không làm cách mạng Tháng 8-1945 cướp chính quyền. Vì tình hình quốc tế lúc đó đã đổi thay. Vào thời khoảng sau khi Thế chiến II kết thúc, chủ nghĩa thực dân cũ bước vào thời kỳ cáo chung, đã buộc các đế quốc cũ như Anh, Pháp, Tây ban nha, Bồ đào nha… sớm muộn phải trao trả độc lập cho các nước thuộc địa. Trong bối cảnh này, Việt Nam nhất định sẽ giữ vững được độc lập, Pháp không thể quay trở lại cướp nước ta một lần nữa.

Thực tế lúc đó, sở dĩ Pháp đã theo chân quân đội Anh vào Việt Nam giải giới quân Nhật để tái lập chế độ thuộc địa, có thể là vì nhu cầu chiến lược toàn cầu mới hình thành sau Thế Chiến II (Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa) nên các cường quốc như Anh, Mỹ và đồng minh tư bản, bất đắc dĩ phải yểm trợ Pháp trở lại, để ngăn chặn sự bành trướng của Việt Minh tại Việt Nam nói riêng và cộng sản quốc tế nói chung.

(2) - Nhân dân Việt Nam bắt đầu cuộc khổ nạn triền miên trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, khởi đi từ sau Cách mạng Tháng 8-1945

- Khổ nạn trong chiến tranh. đó là hai cuộc chiến tranh do Việt Minh phát động, chủ đạo là, 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và 21 năm nội chiến Quốc-Cộng cốt nhục tương tàn (1954-1975). Trong cuộc chiến thứ hai này, hai miền Bắc-Nam đã bị ngoại bang sử dụng như công cụ thực hiện cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa hai phe cộng sản hay XHCN (Đứng đầu là các “tân đế quốc Đỏ Nga-Tàu”) và phe tư bản chủ nghĩa (lãnh đạo là “tân đế quốc Trắng Hoa kỳ”…), hình thành sau Thế Chiến II (1939-1945). Chính trong bối cảnh cuộc chiến tranh này, các công cụ bản xứ Quốc-Cộng đã dùng vũ khí, bom đạn của ngoại bang sát hại nhau, tàn phá tan hoang đất nước, gây hận thù trong lòng dân tộc, để lại hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho dân tộc và đất nước.

- Khổ nạn trong hòa bình, là khổ nạn hậu chiến khi đảng CSVN cưỡng ép nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa, một xã hội không tưởng (lý tưởng cao đẹp, nhưng không thể, không bao giờ thực hiện được). Thực tế 10 năm đầu sau chiến tranh (1975-1985), “Đảng Ta” đã lãnh đạo “nhân dân ta” thực hiện triệt để thử nghiệm mô hình “xã hội chủ nghĩa” thất bại thảm hại; phải “Đổi mới” 10 năm kế tiếp vẫn không cứu vãn được thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn. Sau cùng phải “Mở cửa” xoay trục về phía tư bản chủ nghĩa. Phải chăng, những khổ ải toàn diện cơ cực lầm than, mất hết tự do, đói nghèo cơm áo mà nhân dân cả nước phải gánh chịu trong 20 năm xây dựng XHCN không thành, chính là hậu quả tàn hại khác trong hòa bình, khởi đi từ Cách mạng Tháng 8-1945?

III - Kết luận

Qua dẫn chứng các sự kiện lịch sử và thực tiễn, quả thực Cách mạng Tháng 8- 1945 là cách mạng của đảng, do đảng và vì sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của đảng CSVN. Vì cuộc cách mạng ấy đã là bước khởi đầu dẫn đến các thành quả sau đó của đảng CSVN; là đã lần lượt cướp được chính quyền nửa nước Miền Bắc (1945-1954) và nửa nước Miền Nam sau 30-4-1975, đưa cả nước tiến lên xã hội “xã hội chủ nghĩa”. Nếu đây là thành quả khởi đi từ cách mạng Tháng 8-1945 của “Đảng ta”, thì “nhân dân ta” đã phải gánh chịu một hậu quả bi thảm kéo dài nhiều thập niên sau đó, trong chiến tranh (1945-1975) cũng như trong hòa bình (1975-1995) khi cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của “Đảng ta”. Tiếc rằng, sự nghiệp xây dựng của đảng ta không thành, mà nhân dân ta, dân tộc ta, đất nước ta đã phải trả một giá quá đắt phải không ạ?

Thiện Ý
Houston, ngày 10-8-2021.

Chú thích

(1) Vua Bảo Đại công bố Bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ngày 11-3-1945. nguyên văn như sau:

“Chiếu tình hình thế giới nói chung và tình hình Á Châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay hiệp ước bảo hộ ký với Pháp [năm 1884] được bãi bỏ và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.

Nước Việt Nam cố gắng tự lực, tự cường để xứng đáng là một quốc gia độc lập và sẽ theo đường hướng của bản tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Á, hầu giúp đỡ nhau tài nguyên cho nền thịnh vượng chung.

Vì vậy, chính phủ nước Việt Nam đã đặt tin tưởng vào sự thành tín của nước Nhật, và đã có quyết định cộng tác với nước nầy, hầu đạt mục đích nói trên.

Khâm thử,

Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại. (Theo tài liệu của sử gia Trần Gia Phụng trích: Bảo Đại, sđd. tr. 162.)

(2) Ngày 8-5-1945, nhà vua đưa ra chủ trương xây dựng một hiến pháp theo khẩu hiệu “Dân vi quý” của Mạnh Tử, và ngày 30-6-1945, nhà vua ban hành sắc dụ thành lập Hội đồng soạn thảo hiến pháp. Hội đồng mới bắt đầu làm việc, thì tình hình thay đổi nhanh chóng. Vì thế mọi chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Trần Trọng Kim trong tư thế một quốc gia độc lập, đã công bố và bắt đầu đi vào thực hiện chưa được bao lâu thì bị Việt Minh cộng sản cướp chính quyền vào tháng 8-1945 đưa đến ngày 2-9-1945 như là ngày quốc nạn của quốc dân và dân tộc Việt Nam.

(3) CMT.1945 đã làm mất cơ hội độc lập cho Việt Nam rất sớm (3-1945) sớm hơn nhiều quốc gia thuộc địa khác trong vùng như: Indonesia thuộc địa của đế quốc Anh (1981-1941) bị phát-xít Nhật chiếm đóng (1941-1945) giành độc lập vào tháng 8-1945, thành lập nước Cộng hòa Indonesia; Philippines trước là thuộc địa Tây Ban Nha, năm 1898 giành độc lập, thành lập Cộng hòa Philippines, Thế chiến II bị Nhật chiếm đóng giành lại độc lập dân tộc vào tháng 8-1945; Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh thuộc địa của đế quốc Anh, được trao trả độc lập năm 1947… Việt Nam, nếu không bị Việt Minh cộng sản cướp chính quyền vào tháng 8-1945, thì đã được độc lập và có ngày quốc khánh vào ngày 11-3-1945, khai sinh ra chế độ quân chủ lập hiến, với quốc hiệu “Đế quốc Việt nam”.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG