Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Ông Phong ở Saigon có nêu trường hợp thân mẫu của ông bị bệnh nhiễm toan ketone và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp.
Trả lời ông Phong ở Lâm Đồng, hỏi về mẹ ông 65 tuổi, bị nhiễm toan ketone (ketoacidosis). Đây là một trường hợp phức tạp.
Tôi chỉ xin nhận xét một số điểm, hoàn toàn có mục đích thông tin, bịnh nhân cần sự hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ của mình:
Bình thường, lúc nhịn đói, mức glucose này là 5 millimole/lít plasma (dưới hoặc ngang 6.1 mmol/lít, hoặc 110mg/dl), nếu cao đến hoặc trên 7 millimol/lít (126mg/dl), thì chúng ta nói người đó bị bịnh tiểu đường. Đến mức trên 10 mmol/lít, thận không đủ sức giữ lại đường trong máu, đường glucose tràn ra nước tiểu, kéo thêm thật nhiều nước được thải ra, bịnh nhân đi tiểu rất nhiều (polyuria), bị mất nước (dehydration), sụt cân. Trong lúc đó bịnh nhân cố ăn nhiều thêm và uống nhiều thêm để bù lại, tạo nên 3 chữ "nhiều (poly)” cổ điển của bịnh tiểu đường; ăn nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều (polyphagia, polydipsy, polyuria). Cơ thể không dùng được glucose, đổi qua dùng chất mỡ, đốt mỡ để tạo năng lượng cần thiết, tạo nên những chất ketone làm nhiễm acid (ketoacidosis), bịnh nhân có thể mê man, chết nếu không chữa kịp thời. Lâu dài, bịnh tiểu đường gây hư hại các động mạch, các dây thần kinh, làm tổn hại các bộ phận quan trọng như tim, thận, mắt.
1) Nhiễm toan ketone (ketoacidosis): trước đó một hai ngày, bịnh nhân thấy mệt nhiều, ăn nhiều hơn, uống nhiều hơn và tâm trí thờ thẩn hơn (mental stupor). Lúc bịnh nhân hôn mê do nhiễm toan ketone (ketoacidotic coma) thì bịnh nhân đã như người ngái ngủ (stuporous), thở nhanh, hơi thở có mùi trái cây ('fruity" breath odor), như mùi acetone các bà dùng rửa sơn móng tay, và có dấu hiệu mất nước nhiều.
Thân nhân cần nghiên cứu thêm cách phát hiện và ngăn chận sớm những cơn này. Người già, thường là tiểu đường type II, thường đi vào cơn mê nhiễm toan vì bị một stress nào đó, bị nhiễm trùng, hoặc bị chấn thương. Nếu đang dùng bơm insulin tự động, thì phải coi chừng máy bơm insulin đang bị trục trặc (insulin pump malfunction).
Người lớn tuổi bị mê man do ketoacidosis có thể tử vong trên 20%.
Do đó bịnh nhân hoặc thân nhân cần cảnh giác với các dấu hiệu của ketoacidosis. Nếu mức đường máu cứ lên cao nhiều lần, nếu có phương tiện nên thử chất ketone trong nước tiểu. Nếu nhiều lần thử không giảm, phải tăng liều insulin. đồng thời cung cấp đủ nước cho cơ thể đang bị thiếu nước (dehydration), bằng cách uống nước lạnh đều đặn, vài giờ một lần, hoặc dùng thức ăn lỏng như nước cà chua có chút ít muối và nước thịt (slightly salted tomato juice and broth) (cần hỏi bs của mình về điểm này). Điểm này-giữ bịnh nhân không bị thiếu nước-rất quan trọng.
2) Bịnh nhân khó chịu lúc mức đường huyết ở mức bs mong muốn (110mg) và thấy dễ chịu hơn với mức đường máu cao (250-270), có thể cần thời gian lâu hơn để bịnh nhân thích ứng với hoàn cảnh mới, cần nhờ bs theo dõi thêm.
Thuốc Azucon (glycazide) là một loại sulfonurea có tác dụng làm tuỵ tạng sản xuất insulin nhiều hơn (nếu có khả năng), thuốc này không bán bên Mỹ, và hình như rất đắt tiền.
Một loại thuốc khác cơ chế làm giảm sản xuất glucose ở gan (gluconeogenesis), tiêu biểu là metformin (Glucophage). Metformin không được dùng nếu cơ năng gan, thận bị yếu. Phản ứng phụ thường gặp là triệu chứng tiêu hoá (biếng ăn, ói mữa, đau bụng, tiêu chảy). Metformin rất rẻ tiền, ít gây ra đường máu thấp quá (hypoglycemia). Thuốc viên 500mg, 850mg và 1000mg. Thường bs cho dùng không quá 2000mg (hai ngàn milligram) mỗi ngày.
3) Bs có thể quyết định ngưng insulin được hay không tuỳ nhiều yếu tố;
a) điểm chính là tuỳ tạng bịnh nhân có đủ khả năng sản xuất đủ insulin đáp ứng nhu cầu cơ thể của bịnh nhân hay không.
● Bs có thể làm một số thử nghiệm như đo C-peptide và GAD antibodies để ước tính khả năng sản xuất insulin của tuỳ tạng bịnh nhân, cũng như phân loại type bịnh tiểu đường (type 1 versus type 2)
● Insulin chích có những loại mới như Lantrus, tác dụng kéo dài (chích một lần/ ngày), có thể dễ dùng hơn trong một số điều kiện, có thể hỏi bs điều trị.
b) nhu cầu đó có bình thường hay không: bn có mập hay không, có bị stress, nhiễm trùng hay không, có tập thể dục, vận động cơ thể thườing xuyên hay không
3) Những biện pháp vệ sinh tổng quát:
- ăn nhiều lần trong ngày, vài ba tiếng môt bữa ăn nhỏ đủ chất dinh dưỡng như: đậu đỏ, đậu xanh, tàu hủ, tròng trắng trứng, thịt cá; tránh ăn cháo với đường vì những chất gạo và đường mía là mức đường trong máu dao động nhanh chóng. Tránh uống trà, vì trà càng làm lợi tiểu, mất nước thêm.
- cần vận động thân thể hàng ngày, làm tăng khả năng các tế bào nhạy cảm với insulin hơn, nghĩa làm giảm đề kháng insulin.
- có thể cần các thuốc viên vitamin, như Omega3, vitamin D (nếu không ra nắng nhiều)(trung bình cần 600 IU (sáu trăm đơn vị quốc tế)/ngày.
Xin nhắc lại những điểm trên hoàn toàn có tính cách thông tin, bịnh nhân cần sự hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ của mình.
-----
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.