Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Ông Hiệp ở thành phố Hồ Chí Minh có nêu trường hợp cháu nhỏ 3 tháng tuổi của ông và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:
Trường hợp em bé 3 tháng tuổi tên Anh, bị khó thở, tím tái từ hồi một tháng tuổi, và định bịnh là suy hô hấp, sau đó định bịnh do siêu âm là “kênh nhĩ thất toàn phần”... Bác sĩ định chữa bịnh phổi cho ổn rồi tính tiếp đến bịnh tim.
Đây là một bịnh tim bẩm sinh phức tạp và muốn giải thích để thính giả hiểu đòi hỏi một số kiến thức căn bản về cơ thể học (giải phẫu học).
Bình thường, máu châu thân (peripheral), màu xanh tím vì oxy trong máu đã được các bộ phận xài bớt rồi được đem về tim phải, đi vào một cái túi nhỏ của tim, hình giống như cái tai nên gọi là tâm nhĩ phải (tiếng Pháp oreillette=tai nhỏ, tiếng Anh:right atrium), đi qua một cái van ba lá (tricuspid valve), đi vào ngăn nằm dưới của tim gọi là tâm thất phải (Right Ventricle). Lúc tâm thất bóp lại (thu tâm), máu được bơm vào động mạch phổi (pulmonary artery), đi vào phổi, máu được thêm oxy từ không khí phổi hít vào (làm máu đỏ tươi), CO2 được thải ra, và máu nay đã giàu oxy chạy về tim trái, vào tâm nhĩ trái, đi qua van hai lá (mitral valve), rồi được tâm thất trái (left ventricle) bơm vào động mạch chủ (aorta), ra châu thân để đáp ứng nhu cầu của các bộ phận khác nhau (như óc, bắp cơ, gan, phổi, tim, vân vân), xong rồi được đưa về tim phải.
Bịnh học:
Nói cách khác, phần trên trái tim có tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải nằm kề nhau, tim bên dưới có tâm thất phải và tâm thất trái; phần trái và phải được ngăn cách nhau bằng một cái vách ở giữa tim, hai bên là hai cái van nhĩ thất (nghĩa là nối liền nhĩ với thất, atrio ventricular valves), vì thế máu chảy song song hai bên trái và phải mà không giao lưu với nhau, không trộn với nhau. Cái phần giữa của trái tim đó gọi là kênh nhĩ-thất (atrioventricular canal).
Trong bịnh khuyết tật kênh nhĩ thất toàn phần (complete atrio-ventricular defect), có một cái lỗ lớn nằm giữa trái tim, vách ngăn hai tâm nhĩ và tâm thất không nguyên vẹn, do đó hai dòng máu chảy (máu đen và máu đỏ) đáng lẻ tách rời nhau thì nay trộn lẫn với nhau (từ trái qua phải lúc đầu, left to right shunt). Hậu quả là
• máu đến châu thân không mang đủ oxy, tay chân, môi bé bị tím
• phổi bị ảnh hưởng của áp suất cao từ tâm thất trái, làm nước ứ đọng trong phổi và làm bịnh nhân khó thở, dễ nhiễm trùng phổi.
Thứ hai, hai cái van giữa nhĩ và thất nay bị thay thế bằng chỉ một cái van, mà cái van này lại không hoàn hảo, không có khả năng dẫn luồng máu đi một chiều, mà lại để máu xì (leak) ngược lại lên phía trên mỗi lần trái tim bóp lại cho máu ra ngoài châu thân.
Các hoàn cảnh trên làm cho trái tim kém hiệu quả trong chức năng bơm máu của mình, phải làm việc 2-3 lần mức bình thường, và dần dần phì đại ra, to ra, không đáp ứng được nhu cầu cơ thể, nghĩa là suy tim (heart failure). Trẻ mệt mõi, và chậm lớn.
1. Ngoài ra, trên 50% các trường hợp bịnh này xảy ra ở trẻ em mắc chứng Down (Down syndrome), nghĩa là tế bào bịnh nhân có 3 nhiễm sắc thể (21 trisomy) thay vì chỉ 2 như thường lệ. Trẻ mắc chứng Down có nét mặt khác thường, chậm phát triển, trì trệ tâm trí và dễ mắc một số bịnh tim mạch.
2. Bịnh kênh nhĩ-thất cũng có thể nằm trong hội chứng rượu thai nhi (fetal alcohol syndrome) do người mẹ uống rượu nhiều lúc có bầu.
3. Một thuốc uống trị các chứng mụn trứng cá, retinoic acid, có thể liên hệ đến bịnh tim này ở con cái người uống thuốc.
Chữa trị:
Các biện pháp có tính cách tạm thời:
• dùng thuốc trợ tim digitalis làm cho tim bóp mạnh hơn
• thuốc lợi tiểu (furosemide) giúp cho cơ thể thải nước dư, bị ứ đọng lại do suy tim.
• thuốc làm giãn các mạch máu (ACE inhibitors)
Trị liệu dứt khoát bằng phẫu thuật, thường được thực hiện trong năm đầu. Máy tim-phổi (heart-lung machine) tạm thời làm việc thay thế tim người bịnh, tim được ngừng lại. Bác sĩ dùng một miếng vải sợi nhân tạo (Dacron patch) hoặc lấy từ màng bao tim (pericardium), bít lỗ thông giữa hai tâm nhĩ và tâm thất. Từ từ tế bào mới của bịnh nhân sẽ phủ lại miếng vá đó. Bác sĩ cũng dùng cái van giữa tâm nhĩ và tâm thất cắt nó ra và khâu nó lại thành hai van riêng biệt cho tim phải và tim trái. Ở Mỹ thường bịnh nhân nằm trong săn sóc đặc biệt (ICU) chừng 2-4 ngày, nằm nhà thương thêm 5-7 ngày trước khi xuất viện. Tỷ lệ sống sót chừng 90-97%.
Nếu để quá lâu (sau 12 tháng), các mạch máu ở phổi có thể đã bị hư hại không đão ngược được vì chịu đựng áp huyết quá cao và quá lâu (bình thường áp huyết bên tâm thất phải và trong động mạch phổi thấp hơn áp huyết bên tim trái). Lúc đó thì không giải phẫu vá tim nữa.
Ước mong giải đáp được phần nào các thắc mắc của vị thính giả. Nên nhớ là bịnh tim và bịnh phổi của em gắn liền với nhau, và không thể chờ giải quyết phổi xong mới giải quyết vấn đề tim. Thực tế nhất có lẻ là phụ huynh nên gặp bác sĩ chuyên về tim mạch của con mình, cho bs biết về nguyện vọng và khả năng tài chính của mình và từ đó nhờ bs giúp thu xếp để em được chữa trị nhanh chóng và hợp lý.
Nên nhớ, săn sóc, theo dõi sau khi mổ cũng quan trọng không kém, cần theo đúng hướng dẫn về thuốc men (thuốc trợ tim, lợi tiểu), cũng như vệ sinh răng miệng, uống kháng sinh phòng ngừa trước khi nhổ răng, thủ thuật răng miệng. Về sau, có thể cần phải thay thế van hai lá trong một số trường hợp.
Chúc quí thính giả và em Anh may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.